-Trong phần tiếp theo của bàn tròn trực tuyến "Kỹ năng cho phát triển, góc nhìn doanh nghiệp", ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam chia sẻ: mỗi cá nhân phải tự xây dựng được lợi thế cạnh tranh của mình nếu muốn đạt tới sự thành công trên thị trường lao động.

{keywords}

Bàn tròn trực tuyến do VietNamNet tổ chức ngày 26/6 thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Hạ Anh: Khi đề cập tới kết quả khảo sát nguồn nhân lực, ông Luis có nói rằng, từ đó, có một điều quan trọng nhất là chúng ta phải chuyển hướng, không chỉ tập trung vào số năm và bằng cấp. Ông có thể cho biết cụ thể hơn, chuyển hướng ở đây là chuyển hướng cái gì? Sẽ tăng hay giảm số năm học, giảm hay tăng sự quan trọng của bằng cấp?

Ông Luis Benveniste: Vấn đề ở đây không phải là bằng cấp, mà tập trung vào kỹ năng. Đây là một thông điệp mạnh mẽ.

Thời gian để học trong trường rất nhiều năm, nhưng không học được các kỹ năng, không có được những kỹ năng cần thiết cho công việc thì giá trị của bằng cấp đó cũng rất thấp.

Ngược lại, nếu học viên đến một trung tâm đào tạo và trang bị kỹ năng ở mức độ rất hạn chế thì giá trị của bằng cấp mà anh ta có được cũng không cao.

Như vậy, quan trọng ở đây là chúng ta phải đảm bảo giáo dục, đào tạo với chất lượng tốt.

Như ông Christian cũng đã nói, và theo như kết quả nghiên cứu của chúng tôi, hệ thống giáo dục của Việt Nam đang làm tốt nhiệm vụ cung cấp cho HS, SV những kỹ năng nền tảng vững chắc.

Mới đây, Việt Nam đã thông qua luật giáo dục đại học. Luật đưa ra những khuôn khổ mới, những quy định về thị trường giáo dục đại học hay bậc cao.

Đây cũng là một bước quan trọng để đào tạo ra người lao động có kỹ năng ở cấp độ cao hay những kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ sâu.

Một ý nữa cũng rất quan trọng là chúng ta phải thiết lập ra được một cơ chế thông tin, để sinh viên có được những thông tin chính xác và đáng tin cậy về chất lượng của dịch vụ giáo dục.

{keywords}

Ông Luis Benveniste: Chúng ta đang sống trong một môi trường có rất nhiều thay đổi nhanh chóng. Ảnh: Lê Anh Dũng

  Ông Christian Bodewig: Chúng tôi thấy, thông tin cho các sinh viên ĐH tiềm năng ở những vùng nông thôn chưa tốt.

Một yếu tố khác để đảm bảo sinh viên có thể thành công trong thị trường lao động là bạn phải có những kỹ năng mang tính thực tế.

Việc thực tập, học việc ở những doanh nghiệp rất quan trọng.

Nhà tuyển dụng phải tạo ra những cơ hội thực tập cho SV, đóng vai trò chủ động trong việc định hình những sản phẩm của các cơ sở đào tạo.

Nhà báo Hạ Anh: Nãy giờ, cả ông Christian và ông Luis đều nhấn mạnh thông điệp là bằng cấp không quá quan trọng, và nhấn mạnh nhiều đến yếu tố kỹ năng. Trở lại với thị trường lao động, nên diễn giải thông điệp này như thế nào cho đúng? Bởi vì có thể dẫn đến suy nghĩ là bằng cấp không quan trọng.

Bà Phạm Thị Hồng Ánh: Đồng ý là khảo sát cho thấy kỹ năng là điều rất quan trọng, nhưng cũng không thể phủ nhận, kiến thức chuyên ngành là những yêu cầu cơ bản.

Các bạn có thể nhìn thấy trên tất cả thông báo tuyển dụng bao giờ cũng đòi hỏi bằng cấp liên quan đến chuyên ngành trước đã. Để có được những kỹ năng như vậy, tôi tin là ngoài việc học ở trường, định hướng về thông tin thu nhận được cũng rất quan trọng.

Ở công ty, chúng tôi rất hiểu sự thiếu hụt về kỹ năng của SV hiện nay. Có thể một số SV đã biết tự trang bị những kỹ năng cần thiết cho công việc – đó là những SV ở những trường ĐH hàng đầu ở VN. Họ có nhiều cơ hội cọ xát với thực tế, tiếp nhận được nhiều thông tin. Tiếng Anh, kỹ năng xử lý tình huống của họ rất tốt. Nhưng số này không phải là đại đa số.

