- Việc 5 hiệu trưởng xin từ chức là một trong những nội dung nằm trong chương trình của quận ủy đã xây dựng, UBND quận Hà Đông đã triển khai. Đây là việc làm tốt, cần khuyến khích khi anh thấy mình làm chưa tốt thì chuyển cho người khác làm tốt hơn, mình sang làm việc khác” - GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nêu quan điểm.

Hà Nội cam kết hết cảnh trắng đêm xin học cho con

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác thanh tra năm học 2013-2014 sáng 19/9, GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh “thanh tra làm sao để uốn nắn, giúp nhà trường và giáo viên ngày càng tốt lên,…phải làm sao để người dân tin mình hơn”.

{keywords}
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ (Ảnh: Văn Chung).

Khi được hỏi về việc 5 hiệu trưởng xin từ chức ở quận Hà Đông, GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình của quận ủy Hà Đông đã xây dựng, UBND quận Hà Đông đã triển khai. Đây là việc làm tốt, cần khuyến khích.

Nếu hiệu trưởng, hiệu phó yếu kém về năng lực quản lý khiến chất lượng giáo dục của trường yếu kém, nội bộ giáo viên mất đoàn kết, nếu kéo dài 2 năm liên tục thì hiệu trưởng và hiệu phó nên thôi giữ chức vụ, chuyển sang làm việc khác để người có năng lực làm”.

Một trong những điều được dư luận quan tâm là sự biến chuyển về chất lượng giáo dục cũng như cách thức giải quyết những vấn đề có thể phát sinh khi miễn nhiệm cán bộ quản lý ở trường học chưa phải là hình thức phổ biến.

Tuy nhiên, khi được hỏi về tiến trình xử lý những trường hợp này, bà Phạm Thị Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông từ chối và không đưa ra bất cứ thời hạn nào cho câu trả lời của ngành giáo dục.

Câu chuyện từ chức của các hiệu trưởng nhận được nhiều ý kiến đồng tình "là một nét văn hóa từ chức đẹp", cần "phổ cập".

PGS. Văn Như Cương (Trường THPT DL Lương Thế Vinh) cho rằng nên coi đây là việc hết sức bình thường. Bản thân ông cũng mong muốn báo chí tìm hiểu câu chuyện đằng sau chuyện từ chức của 5 hiệu trưởng để lắng nghe tâm tư của họ.

Tuy nhiên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông lựa chọn cách im lặng, cũng như từ chối tiết lộ danh sách các hiệu trưởng  vì cho rằng: "Việc nhiều người săm soi như vậy vô hình trung tạo nên áp lực tâm lý không cần thiết".

Theo bà Hòa, việc đưa một người lên vị trí hiệu trưởng không dễ. Song nhưng để một người từ nhiệm còn khó hơn. Và trước đó, những người có trách nhiệm đã phải có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, cân nhắc thận trọng.

Một số hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn Hà Nội khi được hỏi cũng chia sẻ những áp lực khi đứng trên cương vị lãnh đạo cao nhất của một trường. Phần đông hiệu trưởng gặp vướng mắc hiện nay không phải do hoạt động chuyên môn mà đều do chuyện tài chính.

Tuy nhiên, là hiệu trưởng phải biết đương đầu với khó khăn để tìm ra sự đổi mới, thúc đẩy giáo dục đi lên. Muốn làm được như vậy đòi hỏi hiệu trưởng phải thực sự là người có tâm, có tầm, có tài.

Trước "điều khó nói" của Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông, giám đốc sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lại cho rằng: "Đây là việc làm cần khuyến khích và cũng không cần giấu tên tuổi các hiệu trưởng".

  • Văn Chung