- Nhiều phụ huynh cho rằng hội cha mẹ học sinh gần như chỉ làm một việc là kêu gọi đóng góp và là nơi nhà trường, thầy cô bám víu để lách luật.
Ảnh minh họa |
‘Nên giải tán hội phụ huynh’
Ông bố Nguyễn Khải Hưng cho biết không chỉ ở các cấp lớn hơn mà ngay ở trường mẫu giáo con anh đang học cũng xảy ra tình trạng “tay trong” của cô. Anh kể, hôm họp phụ huynh, cô giáo chủ động đề xuất một mẹ bạn A làm hội phụ huynh trưởng rồi hỏi ai đồng ý giơ tay. Cô giơ tay đầu tiên. Thấy thế các vị phụ huynh khác không thể không đồng tình nếu không muốn cô giáo và vị phụ huynh được đề xuất kia biết mặt mình thì “coi như xong”.
Mẹ bạn A đồng ý, sau đó đưa ra ngay 4 khoản phụ huynh cần đóng góp vào quỹ. Anh Hưng không giơ tay bầu cho chị này thì ngay hôm sau, cô giáo phán ngay: “Bé nhà anh dạo này chậm lắm, học mà không biết cái gì cả. Anh phải xem thế nào chứ chúng tôi lớp đông lắm nên không thể kèm cháu riêng mãi được”.
Một mẹ có con đi học đã 5 năm nhận xét ban phụ huynh gần như chả làm gì ngoài kêu gọi đóng góp. Thậm chí, chị còn khẳng định bày ra hội PHHS chỉ là để thu tiền trá hình nạp cho nhà trường và thầy cô.
Cùng chung bức xúc, anh Lê Huy Hoàng đề nghị các nhà lãnh đạo giáo dục nên dẹp tệ nạn nhức nhối này. Theo anh thì ngày xưa đâu có cần cái hội trời ơi này mà học sinh vẫn có trình độ học vấn và văn hóa hơn bây giờ. “Bầu ra cho có ban có bệ vậy thôi chứ mọi thu chi nhà trường và giáo viên giật dây cả, nhưng có ai dám lên án đâu vì sợ con mình bị trù dập” – anh nói.
Mẹ bé Ken cũng đề nghị nên “giải tán ngay ban phụ huynh”. Chị lo ngại rằng những toan tính của người lớn sẽ ảnh hưởng tới cách nhìn, đạo đức của con trẻ khi chúng nhìn thấy và hiểu rõ những việc làm tiêu cực này.
Không chỉ thế, nhiều phụ huynh còn kêu trời trước tình trạng lạm thu ở các trường. Chị Mai Hoa than phiền rằng ở mỗi cấp học đều có những khoản phụ phí khác nhau. Ví dụ như ở mẫu giáo các cháu được dạy múa hát thì nhà trường thu thêm tiền học aerobic, học vẽ... Chưa kể ban phụ huynh còn thu thêm tiền lắp đặt mạng máy tính của trường. Theo chị Hoa những khoản này đều thuộc kinh phí của ngành, nhưng hầu hết phụ huynh đều chấp nhận cho qua chỉ mong con học hành yên ổn. Chỉ khổ những gia đình kinh tế khó khăn.
Như anh Đức Long, có con học trường làng nhưng cũng không thoát khỏi vòng vây của phụ phí. Ngoài quỹ lớp, quỹ trường… anh còn phải đóng nhiều khoản khác như tiền điều hòa, mặc dù không phải trên 50% số phụ huynh đồng ý nộp nhưng ban phụ huynh vẫn cứ thu.
Khoản phí mà anh bất bình nhất là khoản tiền được cho là để nâng cấp đường điện, trạm điện phía ngoài trường và trong trường… Theo tính toán ban đầu là khoảng vài trăm triệu mà anh không rõ con số này dựa trên cơ sở nào để đưa ra. “Thiết nghĩ không biết các cháu có phải đóng tiền xây dựng nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện cao thế, hạ thế gì nữa không biết!” – anh Long đặt câu hỏi đầy châm biếm.
Anh Trần Huy Quế (TP.HCM) và một số phụ huynh ở các tỉnh thành khác cho biết không chỉ riêng Hà Nội mới xảy ra chuyện này mà đã tồn tại rất lâu ở những nơi khác. “Hội trưởng hội phụ huynh lớp chúng tôi đâu được bầu, xuất hiện từ lúc nào đó và là người đề xướng mức đóng góp quỹ lớp. Chẳng nhẽ mình phản ứng à, mỗi lần có giấy báo họp phụ huynh thì tốt nhất nên mang theo một số tiền kha khá mà nộp thôi” – anh Quế nói.
Chỉ là ‘con sâu’?
Trong khi đó, một số phụ huynh, giáo viên cho rằng hiện tượng nhà trường lợi dụng ban phụ huynh là có nhưng rất ít, chỉ là con sâu làm rầu nồi canh.
Ảnh minh họa |
Cá nhân chị Hoàng Ngọc Quyên – bà mẹ có 2 con đi học tỏ ra thông cảm với việc số quỹ phụ huynh ít ỏi mà phải chi tiêu rất nhiều việc. Chị cho biết tổng số tiền thu được của các cháu trong năm chẳng là bao trong khi còn miễn cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn cộng với có nhiều phụ huynh không nộp. Số tiền còn lại phải chi rất nhiều việc chủ yếu là phục vụ cho con em mình.
Chị Quyên cho rằng trường hợp nhà trường, cô giáo giật dây hội phụ huynh không phải là không có nhưng rất ít. Thậm chí, nếu có thì số tiền cô “ăn bớt” được cũng chẳng đáng bao nhiêu, “không xứng với việc cô phục vụ vệ sinh cho con mình ở lớp chứ đừng nói đến việc dạy con mình làm người”.
Chị An – một cựu trưởng ban phụ huynh của cả 3 con trong vòng 25 năm chia sẻ “không có chuyện cô giáo can thiệp vào quỹ hội phụ huynh”. Ngược lại các cô rất tốt, yêu thương các con thực lòng, đến mức khi chia tay cả học sinh và phụ huynh đều khóc. Cho tới bây giờ, phụ huynh, học sinh và cô giáo vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp.
Chị Ngọc có con đang học mẫu giáo cho biết các khoản đóng góp của các cháu cũng không nhiều lắm. Các khoản này cũng dành để phục vụ cho các cháu là chính, như: quà các ngày lễ, tổ chức các trò chơi, tham quan… Theo chị, vẫn còn rất nhiều trường, nhiều thầy cô tận tâm với nghề, không thể vơ đũa cả nắm.
Cô giáo Hồng Thơm đang dạy ở một trường có tiếng của Hà Nội cũng chia sẻ đầy xúc động rằng nếu câu chuyện "cô chủ nhiệm dùng thủ quỹ, kế toán qua mặt ban phụ huynh" là sự thật thì rất buồn và xấu hổ cho các đồng nghiệp.
“Gần về hưu rồi nhưng chưa bao giờ mình có chuyện tham gia vào việc thu chi của phụ huynh lớp cả bởi mình nghĩ tiền chả là gì cả, danh dự người giáo viên mới là cái quan trọng nhất đối với mình”.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)