Trong tuyển dụng, cũng có những kỹ năng mà chúng tôi không quá khiên cưỡng.

Chúng tôi luôn cố gắng tìm ra những yếu tố tiềm ẩn ở mỗi ứng viên bởi hiểu rằng họ đến từ nhiều môi trường giáo dục khác nhau. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra sự đa dạng văn hóa trong một công ty.

Chúng tôi mong muốn đem lại nhiều cơ hội hơn cho SV Việt Nam.

Chúng tôi luôn muốn tìm ứng viên có khả năng thay đổi và thích nghi.

Trong 2 tháng đầu thực tập, chúng tôi sẽ có những chương trình đào tạo cơ bản.

Chúng tôi sẽ cử những người có kinh nghiệm giúp đỡ để họ nâng cao những kỹ năng mà họ còn yếu hoặc chưa có.

Đã từng như SV, cũng có những ngày đầu tiên ở các công ty, chúng tôi rất hiểu những khó khăn của họ.

Các bạn SV nên chủ động trau dồi kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, không nhất thiết chỉ là các hoạt động trong trường, mà có thể tham gia các hoạt động như ông Christian vừa nói là chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập và các công việc bán thời gian khác. Điều này vô hình chung sẽ mang lại cho các bạn rất nhiều kinh nghiệm.

Tôi tin là nếu đã có một định hướng tốt, SV sẽ chủ động nâng cao được kỹ năng của mình bằng cách này hay cách khác.

{keywords}

Bà Phạm Thị Hồng Ánh: "Chúng tôi luôn muốn tìm ứng viên có khả năng thay đổi và thích nghi". Ảnh: Lê Anh Dũng

 Ông Lê Tiến Trường: Tôi cho rằng nếu cả hai bên cung cấp nhân lực và sử dụng nhân lực đều có một quan niệm đúng đắn về bằng cấp mà mình sẽ tuyển dụng thì bằng cấp thực sự là một yếu tố cần có để làm cái đầu vào đầu tiên để tuyển dụng.

Đối với nhà cung cấp sản phẩm giáo dục, cái quan trọng nhất là có chuẩn đầu ra của mình và cam kết rằng chỉ có những người đạt chuẩn đó, tức là kiến thức đó - kỹ năng đó, mới được đưa ra thị trường lao động.

Đối với người tuyển dụng cũng cần xác định rõ những việc nào của mình cần đại học, cái nào cần trung cấp, cái nào cần người có kỹ năng nghề, để tuyển dụng cho đúng.

Nếu hai bên đều làm đúng chuyện đó thì bằng cấp là có ý nghĩa chứ! Nó sẽ quyết định đầu vào cho tuyển dụng là đúng hay không và phạm vi những người tham gia tuyển dụng sẽ được thu hẹp lại. Cả hai bên sẽ gần gũi với nhau giữa nhu cầu và khả năng cung ứng. Tôi cho rằng đây là chuyện mà trong dài hạn sẽ phải đạt tới.

Chính “chuẩn đầu ra” và cam kết dài hạn như thế mới sinh ra trường có uy tín và trường không có uy tín.

Hiện nay, nếu nhìn chỗ này chỗ khác, trên thị trường giáo dục VN, bằng cấp không tương ứng với chất lượng giáo dục mà người nhận bằng đang có. Ta cảm giác như là nếu dựa vào bằng cấp thì có rất nhiều sai sót, nhưng thực chất, về dài hạn bằng cấp vẫn là cái chuẩn, đóng dấu chất lượng sản phẩm của nhà cung cứng dịch vụ đào tạo.

{keywords}

Ông Lê Tiến Trường: "Nếu không tìm ra cách nào để xây dựng lợi thế cạnh tranh của riêng mình, ít nhất là đạt mức trung bình của thị trường lao động thì đương nhiên, sẽ là một đối tượng lao động gặp khó khăn trên thị trường". Ảnh: Lê Anh Dũng

Thứ hai, người sử dụng lao động bao giờ cũng đi theo hướng là, dù anh đã có chứng nhận đấy rồi nhưng vẫn kiểm, vẫn thi, vẫn phỏng vấn và đánh giá sản phẩm đó trong điều kiện văn hóa của tôi, trong điều kiện yêu cầu công việc của tôi để xác định có phù hợp để tuyển dụng hay không.

Tôi nghĩ đây là một điều kiện cần để giúp các nhà tuyển dụng sẽ ghép những điều kiện đủ của mình vào để lựa chọn tối ưu nhân lực của mình.

