- Học hành là chuyện muôn đời. Ai đó đã tổng kết rằng, những tin tức ấm áp nhất, tốt lành nhất lâu nay đều là chuyện học. Sự học như một khát vọng, một ám ảnh với mỗi con người muốn vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.


{keywords}
Các em trong lễ khai giảng. Ảnh: Chi Mai

Một cậu học trò gia cảnh không thể nghèo hơn, bố sống trong ống cống sinh mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp nuôi bốn người con ăn học mà đỗ thủ khoa một trường ĐH lớn. Một cô bé bệnh tật, leo lét như ngọn đèn trước gió, gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm đến trường…

Sự học như một khát vọng, một ám ảnh với mỗi con người muốn vươn lên làm chủ cuộc sống của mình. Con cái học giỏi là niềm tự hào của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, là hy vọng của cả xã hội về một tương lai tốt lành hơn từ trái ngọt hôm nay gieo hạt.

Niềm hy vọng lớn lao nên nỗi lo cũng còn trĩu nặng. Đất nước hơn 20 triệu người tới lớp, có gia đình nào không con cháu, anh em còn đang tuổi đến trường? Chưa kể xu hướng đào tạo và đào tạo lại khiến giáo dục sôi động hơn, tuổi đi học dài hơn.

Giáo dục như một đoàn tàu nặng nề, đầu máy đã cũ kĩ cần đại tu nhưng khi tất cả còn đang trên tàu thì ai sẽ là người dám dừng lộ trình đầy quán tính ấy lại để quyết tâm thay đổi?

Khi người cầm lái nền giáo dục cũng đang bận bịu với những việc mùa vụ như thi cử, chỉ tiêu tuyển sinh, chuẩn hoá trường lớp, giáo viên, khi guồng quay cả người lớn lẫn trẻ con ai nấy bỗng dưng đều vất vả với hàng loạt quy định, với khối lượng kiến thức càng giảm tải càng ùn ứ, tắc nghẽn, thì giáo dục sẽ phải bắt đầu từ đâu để tháo gỡ vòng kim cô cơ chế không biết tự bao giờ đã tự nguyện gắn trên đầu?

Chưa kể những “quả đấm thép” của giáo dục, các ĐH vùng, ĐH quốc gia, ĐH trọng điểm với bao ưu tiên, ưu đãi đã làm được gì trong nâng cao chất lượng nền nhân lực, đã tạo được vị thế thương hiệu gì trong thứ bậc đào tạo ĐH trong khu vực và thế giới như những đề án thành lập đầy hào sảng ban đầu?

Giáo dục theo quan điểm của Khổng Tử giản dị là “tư- tập - hành”. Suy nghĩ cho thật chín chắn, tập luyện cho thật nhuần nhuyễn rồi mới đến lúc mang năng lực, kĩ năng ấy ra thực hành. Ấy là lối giáo dục đỉnh cao, người đã lên tới chót đỉnh chắc chắn là người tài. Giáo dục của ta hô hào “học đi đôi với hành”, nhưng trường lớp bao giờ mới đủ máy móc con người cũng như bao điều kiện khác như yêu cầu tác nghiệp?

Nhiều trường ĐH tính chuyện liên kết đào tạo với sử dụng, lấy cơ sở vật chất bên ngoài để lấp đầy khoảng trống thực tiễn nhà trường. Thế nhưng, có doanh nghiệp nào dám giao máy móc tiền tỉ cho những sinh viên lơ ngơ chưa thạo thao tác sơ đẳng?

Có bệnh viện nào dám giao bệnh nhân đang cận kề sống chết cho những y sinh tập sự còn chưa thạo cầm dao mổ? Đấy là chưa kể, giáo dục hôm nay lẫn lộn giữa dạy nghề với nâng cao tri thức, trường nghề nô nức lên ĐH, ĐH náo nức mở đa ngành. Trường kĩ thuật dệt, kĩ thuật mỏ, trường công đoàn cũng quyết mở kế toán, tài chính, ngân hàng thời thượng chả khác gì anh bán bún làm thêm tủ kính bánh dẻo, bánh nướng đón mùa trung thu đang nhộn nhịp.

Chỉ tiêu tuyển quá đà cũng không ai bị xử lý, trên dưới nhìn nhau cười xoà vì đâu chả thế, “tại chức là nồi cơm trường ĐH”, chất lượng tính sau, uy tín là chuyện lâu dài, xây dựng đội ngũ quan trọng thật nhưng cứ cơ chế tuần tự nhi tiến, tư duy nhiệm kì chi phối thì bao nhiêu mục tiêu giải quyết sao cho xuể.

Trẻ con vốn hồn nhiên, chúng không biết quan tâm đến những ưu tư người lớn. Cơm áo, gạo tiền là chuyện của mỗi gia đình, khoảng cách giàu nghèo khiến nhiều bậc bố mẹ lo sốt vó cũng không thể ngăn cản niềm vui của những đứa trẻ ngây thơ ngày mai bắt đầu tới lớp. Đất nước không có niềm tin sẽ chẳng thể bước dài hơn.

Giáo dục chịu ơn một dân tộc chắt chiu mọi điều cho sự học và cả dân tộc cũng phải cảm ơn nền giáo dục đã cho đất nước niềm tin và những ước mơ. Chỉ hy vọng những ước mơ ấy sẽ ngày càng có thêm nền tảng thực tế, giáo dục gắn với đời sống, vì đời sống, để giao lưu, hội nhập không quá hụt hơi, để cả tỉ đô la không ào ào chảy ra bên ngoài qua con đường du học.

Khi những nhà quản lý giáo dục biết lắng nghe, biết dứt ra khỏi con tàu quán tính mấy chục năm để tính chuyện lâu dài cho giáo dục bứt phá; khi các trường biết bớt nhiệt nồi cơm tại chức vì thương hiệu và thanh danh của mình; khi mỗi thầy cô bước lên bục giảng luôn ý thức phải gieo vào tâm trí người đi học những điều thật ý nghĩa…

Chỉ khi ấy, niềm hạnh phúc ngày khai giảng mới thật trọn vẹn, niềm tin vào tương lai đất nước và nền giáo dục mới có cơ sở thật vững chắc…

  • TS Đỗ Chí Nghĩa