- Sau khi Bộ GD-ĐT giải thích tại sao có hiện tượng thiếu giáo viên, thừa cử nhân sư phạm, nhiều ý kiến cho rằng thống kê của Bộ không khớp với thực tế. Có đề xuất, Bộ cứ làm vua Khang Hy vi hành thì biết...

{keywords}
Ảnh minh họa

'Không đâu đi dạy khó như Thanh Hoá'

"Không hiểu số liệu Bộ GD-ĐT lấy từ đâu. Theo tôi biết, tình trạng giáo viên mới ra trường ở Nghệ An rất khó xin việc, có nhiều em phải đi các tỉnh khác để xin việc, nếu xin được dạy ở Nghệ An cũng tốn kém rất nhiều. Gần nhà tôi có cháu tốt nghiệp ĐH Vinh loại giỏi + bố thương binh 1/4 xin dạy ở Đô Lương vẫn không trường nào nhận, cuối cùng phải ra Hải Phòng dạy" - anh Nguyễn Văn Dụng chia sẻ.

Độc giả Trịnh Thắng đồng quan điểm: "Chẳng biết số liệu trên các đồng chí lãnh đạo lấy từ đâu - chứ Thanh Hóa 2 năm nay đang khốn khổ về tình trạng "giáo viên dôi dư " ở các cấp. Thanh Hóa đang không giải quyết được - tự nhiên lại được liệt kê vào những tỉnh thiếu nhiều giáo viên..."

"Bắc Giang thiếu 1000 GV ư? Trường nào vậy? Thông báo tuyển đi! Tôi chỉ thấy giáo sinh ra trường không xin được việc phải đi làm việc khác thôi"- một bạn đọc ở Bắc Giang đặt vấn đề.

Thậm chí một độc giả bức xúc: "Có lẽ không nơi nào xin việc - đặc biệt là làm giáo viên mà khó như ở Thanh Hóa. Sư phạm ra trường xem như không có việc làm, mà muốn có việc phải 200 triệu mới có thể có nếu không biết chạy cũng chẳng được!"

"Mình ở Nghệ An. Mình học Trường ĐH Sư phạm Huế, khoa Lịch sử, tốt nghiệp loại khá. Ra trường 2 năm rồi mà xin việc mãi có được đâu. Ở đâu xin cũng phải chờ đợi và mất rất nhiều tiền - cuối cùng đều thất vọng" - một cựu sinh viên Sư phạm cho biết.

Anh Lê Đại Hải - một cử nhân sư phạm ngành Âm nhạc khẳng định: "Âm nhạc - Mỹ thuật đâu có tuyển đâu mà thiếu thừa... Tôi tốt nghiệp năm 2006 nhưng đi xin 3 năm không vào đươc nên đành phải làm việc khác vậy. Lớp tôi có 50 SV ra trường nhiều bạn chỉ tốt nghiệp loại trung bình khá được đi dạy, còn tôi loại khá thì vẫn ở nhà vì không có tiền lo..."

Anh Phạm Khắc Hưng chia sẻ trường hợp của người thân: "Hiện nay tôi có 1 cháu tốt nghiệp loại giỏi CĐ Sư phạm môn Mỹ thuật đang xin việc. Họ đòi chồng đủ 200 triệu mà vẫn chưa chắc vì ông quan này nói còn có mấy suất con cháu to hơn cũng đang xin!"

Vùng sâu xa cũng phải chung chi

Phản hồi trước ý kiến của bạn đọc Văn Cường cho rằng "do cử nhân sư phạm chỉ muốn ở lại thành phố nên các thành phố lớn thừa, còn vùng sâu vùng xa thiếu", nhiều người khẳng định "kể cả vùng sâu xa cũng rất khó nếu không chung chi".

"Tôi đố bạn xin được ở vùng sâu vùng xa đấy. Vùng nào cũng có rất nhiều hồ sơ nộp nhưng người ta không nhận dù là thiếu" - anh Lưu Xuân Trường phản pháo.

