- Câu chuyện lình xình của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội trong việc xử lý kỷ luật Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam.và việc bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng mới xem như đã đến hồi kết khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Hùng Thứ trưởng kiêm nhiệm chức hiệu trưởng.

{keywords}

Dư luận đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Tại sao một trường ĐH được xem là vào loại hàng đầu của Việt Nam lại xảy ra sự kiện cáo liên miên với Hiệu trưởng? Tại sao vấn đề “tranh giành” quyền lực khá quyết liệt giữa các ứng cử viên? Động cơ đằng sau sự tranh giành quyền lực đó là gì? Nếu không phải là những lợi ích kinh tế “nhóm” khi có quyền lực? Vai trò của tổ chức Đảng ủy nhà trường ở đâu mà để bị một nhóm người lũng đoạn vì lợi ích “nhóm” làm cho vừa thiếu dân chủ lại thiếu tập trung?

Việc đưa Thứ trưởng của Bộ về làm hiệu trưởng liệu có phải là giải pháp căn cơ để xử lý những vấn đề mang tính nội bộ của nhà trường? (Bộ đang là cơ quan chủ quan của dăm chục trường, nếu có khoảng chục trường như ĐH Kinh tế Quốc dân thì Bộ lấy đâu ra Thứ trưởng là bổ nhiệm làm hiệu trưởng).

Dư luận chắc cũng không dừng lại đó....

Trường ĐH vốn là nơi tôn nghiêm truyền tải những trí thức, giá trị phổ biến của nhân loại, là nơi sáng tạo ra những tri thức mới rất cần một môi trường dân chủ mới có sáng tạo và phải rất mô phạm vì làm chức năng giáo dục. Thế nhưng những tranh chấp quyền lực hành chính khá quyết liệt với nhiều “chiêu trò” từ nói xấu, bôi nhọ đến vận động của cán bộ lãnh đạo trong trường ở một trường đại học công lập hàng đầu về lĩnh vực kinh tế khiến cho nhiều người giật mình.

Một số người cho rằng cái chức hiệu trưởng đại học trở nên “béo bở” chăng khiến cho cuộc chạy đua khá quyết liệt. Trong bối cảnh nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, thay vì các cấp lãnh đạo nhà trường đoàn kết, tập trung nghiên cứu, phát triển nhà trường, đào tạo nhân lực chất lượng cao...góp phần giảm nhẹ những khó khăn của đất nước, thì họ lại loay hoay giành giật cái ghế của “nhóm” này “nhóm” nọ. Quá buồn!

Lãnh đạo quản lý trường ĐH đã vậy thì làm sao có thể là tấm gương sáng về đạo đức và năng lực cho các giảng viên và sinh viên theo sau? Một môi trường giáo dục đã có nguy cơ bị tha hóa nếu cán bộ lãnh đạo và quản lý nhà trường không quen văn hóa dân chủ, công khai minh bạch các hoạt động.

Câu chuyện của ĐH Kinh tế Quốc dân không phải là câu chuyện của riêng ai mà nhìn rộng ra ta có thể thấy những “vấn đề” nội bộ xuất hiện ở nhiều trường đại học khác (nhất là khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ hiệu trưởng hoặc chuẩn bị về nghỉ hưu) và cả một số ĐH ngoài công lập khác.

Có lẽ trường ĐH của chúng ta đang vận hành thiếu một cơ chế dân chủ, quyền lực hành chính lớn mạnh và nhiều lợi ích hơn quyền lực học thuật khiến cho con người trở nên mụ mị vì những lợi ích và toan tính cá nhân.

Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực gần nửa năm nay rồi mà việc thành lập Hội đồng trường vẫn chưa được thành lập và hoạt động thực tế ở hầu hết các trường.

Giá như có Hội đồng trường (một Hội đồng quyền lực thực sự), giá như Bộ GD-ĐT chỉ đạo mạnh mẽ hơn, yêu cầu thực thi Luật một cách nghiêm chỉnh, mọi việc trong trường được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ; mọi chi tiêu tài chính, nhân sự... được công khai rộng rãi có sự giám sát của Hội đồng trường, chắc chắn những sự cố như ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ hạn chế nhiều.

Bộ GD cần nghĩ cách để vận hành trường ĐH một cách ổn định, lâu dài, kiên quyết loại bỏ tư duy nhiệm kỳ và thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực... thay vì cử lãnh đạo Bộ làm công việc của hiệu trưởng hoặc phải đi giải quyết khiếu kiện liên miên.

Cách thức ấy thực ra đã có, đó là thực thi Luật Giáo dục ĐH - vấn đề là Bộ có làm hay không? Còn nếu không làm quyết liệt thì Luật Giáo dục ĐH rất có thể chưa kịp dùng đã cũ.

Quang Lê (Hà Nội)