- Sáng 23/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác thanh tra của các sở GD-ĐT trên cả nước. Vấn đề được bàn nhiều là giải pháp khắc phục tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm (DTHT) tràn lan.

1 năm chỉ xử phạt 11 triệu đồng vi phạm DTHT

Tại hội nghị, ông Hoàng Cơ Chính, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận, nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) bậc tiểu học còn DTHT ngoài nhà trường các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Một số hoạt động liên kết với các trung tâm dạy tiếng Anh tại trường ngoài giờ học chính khóa, luyện chữ trái quy định, chưa quản lý tốt nguồn kinh phí đóng góp của học sinh (HS), thu chưa đúng công văn chỉ đạo...

{keywords}
Trong một lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho HS lớp 5 chuẩn bị thi lên lớp 6 ở Hà Nội. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung)

Một số trường được thanh tra chưa thực hiện đúng hướng dẫn về huy động các khoản đóng góp tự nguyện, đã để xảy ra việc Ban đại diện cha mẹ HS các lớp thu các khoản đóng góp tự nguyện theo hình thức bổ đầu và thu trái quy định. Giáo viên còn có biểu hiện đối xử không công bằng với HS không học thêm...

Dù không phải vấn đề “quá bức xúc” nhưng theo bà Bùi Thị Thu, Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Nam Định: “Một số đơn vị các khoản thu tự nguyện và việc vận động đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất còn bình quân, chưa đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, chưa thực hiện đúng quy định về công khai”.

Nam Định vẫn còn tình trạng CSGD chưa phổ biến rộng rãi để phụ huynh phân biệt được các khoản thu theo quy định và thu tự nguyện, chưa nhận thức đầy đủ về việc vận động đóng góp,…

Về vấn đề DTHT - phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc cho biết: thủ tục kiểm tra cấp giấy phép DTHT ở một số sở và phòng GD-ĐT chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của giáo viên và HS.

Một số cơ sở có hiện tượng vi phạm (không giấy phép, cơ sở vật chất không đáp ứng theo quy định) đã được cơ quan quản lí giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lí.

Công tác quản lí DTHT được lãnh đạo Sở GD-ĐT Trà Vinh thừa nhận còn chậm xử lí, cấp phép cho tổ chức DTHT trong và ngoài nhà trường. Nguyên nhân là do hiệu trưởng quản chưa chặt, còn e ngại kiểm tra dẫn đến không nắm được kế hoạch dạy thêm của giáo viên.

Nguyên nhân khác theo lãnh đạo sở Trà Vinh là từ phía phụ huynh. Có thực tế, phụ huynh bậc tiểu học muốn con nổi trội hơn bạn trong lớp gửi con em cho giáo viên trái buổi để có thời gian làm việc khác khiến giáo viên vi phạm quy định DTHT. Cũng không loại trừ một số giáo viên o ép HS đi học môn của mình đã gây bức xúc cho phụ huynh...

Bộ GD-ĐT cho biết, trong năm qua đã có trên 1000 lượt thanh kiểm tra DTHT ở nhiều địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng....với số tiền xử phạt vi phạm là 11 triệu đồng.

Kiểm tra đột xuất

Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng nhìn nhận, nhu cầu DTHT của phụ huynh và xã hội là có thật nhưng ở nhiều nơi vẫn còn bức xúc do quản lý chưa chặt, vẫn có nhiều phụ huynh muốn con nổi trội hơn các bạn dẫn tới mong việc cho con đi học trước hay DTHT trái quy định....

Giải pháp khắc phục của Trà Vinh tới đây sẽ tăng cường thanh kiểm tra DTHT. Ngoài kiểm tra theo kế hoạch sẽ kết hợp kiểm tra đột xuất để uốn nắn việc trang bị cơ sở vật chất đầy đủ hơn. Sở cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường quản lí chặt chẽ giáo viên DTHT; cấp phép đúng thời gian quy định và thường xuyên kiểm tra chương trình giảng dạy cũng như kịp thời uốn nắn các vi phạm.

Với Hà Nội, 4 giải pháp cơ bản được Chánh Thanh tra sở Hoàng Cơ Chính đưa ra là “tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, Bộ GD-ĐT về quản lý DTHT và quản lý thu chi.

Sở cũng chỉ đạo các phòng GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương để triển khai thanh kiểm tra các khoản thu chi ngoài học phí đầu năm, phát hiện các khoản thu không đúng quy định. Nếu đã thu phải trả lại cho phụ huynh.

Các phòng GD-ĐT kiên quyết làm rõ trách nhiệm các nhân, xử lí vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm đối với các sai phạm phát hiện qua thanh kiểm tra hoặc do báo chí nêu.

Cuối cùng, Hà Nội sẽ tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến quản lí thu chi và DTHT đúng luật, đúng quy định.

"Tới đây Bộ sẽ chỉ đạo tuyên truyền và tiến hành làm quyết liệt hơn để chấn chỉnh tình trạng DTHT trái quy định” - ông Bằng nói.

Một năm, chỉ 2% CSGD được thanh tra toàn diện

Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Quảng Ninh Lê Viết Thành cho biết, tỷ lệ CSGD được thanh tra toàn diện một năm học chỉ đạt khoảng 2% và sau hơn 45 năm mới thanh tra hết một lượt các CSGD hiện có (chưa tính các cơ sở nhóm, lớp của cấp mầm non).

Nguyên nhân do số cán bộ thanh tra chuyên trách của sở theo quy định (10%) là rất thấp so với yêu cầu tại Nghị định 42/NĐ-CP năm 2013. Lực lượng cán bộ thanh tra của sở theo tỷ lệ quy định được biên chế ít, nếu đủ theo tỷ lệ bộ quy định cũng không đủ lực lượng để làm theo yêu cầu công việc.

  • Văn Chung