Gặp lại anh bạn là giảng viên một cơ sở đào tạo, tôi hỏi thăm kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa rồi đi du lịch nơi nào, anh bạn lắc đầu: “Có đi đâu được, chúi đầu đọc, nhận xét luận văn để ngồi hội đồng chấm luận văn cao học, vì một số đơn vị đào tạo sau đại học tổ chức bảo vệ luận văn gấp. Giống như cưới chạy vậy”.
Hỏi chuyện, mới hay đang có hiện tượng “chạy” bảo vệ luận văn, luận án trước giờ G để né quy chế đào tạo liên quan đến điều kiện về trình độ ngoại ngữ.
"Mặc dù hiện tượng “chạy bảo vệ luận văn, luận án” so với nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác chỉ “nhỏ như con thỏ”, nhưng điều này cũng cho thấy một số cơ sở đào tạo sau đại học chưa làm tròn sứ mệnh “trồng người” trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế." |
Theo quy chế đào tạo thạc sĩ được ban hành kèm theo thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28-2-2011 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, điều kiện tốt nghiệp đối với học viên cao học phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ (tương đương 4.5 IELTS).
Với những luận văn cao học, nếu bảo vệ trước ngày 30-5-2013 thì không phải có chứng chỉ B1. Vì thế, nhiều học viên cao học gấp rút làm thủ tục bảo vệ luận văn trước giờ G để tránh phải học ngoại ngữ thi lấy chứng chỉ B1. Thế mới có chuyện mấy ngày liền từ sáng đến tối đều có 5-6 hội đồng thay nhau chấm luận văn ở phòng bảo vệ luận văn, luận án của cơ sở đào tạo đó.
Anh bạn kể trước đây cũng có chuyện “chạy bảo vệ luận án tiến sĩ”, vì theo quy định, những luận án bảo vệ từ ngày 1-1-2013 bắt buộc nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ B2 hoặc bậc 4/6 trở lên theo khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ (tương đương 5.5 IELTS).
Với những cơ sở đào tạo sau đại học tạo điều kiện cho học viên bảo vệ luận văn, luận án trước giờ G, có ý kiến cho rằng xét về tình thì đáng trọng vì cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho học viên, giảm được điều kiện nào đỡ điều ấy trong bối cảnh “thóc cao, gạo kém” này.
Tuy nhiên, nếu “chạy” bảo vệ luận văn, luận án trước thời hạn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ thì sẽ khiến một số luận văn, luận án phải “chín ép” vì chạy đua với thời gian. Không chỉ học trò phải gồng mình lên để hoàn thành luận văn, luận án mà cả thầy cô tham gia đào tạo sau đại học cũng bù đầu với công việc đọc, sửa, nhận xét và ngồi hội đồng chấm luận văn, luận án. Trong bối cảnh này thật khó tránh khỏi chuyện “chín bỏ làm mười” và “giơ cao đánh khẽ”.
Điều đáng nói là đa số học viên cao học độ tuổi còn rất trẻ (25-30 tuổi), nhiều người chưa vướng bận gia đình riêng, nhưng cũng ngại học ngoại ngữ. Cũng chính vì tình thương học trò mà các thầy cô đã góp phần làm giảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Nếu chúng ta thực hiện nghiêm quy chế đào tạo sau đại học, các học viên cao học và nghiên cứu sinh không “chạy bảo vệ” mà nghiêm túc học ngoại ngữ để có chứng chỉ B1 hoặc B2, đồng nghĩa với việc nâng cao năng lực của thạc sĩ, tiến sĩ. Có ngoại ngữ mức độ B1 và B2 cũng là điều kiện tốt để những người này tiếp tục học và nâng cao ngoại ngữ, để có thể làm tốt việc giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn.
(Theo PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội)/ Tuổi Trẻ)