Bạn đọc Phạm Đông nói: "Ở Mường Lát - huyện vùng cao xa nhất tỉnh Thanh Hóa, con em đồng bào tốt nghiêp ra trường 4-5 năm nay đủ các loai hình đào tạo, đủ cả 4 cấp học mà chẳng xin đươc việc vì thừa giáo viên. Đồng bào đã nghèo khổ lại càng khổ thêm vì vay mượn đầu tư cho con em đi học, nghĩ mà thấy uổng công..."

"Tôi học sư phạm văn ra trường được 3 năm, đi đến các trường xin dạy họ đều trả lời đã đủ giáo viên, có trường nói thừa. Cuối cùng, tôi phải xin vào làm hợp đồng ở cơ quan hành chính làm với mức lương là 1.050.000 đồng, không đủ chi phí hàng tháng. Thật buồn cho số phận học sư phạm!" - một bạn đọc khác tâm sự.

Một bạn đọc khác ở Nghệ An hài hước và cay đắng khi chia sẻ trường hợp của một người thân "xin về một huyện mà "giờ mới có điện" mất 70 triệu".

"Ở đâu cũng vậy. Không có tiền thì đừng có mơ có được chỗ dạy dù là phải đi vào vùng sâu xa. Mà có tiền cũng chỉ được dạy hợp đồng lương 1,9 triệu/ tháng. Bộ GD-ĐT cứ làm vua Khang Hy vi hành thì biết. Mà tôi nghĩ Bộ Giáo dục biết quá rõ chứ chẳng cần phải đi đâu" - anh Trần Cao khẳng định.

Phá sản vì cho con học Sư phạm

Một số độc giả khác thì bức xúc chuyện đào tạo tràn lan nhân lực ngành sư phạm. "Nhiều trường giáo viên phải dạy thiếu tiết dưới 17 tiết/ 1 tuần, có môn chỉ 14-15 tiết/ 1 tuần. Bộ GD-ĐT nên dừng đào tạo các ngành Sư phạm ở tất cả các trường ĐH, CĐ... trong 10 năm tới may ra còn giải quyết hết. Không thì nhiều gia đình nông dân bị phá sản vì cho con đi học ĐH ngành Sư phạm".

Chung ý kiến, một giáo viên chia sẻ "một tuần dạy chưa đến 10 tiết mà trường vẫn tiếp tục tuyển mới".

Tâm sự cảm động của bạn đọc Ngân Trà - một cử nhân Sư phạm cũng là nỗi lo chung của nhiều người: "Khi nhìn thấy tin cả nước thiếu 27 nghìn giáo viên mà rơi nước mắt. Tôi cũng là sinh viên Sư phạm, vậy mà ra trường 5 năm rồi chưa được vào biên chế. Năm nào cũng xin dạy hợp đồng với mức lương ít ỏi. Nếu muốn tăng thêm thu nhập phải dạy tới 2, 3 trường, mà lương cũng chẳng được là bao. Tại sao nói thiếu mà Sở GD-ĐT không vào cuộc để những SV như chúng tôi đỡ thiệt thòi? Có một công việc ổn định là mơ ước của những sinh viên Sư phạm chúng tôi".

Anh Nguyễn Hùng thì than "Cho con ăn học 4 năm trời, tốn tiền của mà vẫn không biết đi đâu về đâu. Giá như không đào tạo thì họ còn biết đường tính lối khác đỡ mất thời gian, tiền bạc".

Trước nghi vấn cho rằng "thực tế một đằng, cán bộ báo cáo một nẻo", độc giả Lê Trâm đề xuất, Bộ GD-ĐT công bố các tỉnh, thành phố thiếu giáo viên, số lượng cấp tuyển ở mỗi cấp. Các tiêu chuẩn tuyển chọn, chế độ ưu đãi để cả nước biết, đăng ký học, dự tuyển thì sẽ giải quyết được chuyện thừa, thiếu giáo viên đang đặt ra.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)