- Nhân đọc bài "Kính thưa ai trước?", tôi xin chia sẻ một số ý kiến cá nhân, rất cá nhân mà mình đã suy nghĩ lâu lắm rồi.

>> Kính thưa ai trước?
>> Chuyện nhỏ về chiếc ô của nguyên Tổng Bí thư

Trước khi đi vào chi tiết, tôi xin kể một câu chuyện vừa nghe của một giảng viên đại học sắp về hưu.

Ông bảo rằng trong đám học trò bây giờ có nhiều đứa danh giá, làm chức nọ chức kia trong trường. Khi trường tổ chức đoàn đi thăm các sinh viên thực tập thì đứa học trò (xưa) danh giá (bây giờ) được chỉ định là trưởng đoàn, còn ông chỉ là một thành viên bình thường của đoàn mà thôi.
{keywords}
Ảnh minh họa

Khi xuống đến nơi thì sở tại người ta đón chào trưởng đoàn nồng nhiệt hơn ông, và ông lấy làm khó chịu về điều đó. Tôi khuyên ông chớ nên khó chịu làm gì, bỡi vì cuộc đời nó vậy. Cuộc đời như một tấn tuồng trò. Vì lý do gì đó, người ta phân ông làm quân sĩ, còn học trò ông làm vua thì khi đóng vai, ông phải làm đúng vai tuồng như thế. Ông mà làm ngược lại, ví như bảo rằng mày không được vô lễ với tao, thì tấn tuồng đó có hỏng không?

Một câu chuyện thứ hai, rất khôi hài, nhưng rất thực. Ngôi trường THCS của chúng tôi ở miền sơn cước, việc học hành vốn chẳng ra làm sao. Lý do bỏ học, thường là ham chơi nhiều hơn ham học. Trong số những học sinh bỏ học giữa chừng đó, có một học sinh mà sau này trở thành chủ tịch xã.

Ngày 20/11, vị chủ tịch xã về chúc mừng trường thì các thầy cô xưa kính thưa (học trò cũ) của mình đến sái cổ, nhưng có phần ngượng ngùng, và không ít tiếng xì xào bàn tán ở phía các giáo viên xưa…nhưng việc kính thưa này rất đúng.

Vừa qua mẹ tôi mất, trong đám lễ tang quy định tôi phải quỳ lạy, vái lạy các sư chùa. Quả tình tôi rất ái ngại bởi vì tôi biết các sư chùa này không đáng để tôi quỳ lạy, vái lạy như thế. Có người bảo tôi rằng không phải là vái lạy con người họ, mà chính là vái lạy tính Phật, tính tốt đẹp trong con người họ. Tôi ngộ ra, và từ đó, tôi vái lạy các sư rất chân thành, không còn ái ngại nữa.

Vấn đề là kính thưa ai trước, tôn trọng ai nhất, có lẽ quan trọng là phải xác định rõ môi trường gì, mà trong toán học gọi là không gian nào. Trong một cuộc gặp mặt nhân dịp khai giảng năm học mới và kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (trường Lam Sơn), người đại diện cho nhà trường đã “kính thưa” đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh (là học trò cũ của Lam Sơn) trước, rồi sau đó mới kính thưa các giáo viên trong trường là đúng, nếu vị học trò cũ đó đại diện cho Tỉnh đi ủy lạo các thầy cô.

Còn nếu vị học sinh đó, dầu có làm đến chức gì, nhưng đến trường với tư cách là một học sinh cũ thì việc kính thưa học sinh này trước là sai. Tôi biết cứ vào các dịp lễ tết hay 20/11, các cấp chính quyền thường phân công cán bộ xuống ủy lạo các trường. Thế thì dẫu họ trước kia có là học sinh cũ của trường, nhưng bây giờ họ đã là người của nhân dân. Mà đã là nhân dân thì kính trọng là đúng rồi.

Các giáo viên trong trường, dẫu có là lão thành đi nữa, thì họ cũng đại diện cho chính mình. Do đó, kính thưa học sinh cũ của trường trước, trong trường hợp này là hoàn toàn đúng, chẳng có gì sai trái ở đây cả.

Mỗi một con người thường đóng nhiều vai khác nhau trong tấn tuồng đời. Chẳng hạn ở cơ quan anh là chủ tịch, nhưng về xóm làng họ tộc anh là hàng con cháu. Vậy không thể bắt các ông bà kính thưa anh. Cũng như thế, tới cơ quan, ông bà anh chị anh không thể đối xử với anh như hàng con cháu. Lê-nin khi đi hớt tóc vẫn xếp hàng bình thường.

Vấn đề còn lại là nhận thức về giá trị. Nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Cái tế nhị ở đây là nhìn nhận đúng các giá trị, cái nào lớn, cái nào nhỏ. Có sự nhầm lẫn giữa lớn và nhỏ. Cái tưởng lớn hóa ra nhỏ, cái tưởng nhỏ lại là lớn...”. Nhiều người xem chức quyền là tất cả, là trên hết nên anh nào có chức cao nhất (đạt được trong xã hội) thì kính thưa trước, bất kể nơi đâu. Đây là một căn bệnh khá phổ biến của người mình từ xưa đến nay. Thấy ai có chức quyền thì họ xúm vào xum xoe nịnh bợ, những mong có thể nhờ vả về sau. Đây là cái tư tưởng tiểu nông, mà đất nước chúng ta có hơn 70% là tiểu nông. Biết làm sao được.

Thế còn xét trong một không gian lớn hơn như toàn xã hội chẳng hạn thì kính thưa ai trước đây ? Sẽ là không tưởng nếu tìm ra một người kính thưa trước. Trong trường hợp này, mọi người đều là nhất, không có ai ở vị trí thứ hai. Kính thưa quốc dân, kính thưa đồng bào…là hợp lý hơn cả.

Tôi rất có ấn tượng về đội bóng đá Thái Lan, trong cái cách vái chào đồng đội khi thay người. Vẫn biết rằng xứ sở Thái Lan là xứ sở của Phật giáo, nhưng mấy ai biết được một nguyên lý giản đơn là kính trọng người khác (không ai kính hơn ai) tức là kính trọng bản thân mình. Chỉ có điều đừng làm cho nó trở nên lố bịch.

Trong cuộc sống, có nhiều câu chuyện "nhỏ mà không nhỏ" thể hiện nhiều bài học. Mời các bạn tham gia chia sẻ các câu chuyện như vậy. Bài viết đăng tải hưởng nhuận bút theo chế độ của tòa soạn. Bài viết xin gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn.

Đào Văn (Phú Yên)