Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/10/2012, trong tổng số 984.000 người thất nghiệp có 55.400 người trình độ CĐ (chiếm 5,6%) và 111.100 người có trình độ ĐH trở lên (11,3%).

Tại sao SV ra trường vẫn không tìm được việc làm? Họ thiếu hụt những kỹ năng gì mà người tuyển dụng yêu cầu? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi then chốt đó, cách đây 1 tháng, báo VietNamNet đã tổ chức thảo luận trực tuyến về chủ đề này cùng các chuyên gia giáo dục của Ngân hàng Thế giới và một số lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong hai tiếng đồng hồ thảo luận, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã trả lời rất nhiều câu hỏi của độc giả về các kỹ năng cần thiết của người lao động để đáp ứng yêu cầu công việc và sự hỗ trợ của nhà trường và doanh nghiệp để giúp người lao động trau dồi kỹ năng. Một chủ đề nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả là sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để cung cấp môi trường đào tạo thực tế cho SV.

{keywords}
Thí sinh dự thi CĐ năm 2013. Ảnh: Văn Chung

 

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2013 với 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, phần lớn các doanh nghiệp phàn nàn là họ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng. Có tới 82,9% lao động chuyên môn hoặc kỹ năng cao không đáp ứng được những đòi hỏi về kỹ năng của người tuyển dụng lao động.

Hiện tượng thiếu kỹ năng có thể được giải thích là các đơn vị tham gia vào việc phát triển kỹ năng chưa có mối quan hệ tương tác chặt chẽ do còn thiếu thông tin và thiếu chính sách khuyến khích.

Có phải thị trường lao động đang thiếu thông tin?

Ở bất cứ đất nước nào bất luận giai đoạn phát triển của nó luôn có một khoảng cách giữa cung và cầu lao động, có điều khoảng cách đó nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp giữa các cơ quan chính sách, cở sở đào tạo và các nhà tuyển dụng.

Đà Nẵng lâu nay là một trong những thành phố đi đầu trong cách tiếp cận doanh nghiệp và cơ sở đào tạo kết hợp với chính sách khuyến khích nhằm đạt được mục tiêu Đề án phát triển nguồn nhân lực của thành phố tới năm 2020, theo đó Đà Nẵng cần có 70% lao động (trong tổng số lao động cần dự báo tới 2020 là hơn 900 nghìn người) qua đào tạo.

Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Lao động và Thương binh xã hội thành phố Đà Nẵng, trong 3 năm triển khai một dự án do Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tài trợ về dự báo về thị trường lao động thì công tác thu thập, phân tích số liệu để dự báo nhu cầu lao động để làm căn cứ cho công tác xây dựng nguồn nhân lực gặp rất nhiều khó khăn. Khi dự án bắt đầu triển khai năm 2010, thành phố ước tính năm 2013 sẽ cần thêm 20.000 lao động trong lĩnh vực dệt may. Trên cơ sở đó thành phố cho triển khai các chương trình đào tạo bao gồm cả đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và nguồn lực cho các trường cao đẳng và trung cấp nghề.

Nhưng thực tế năm 2012, khi có khủng hoảng kinh tế, DN còn giảm lao động chứ không phải tăng tuyển dụng như dự kiến. Theo Sở Lao động Đà Nẵng thì thông tin về nhu cầu lao động đưa ra từ các Hiệp hội Doanh nghiệp không được cập nhật thường xuyên gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Về phía cơ sở đào tạo, PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng trong một buổi họp báo để ra mắt mối quan hệ chiến lược với công ty Rolls Royce và trường đại học Aston(Vương quốc Anh) cho rằng “Các hoạt động với doanh nghiệp là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường để trở thành trường đại học có định hướng nghiên cứu trong đó mối quan hệ hợp tác bền vững với doanh nghiệp giúp các chương trình giảng dạy và nghiên cứu của nhà trường phù hợp với nhu cầu của thực tiễn và từ đó nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên ra trường”. Tuy nhiên nhà trường còn tỏ ra rất quan ngại về sự thiếu vắng sự quan tâm và nhiệt tình của các doanh nghiệp với công tác đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động.

Không đồng tình với trường Đại học Đà Nẵng, Phòng Thương Mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng lại cho rằng các doanh nghiệp trong nước rất thiết tha được hợp tác với các trường đại học trong việc đào tạo đội ngũ lành nghề. Dù doanh nghiệp là đối tượng được hưởng thụ sản phẩm từ các trường đại học nhưng các trường đại học lại chưa chủ động và mặn mà trong các mối hợp tác bền vững với các doanh nghiệp Việt Nam do các trường đại học còn bận bịu với công tác tuyển sinh để đảm bảo thu nhập cho trường còn việc sinh viên học được gì và ra trường được làm gì chưa phải ưu tiên hàng đầu của các cơ sở giáo dục.

