- Nhà cách trường chỉ 3-4km nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải vật vờ chờ cả ngày ở ngoài cổng trường đợi con tan học rồi đón về. Lý do là đường đến trường  chưa có giao lộ, học sinh (HS) phải đi bằng đò.


Thực hiện theo mô hình trường tiểu học mới (VNEN), từ năm học 2012-2013, Trường TH Thới Bình C(huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đang dạy học theo phương thức 2 buổi/ngày.

Ông Châu Văn Tính, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Điểm nổi bật ở VNEN là trẻ được hợp tác, trao đổi, cùng giúp nhau tiến bộ. Học sinh trở thành trung tâm của lớp học.

Giáo viên cũng được tiếp cận cách thức và phương pháp hiện đại trong dạy và tổ chức lớp học, phát huy tính sáng tạo của người thầy. Chính những thay đổi lớn đó đã thuyết phục phụ huynh, từ không  chấp nhận, rồi đến đồng thuận cho con học 2 buổi/ngày”.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn trong việc dạy và học theo mô hình này.

Dễ thấy nhất là tình trạng cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn.

Bàn ghế của nhiều lớp được đóng tạm bợ. Lớp tiếng Anh trò cần học ở các buồng máy với tai nghe hỗ trợ, máy trình chiếu,…nhưng hiện cô trò nhà trường vẫn phải dạy “chay”. Trường còn thiếu các phòng học thực hành, ứng dụng, thiếu sách của chương trình.

Dù đã triển khai dạy học 2 buổi/ ngày nhưng trường chưa có bếp ăn bán trú.

Hiện tại, trường mới được đầu tư xây thêm phòng học chức năng, phòng học bộ môn.

Chính vì vậy,  học sinh nào ở xa, phụ huynh cũng phải mang cơm đi học cùng con. Buổi trưa, trường mở lớp để phụ huynh và con ở lại ăn nghỉ.

Nhiều phụ huynh cho biết, dù nhà cách trường chỉ 3-4km nhưng họ không còn lựa chọn nào ngoài việc ở lại trường cả buổi đợi con tan học, hết buổi chiều rồi đưa con về.

Lí do vì đường từ nhà đến trường chưa có giao lộ, phải đi đường sông. Chạy đò nhanh thì tốn xăng nên phải dậy sớm từ 4h30 sáng, đi chậm dần ra trường.

{keywords}
Phụ huynh mắc võng trước cổng trường chờ đón con

Tại đây, cũng chưa có xuồng lớn đưa đón học sinh. Việc đưa đón con phải ở trường cả ngày cũng khiến các gia đình mất đi một lao động chính.

Mong mỏi lớn của phụ huynh là địa phương sớm xây dựng giao lộ để các cháu có thể tiện đi lại, và cần có lớp ăn bán trú cho học sinh...

Mô hình VNEN là gì?

Theo mô hình trường tiểu học mới (VNEN), học sinh được tổ chức ngồi học theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các ban “Hội đồng tự quản học sinh” do các em bầu ra và đảm nhiệm. Đây là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập. Học sinh còn có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

Đồng thời, xây dựng không gian lớp học với “Góc học tập”, “Góc cộng đồng”, “Thư viện lớp học”, mở nhiều hòm thư vui, hòm thư “Điều em muốn nói” cũng như trang trí lớp học, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn cho học sinh.

Mô hình VNEN kế thừa những mặt tích cực của mô hình học truyền thống, kết hợp với sự đổi mới về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Một bài học được thiết kế bao gồm những hoạt động như: hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Tùy từng môn học mà tài liệu sẽ có sự thiết kế phù hợp với hoạt động cá nhân, cặp đôi và nhóm từ 3 đến 5 học sinh. Điểm nổi bật ở mô hình là sự đổi mới của quá trình sư phạm với việc học sinh tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp. Mỗi tiết học không tạo áp lực đối với các em. Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, nhận thấy ưu điểm của bạn, được học hỏi bạn để tự hoàn thiện mình.

  • Văn Chung