- Theo tiêu chí của quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), sinh viên năm thứ 3 đã có thể nộp hồ sơ nhưng không mấy bạn nộp, Huyền Trang thì "đánh liều" và cô trở thành người trẻ nhất nhận học bổng tiến sĩ của chương trình này. Huyền Trang cũng là thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Là lớp trưởng, bí thư rồi phó chủ tịch CLB sinh viên nghiên cứu môi trường, Huyền Trang dễ dàng lôi cuốn mọi người ở sự nhiệt tình và nụ cười thân thiện.

{keywords}
Thủ khoa Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội Nguyễn Thị Huyền Trang

Sự ngăn nắp, biết sắp xếp thời gian hợp lí và tính nghiêm túc trong công việc như cô bạn cho biết: “Em thừa hưởng từ gia đình khi có bố mẹ làm trong quân đội”.

Được truyền cảm hứng từ thiên nhiên

Là dân khối A, đâu là nguyên nhân em quyết định theo học khối B khi lên ĐH lại ở ngành không mấy “hot” là Tài nguyên – Môi trường?

Hồi thi ĐH em thi khối A vào Học viện Ngân hàng, khối B vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên HN. Điểm thi khối A thậm chí còn cao hơn khối B nhưng em quyết định theo chuyên ngành này vì nhiều lí do.

Bố mẹ không muốn em phải lo nghĩ quá nhiều vì tiền, muốn con tập trung hơn vào nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, tự nhiên luôn có nhiều điều khiến em tò mò. Khám phá thế giới ấy luôn cho em niềm cảm hứng để làm việc. Tiền rất quan trọng, nhưng sống cần có đam mê. Đôi khi em thấy may mắn khi chọn đúng chuyên ngành và nhận ra yêu thích đó đã có từ nhỏ.

 

{keywords}

Huyền Trang dễ dàng lôi cuốn mọi người ở sự nhiệt tình và nụ cười thân thiện.

Em rất thích trồng cây. Em còn nhớ hồi trước chỉ vì thích một cái lá bỏng của nhà hàng xóm nhưng không dám sang xin về trồng khiến em thấp thỏm mấy tháng. Khu ban công nhà em giờ đủ các loại hoa, nhiều nhất là hoa đá.

Lựa chọn theo ngành tài nguyên môi trường bởi em còn thấy biến đổi khí hậu là chủ đề thú vị, có tính ứng dụng cao.

Nhiều người nghĩ làm khoa học là khô khan. Điều đó có đúng với chuyên ngành của em?

Trái lại (cười), tất cả đều rất lôi cuốn: từ thầy cô, bài giảng đến thực tiễn. Bước vào mỗi môn học, thầy giáo đều kể cho SV nghe những câu chuyện thú vị. Có người có lãng mạn đến mức đọc thơ chuyên ngành cho SV nghe.

Học môi trường, chuyên về nghiên cứu đất giúp em thoải mái khám phá thế giới quanh mình, ví dụ nền đất khu Linh Đàm nơi em sống là gì, tại sao nền đất như vậy, có thể can thiệp gì để đất tốt hơn,…Những vấn đề về đa dạng sinh học, sinh thái, quản lí và bảo vệ môi trường, nguồn nước,…hoàn toàn không khô khan.

Xây “kế hoạch cuộc đời”

Em có thể bật mí hành trình để đạt được học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho SV VN?

Em biết đến VEF từ hồi còn là SV năm 1, 2 và bị cuốn hút ngay. Mỗi khi tổ chức có hội thảo em đều đến nghe mọi người chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu.

 

{keywords}
Với Huyền Trang ra đi hay trở về cống hiến cho đất nước không quan trọng bằng tư tưởng luôn hướng về xây dựng quê hương.

Điều thú vị là theo tiêu chí của VEF, SV năm 3 đã có thể nộp hồ sơ nhưng không mấy bạn nộp vào và đánh liều nộp (cười). Khá may mắn khi đúng vào hạn chót, em đã kịp bổ sung đề tài nghiên cứu sử dụng than bùn tự nhiên vừa đạt được giải nghiên cứu khoa học cấp trường. Em nghĩ đó là điểm cộng rất lớn để hồ sơ của mình được chú ý.

Từ khi quyết định nộp hồ sơ em đã lên kế hoạch, không quan tâm tới bất kỳ học bổng nào khác. Em tập trung ôn thi TOEFL iBT và GRE cùng với đó là tham gia nghiên cứu khoa học, viết báo. Tiếng Anh tốt là điều vô cùng quan trọng để kết nối con người và những ý tưởng trên khắp thế giới gần nhau hơn.

Một điều mọi người cũng hay hỏi và quan trọng không kém chính là bài luận về bản thân và học thuật. Trong bài luận về bản thân em có gì viết nấy, ngắn gọn, súc tích và không lãng mạn, bay bổng. Em nói về niềm đam mê của bản thân được hình thành và lớn dần qua từng giai đoạn, càng về sau càng vững chắc.