Thiếu chính sách khuyến khích?

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp và nhà trường tìm đến với nhau và cam kết cho một mối quan hệ bền vững khi mà cả hai đều chưa tìm thấy động lực trong các hoạt động phối hợp?

Khi mà trường đại học và cao đẳng chưa được trao quyền tự chủ trong việc quyết định dạy gì, dạy như thế nào, sử dụng biện pháp nào để đánh giá sinh viên để ngoài tấm bằng tốt nghiệp họ còn được mang theo cả những kỹ năng cần thiết, thì dễ gì các cơ sở giáo dục lại chịu chủ động sáng tạo để thiết kế các chương trình phù hợp với thị trường lao động. Giảng viên cũng chẳng có hứng khởi để trau dồi và cập nhật kiến thức cũng như say sưa với công tác nghiên cứu để tìm tòi những kiến thức mới..

Quyền tự chủ cao có khả năng dẫn tới tính tương thích cao với thị trường lao động nhờ có tính linh hoạt, sự tham gia của các bên liên quan, cùng với khả năng sáng tạo kết hợp với tính cạnh tranh cao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tầm quan trọng của một cơ chế chịu trách nhiệm bao gồm i) cơ chế quản lý chất lượng và tài chính phù hợp; ii) hệ thống thông tin và kiểm soát; iii) cơ cấu quản lý với sự tham gia của các đối tác bên ngoài và iv) chính sách khuyến khích cạnh tranh giữa các trường đại học và cao đẳng.

Hy vọng Luật Giáo dục đại học có hiệu lực đầu năm 2013 sẽ là một văn bản pháp lý nền tảng tạo điều kiện cho các trường đại học sử dụng quyền tự chủ và trách nhiệm của mình một cách hiệu quả.

Phải xây cầu từ hai phía

Tăng cường tính tương thích cho giáo dục đại học đòi hỏi một loạt những cải cách để tạo ra một hệ thống linh hoạt và đa dạng hơn với sự tham gia của khối tư nhân, quyền tự chủ cao cho các cơ sở đào tạo trong đó công tác nghiên cứu được đặt vào đúng tầm quan trọng của nó. Nhà nước phải đưa ra những khung quản trị và tài chính với trách nhiệm rõ ràng cho khối chính phủ và tư nhân trong từng giai đoạn của quá trình đổi mới. Trong giai đoạn đầu cần tập trung xây dựng một hệ thống giáo dục đại học có tính cạnh tranh nhằm trợ giúp cho các trường hoàn thiện quá trình đưa ra quyết định cho phù hợp với nhu cầu kinh tế và xã hội. Giai đoạn sau có thể tập trung vào xây dựng hệ thống giáo dục đại học chất lượng đẳng cấp quốc tế.

Về cơ cấu tổ chức, cần phải có một cơ cấu hay một tổ chức chính thống để điều phối các mối quan hệ và thu nhận các phản hồi giữa các doanh nghiệp và các trường đại học. Sự thiếu vắng một tổ chức như thế thường dẫn đến việc hợp tác nhỏ lẻ, không chính thức và thường kém hiệu quả. Tổ chức này cần phải có đại diện của các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp nhằm hướng tới sự tương thích giữa chương trình đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia xây dựng năng lực cho giáo dục đại học và cao đẳng.

Để đảm bảo tính tương tác hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà trường, doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng chương trình giảng dạy với những kỹ năng mô phỏng theo cách tiếp cận theo chuẩn đầu ra (còn gọi là CDIO), nâng cao năng lực cho các giảng viên để họ có kinh nghiệm doanh nghiệp, chứng nhận nghề nghiệp chuyên nghiệp, thực tập doanh nghiệp cho sinh viên và tạo dựng môi trường làm việc ngay trong trường học.

Quan trọng hơn cả là với việc lấy người học làm trung tâm, các bên liên quan phải giữ đối thoại thường xuyên để hiểu biết lẫn nhau trong quá trình tạo các nền tảng giáo dục và kỹ năng. Trong khi trường học có những thay đổi về ưu tiên chính sách và nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy về chương trình giảng dạy trên kỹ năng thì doanh nghiệp cần can thiệp để tạo ra phương thức tiếp cận đào tạo theo nhu cầu.

Nếu chúng ta cho rằng cần có một cầu nối giữa thế giới giáo dục và thế giới việc làm thì cả hai bên đều phải nỗ lực vì sẽ thật là khó khăn nếu chiếc cầu chỉ được xây từ một phía.

  • Võ Kiều Dung (Chuyên gia cao cấp về Giáo dục, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)