- Đã thành truyền thống, hàng năm sau ngày nghỉ lễ quốc khánh 2/9, đến ngày 5/9, học sinh cả nước lại đón mừng ngày khai giảng năm học mới với tâm trạng háo hức, rộn ràng. Tâm trạng này cũng vui lây đối với cả các bậc phụ huynh.

{keywords}

Các bé lớp 1 Trường Tiểu học Dịch Vọng A. Ảnh: Ngọc Qúy

Nhưng ngày khai giảng 5/9 năm nay tại Hà Nội và một số nơi khác đã đón một trận mưa to "không mời mà đến" khiến đường phố ngập lụt, đi lại khó khăn. Nhiều học sinh bị ướt từ đầu đến chân do chủ quan, không ngờ mưa to đến vậy, mặc dù đoạn đường đến trường không xa. Các bậc phụ huynh cũng loay hoay vất vả với con em mình, nhất là những học trò nhí.

Ở các trường học, một số trường "vỡ kế hoạch" với chương trình cho ngày khai giảng. Học sinh phải ngồi tại các hành lang, lối đi lại; chỗ ngồi cho đại biểu, thày cô phải dồn lại, các tiết mục văn nghệ bị hoãn...mọi việc diễn ra không như mong đợi.

Bởi vậy, không khí ngày khai giảng cũng kém rộn ràng, trang trọng, ảnh hưởng tới tâm lý học sinh. Các bậc phụ huynh cũng rất thương con mình vì tâm trạng các con không vui. Chị Hương, một phụ huynh có "con heo vàng" tâm sự: Thương nhất là các bé lớp 1, sáng sớm được mặc đồng phục, tay cầm cờ háo hức với lần đầu bước chân đến trường, đón chờ ngày khai giảng hàng tuần nhưng rồi lại bị hụt hẫng.

Một số trường mưa to, không có địa điểm tập trung đành phải hoãn ngày khai giảng. Chị Yến, có con học tại trường PTTH Việt Nam- Ba Lan, quận Hoàng Mai- HN cho biết, trường phải lùi ngày khai giảng vào ngày 9/9 tới vì không có địa điểm tập trung, không đảm bảo được kế hoạch buổi lễ; mặt khác mưa quá to, nhiều học sinh đến trường run cầm cập vì bị "ướt như chuột lột".

Thời tiết- một điều kiện rất quan trọng cho sự thành công của các hoạt động tập thể, các buổi lễ lớn, chẳng hạn như lễ khai giảng.

Đến hẹn lại lên, ngày 5/9 hàng năm đã trở thành ngày khai giảng của học sinh trên cả nước. Ngày này diễn ra sau ngày quốc khánh 2/9, mang tinh thần của mùa thu lịch sử- một cột mốc ý nghĩa cho tinh thần của một năm học mới.

Tuy nhiên có một thực tế là cứ vào ngày quốc khánh và dịp quốc khánh, thời tiết thường có mưa. Điều này đã trở thành nỗi lo của việc tổ chức những chương trình của ngày lễ quốc khánh, và tiếp đó là ngày khai giảng. Mọi sự chuẩn bị và kế hoạch có thể bị đảo lộn nếu thời tiết không chiều lòng người, đặc biệt là khi mưa kéo dài như vừa qua.

Theo ý kiến của nhiều bậc phụ huynh, ngành giáo dục nên nghiên cứu về việc đổi ngày khai giảng sang một thời điểm phù hợp để có thể tranh thủ thuận lợi của thời tiết mà vẫn đảm bảo chương trình học tập.

Chẳng hạn có thể chọn ngày khai giảng vào tháng 8, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8- ngày 19/8 lịch sử. Dịp này thường thời tiết đẹp, không mưa; mặt khác cũng phù hợp với chương trình học vì trên thực tế, các trường học đã bắt đầu học chương trình mới từ giữa tháng 8. Một số trường may mắn vì lễ khai giảng đã diễn ra vài ngày trước. Chị Thanh có con học tại trường THCS Từ Liêm (HN) mừng vì trường con chị khai giảng vào 31/8 trong điều kiện thời tiết khô ráo, khiến các con rất "khí thế".

Hoặc cũng có thể lùi ngày khai giảng xa dịp 2/9 (tuần thứ 2 hoặc 3 trong tháng 9) cũng là thời điểm thời tiết thuận lợi hơn.

Để chọn thời điểm phù hợp, ngành Giáo dục cần có sự kết hợp làm việc với ngành khí tượng thủy văn xem xét quy luật thời tiết để đưa ra quyết định tốt nhất.

Điều này sẽ mang đến nhiều cái lợi, nhất là về tinh thần, là phần thưởng tinh thần lớn lao đối với mỗi học sinh. Và chắc chắn đó cũng là một cải cách quan trọng của ngành giáo dục.

Trang Hà