Em cũng nói đến khả năng lãnh đạo của mình, việc giành học bổng SUSI dành cho thủ lĩnh SV chủ đề môi trường toàn cầu (học tập tại Hoa Kỳ) có tính cạnh tranh cao. Em là 1 trong 5 SV được lựa chọn.

Bài luận học thuật em nói về hướng nghiên cứu trong tương lai của mình sẽ tập trung vào đất. Đây là vấn đề lớn của VN hiện nay. Em cũng tin mình với kiến thức nếu được học tập tại Mỹ sẽ giúp em cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của quê hương.

 

{keywords}
Nguyễn Thị Huyền Trang

Qua vòng hồ sơ, em được nói 2 GS đầu ngành của Mỹ trực tiếp PV. Nhận tin này thực sự em rất run. Thời gian này em đọc nhiều, gặp nhiều GS trong khoa để đơn giản là nói chuyện vui vẻ. Để tâm lí thoải mái, em không gạch ra những câu hỏi nào mà các GS có thể hỏi.

Và em đã thành công (cười). Buổi nói chuyện thực tế khá thoải mái. Các GS chỉ hỏi lại những điều em đã trình bày trong hồ sơ. Em thậm chí còn kể chuyện cười cho mọi người nữa.

Từ khi nộp hồ sơ, em có chắc chắn mình sẽ được VEF chọn?

Thực sự em cũng đã có dự định nếu được chọn thì làm gì và không sẽ theo hướng nào. May mắn là em đã được chọn. Với thư giới thiệu của 2 GS cùng bảng hồ sơ hoàn chỉnh, qua hơn một năm bám đuổi theo các quy trình của việc nộp học bổng, em đã thành công khi được 6/9 trường ở Mỹ nhận vào học (trong đó có 5 trường nhận làm Tiến sỹ: Đại học California Riverside, Đại học Clarkson, Đại học Mississippi, Đại học Clemson, Đại học bang Oregon và một trường nhận học Thạc sỹ là Đại học Indiana Bloomington) trên tổng số 9 trường em nộp hồ sơ. Thật là may mắn khi cuối cùng em thành thí sinh trẻ nhất của học bổng VEF danh giá này!

Tháng 8 tới, em sẽ lên đường sang Hoa Kỳ học chuyển thẳng Nghiên cứu sinh (PhD) chuyên ngành Khoa học Đất tại một trường ĐH của bang Oregon, thời gian học là 5 năm tính từ năm 2013.

Sau khi hoàn thành chương trình, em có dự định quay về VN?

Theo quy định, em sẽ phải về VN làm việc trong 2 năm. Em nghĩ những kiến thức khoa học về đất của mình sẽ giúp ích nhiều cho đất nước, đặc biệt ở tư duy và cách làm mới về môi trường, nông nghiệp, quản lí đất đai,…

Chuyện đi hay ở em nghĩ quan trọng là cái tâm luôn hướng về quê hương. Mọi người nói đến việc các nhà khoa học ra nước ngoài và chuyện “chảy máu chất xám”. Em cho rằng dẫu ở nước ngoài nhưng nếu em giúp được các đồng nghiệp hay SV Việt Nam sang du học, nghiên cứu cũng là một cách giúp phát triển đất nước mình. Nói vui là quá trình không quan trọng bằng kết quả.

Cảm ơn em! Chúc em sức khỏe, thành công trong cuộc sống!

Hồ sơ trích ngang của cô bạn 9X Huyền Trang

Họ và tên: Nguyễn Thị Huyền Trang

Sinh ngày: 19/4/1991

Sở thích: trồng cây, đọc truyện thiếu nhi

Chức vụ: Bí thư Chi đoàn Chất lượng cao năm học 2010-2011

Lớp trưởng K54 CLC KHMT giai đoạn 2009-2013

Thành tích nổi bật:

Thủ khoa tốt nghiệp ngành: Khoa học Môi trường

Điểm tốt nghiệp 3.79/4.00

Tóm tắt thành tích trong học tập, nghiên cứu và công tác tập thể:

- Giải Nhất sinh viên nghiên cứu Khoa học cấp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2012,

- Giải Khuyến khích sinh viên nghiên cứu Khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013

- Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia năm 2011 và 2012

- Danh hiệu Sinh viên năm tốt cấp Đại học Quốc gia năm 2011 và 2012

- Danh hiệu Cán bộ Đoàn có thành tích trong công tác năm 2012

- Liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc trong 8 học kỳ.

- Học bổng Pony Chung năm 2011

- Học bổng PVFCo năm 2013

- Học bổng SUSI dành cho thủ lĩnh sinh viên chủ đề Môi trường toàn cầu, học tập tại Hoa Kỳ.

- Năm 2013, được 5 trường ĐH ở Mỹ nhận làm Tiến sỹ: Đại học California Riverside, Đại học Clarkson, Đại học Mississippi, Đại học Clemson, Đại học bang Oregon và một trường nhận học Thạc sỹ là Đại học Indiana Bloomington

  • Văn Chung