Ông Luis Benveniste: Cả ông Christian và tôi không ai nói là bằng cấp không quan trọng. Chúng tôi chỉ nói là, chỉ có mỗi bằng cấp thì không quan trọng, cho dù đó là bằng cấp gì đi chăng nữa.

Điều chúng tôi muốn nói ở đây, kỹ năng không chỉ giúp chúng ta tìm được một công việc trước mắt, mà còn có vai trò quan trọng trong cuộc đời.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong một môi trường có rất nhiều thay đổi nhanh chóng. Công việc mà chúng ta đang làm hiện nay rất có thể trong 10 năm nữa sẽ không còn tồn tại.

Cho nên, cần phải có những kỹ năng nền tảng vững chắc, xuyên suốt để đảm bảo có thể làm mới lại những kỹ năng làm việc thích ứng được với thị trường lao động.

Đây là lý do tại sao giáo dục phổ thông, đại học vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo SV có được những kỹ năng sau này có thể chuyển từ công việc này sang công việc khác trong suốt cuộc đời làm việc của mình.

Nhà báo Hạ Anh: Liên quan tới chủ đề mà chúng ta đang thảo luận lúc này, độc giả Ngô Chí Nghĩa, 23 tuổi gửi tới câu hỏi như sau:Với một sinh viên mới ra trường, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn luôn là 2 vấn đề nan giải. Nếu được chuẩn bị kĩ kiến thức trên ghế nhà trường thì lại lơ là thực tiễn, hay đơn giản là mê mải học hành mà không có thời gian thu nhặt kinh nghiệm từ cuộc sống và ngược lại. Vấn đề là làm sao ở một đất nước đang phát triển như VN chúng ta có một lực lượng lao động vừa giỏi kiến thức, kỹ năng lại lành nghề. Vậy SVVN cần làm những gì trong khi thi cử, học hành quá nặng nề, choán hết thời gian để họ phát triển những kỹ năng khác?”

Bà Phạm Thị Hồng Ánh: Tôi nghĩ rằng, đúng là thực trạng giáo dục VN áp lực học tập khá là lớn. Thực sự nếu các bạn ấy chỉ tập trung vào học thì sẽ có rất ít thời gian cho những việc khác.

Nhưng đối với SV đại học, đặc biệt theo tôi hiểu là với 2 năm cuối, các bạn sẽ có những khoảng thời gian được tham gia các kỳ thực tập. Tôi nghĩ, các bạn nên có kỹ năng quản lý thời gian để vừa đảm bảo việc học tập, vừa có thời gian nâng cao các kỹ năng.

Trong 2 kỳ thực tập của năm thứ 3 và thứ 4, như ông Christian đã nói thì việc chủ động, năng động hơn trong việc đi xin thực tập ở các công ty – những công ty mà các bạn đã định hướng, mong muốn là được làm việc trong tương lai – là điều rất quan trọng.

Tôi vẫn nghĩ sẽ khó có một câu trả lời chung cho tất cả các trường hợp. Bản thân tôi và anh Trường ban đầu cũng là sản phẩm của giáo dục Việt Nam và tôi nghĩ các bạn đừng nên quá bi quan về chất lượng đào tạo của Việt Nam.

Làm việc với rất nhiều SV của các trường đại học, tôi hoàn toàn có thể tự tin nói rằng các bạn ấy vừa có thể học tốt ở trường vừa thu xếp được thời gian để có được những cơ hội làm việc lấy thêm kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng.

Tất nhiên, để đồng bộ hóa và để việc này được phổ biến hơn, tôi nghĩ cũng cần thời gian và cần sự hợp tác hơn nữa giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhưng các bạn nên có sự chủ động trong việc học cũng như trong việc tìm kiếm các cơ hội.

Ông Lê Tiến Trường: Tôi chỉ xin chia sẻ một ý thôi! Tất nhiên là sẽ không có một giải pháp nào giống nhau cho tất cả mọi người.

Mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ riêng, anh phải tự lo xây dựng năng lực cạnh tranh của riêng mình. Nếu xác định thế mạnh của mình là gì, quỹ thời gian là như vậy thì đương nhiên – kinh tế học cũng nói vậy thôi mà – vẫn phải có chi phí cơ hội, phải hi sinh chuyện này đánh đổi lại chuyện kia.

Người thành công sẽ là người xây dựng được lợi thế cạnh tranh của mình lớn hơn so với mặt bằng chung. Còn nếu không tìm ra cách nào để xây dựng lợi thế cạnh tranh của riêng mình, ít nhất là đạt mức trung bình của thị trường lao động thì đương nhiên, sẽ là một đối tượng lao động gặp khó khăn trên thị trường.

Bài 4: Chọn đại học từ năm..lên 3

Thực hiện: Ban Giáo dục