- Chuyện thi hay không thi tốt nghiệp, đại học liệu có giải quyết được vấn đề của giáo dục Việt Nam là chủ đề bàn luận của những người trong và ngoài ngành.

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Chung

Thi còn không nghiêm, xét tuyển có nghiêm?

Anh Quang Hưng đồng tình với ý kiến không nên bỏ thi tốt nghiệp, tuy nhiên phải tổ chức một kỳ thi thật nghiêm túc. Nếu bỏ thi tốt nghiệp hay đại học thì học sinh con nhà nghèo sẽ bị thiệt thòi trong tình hình nước ta hiện nay – anh nói.

Trước những ý kiến cho rằng thi tốt nghiệp tốn kém, lãng phí, không mang lại hiệu quả, anh Tuấn Minh khẳng định 12 năm trời học hành, chỉ có một kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 thì không thể nói là tốn kém. Anh cũng đưa ra lập luận rất hợp lý: “Trong khi không thể quản lý nổi một kỳ thi công khai thì làm sao tin tưởng vào những buổi kiểm tra trong trường học, rồi lấy gì làm chuẩn mực để đánh giá kết quả học?”. Anh Minh cho rằng tư tưởng làm không tốt đòi bỏ là không hợp lý.

“Bạn có biết công nghệ nâng điểm ở các trường phổ thông cao đến mức nào không, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM mà đề nghị như vậy? Làm vậy thì chỉ con người có tiền là có học bạ hoàn hảo để vào bất cứ đại học nào họ muốn” – phản ứng của chị Thu Hòa trước đề xuất bỏ thi thay bằng xét tuyển.

Anh Văn Phú Long lo ngại rằng nếu lấy kết quả học tập hằng năm để đánh giá thì sẽ xảy ra tình trạng đổ xô vào học thêm những thầy cô đang dạy tại trường để được điểm cao, người có tiền thì con sẽ có kết quả học tập tốt. Thực tế kỳ thi ĐH đang phản ánh rất trung thực kiến thức của học sinh mà cũng muốn bỏ thì không chấp nhận được.

Không nên để “tốt nghiệp toàn diện”

Ngược lại, một số ý kiến đề xuất nên bỏ thi tốt nghiệp, duy trì thi ĐH. Bởi “97 - 98% đỗ tốt nghiệp thì chắc chắn không thể gọi là đánh giá toàn diện rồi, phải gọi là "tốt nghiệp toàn diện" mới chính xác. Tốt nghiệp THPT nên đánh giá qua kết quả học tập hàng năm, chỉ nên giữ một kỳ thi CĐ, ĐH sẽ đỡ vất vả hơn. Mà không hiểu sao nhiều nước bỏ rồi, cái gì Việt Nam mình không theo được thì lại nói là "đặc trưng, đặc thù"... thế mới là lạ” – ý kiến của anh Nguyễn Thành Chung.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nhà giáo Đỗ Minh Thùy thì cho rằng thi tốt nghiệp không nghiêm túc thì nên bỏ, quan trọng là thi vào ĐH. Tuy nhiên, hãy bỏ ngay tư duy theo kiểu cứ vào ĐH được là sẽ tốt nghiệp ĐH được. Các trường phải thắt chặt đầu ra. Cô giáo này cũng cho rằng Bộ phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi đổi mới hay cải cách gì đó, bởi sự thật là mấy năm qua càng đổi mới, học sinh càng tư duy sáng tạp cùn mòn đi, trây ì càng lớn…

Về đề xuất chỉ nên thi văn, toán, anh Công Hưng cho rằng như thế là chưa đủ vì thực tế cuộc sống phải tiếp xúc với nhiều vấn đề tự nhiên, xã hội hơn. Hơn nữa, đề xuất này sẽ khiến các em bỏ bê các môn học rất quan trọng khác như Lịch sử, Địa lý… - những môn học gắn với thực tế nhiều hơn.

Vấn đề không phải thi hay không

Phân tích về vấn đề này, anh Công Tuấn lập luận “vấn đề không phải là thi hay không thi, thi 2 hay 6 môn. Vấn đề là thi để làm gì? Và các trường ĐH dựa vào đâu để tuyển sinh viên?”.

Anh cho rằng nếu muốn thay đổi phải thay đổi cả hệ thống giáo dục từ mầm non tới tiến sĩ, chứ không chỉ là chuyện thi hay không thi. “Nếu sợi xích đã cũ rồi thì dù có thay mới một hay nhiều mắt xích nào đó cũng không thể thay đổi được cả sợi xích cũ”.

Nhiều ý kiến cho rằng trước khi cải cách, lãnh đạo ngành giáo dục nên dẹp bỏ bệnh thành tích đang ngày càng trầm kha. Nếu không dẹp được bệnh thành tích thì không thể thành công với bất cứ đề án gì.

Anh Nguyễn Thanh Trừu nêu ý kiến, tốt nhất là nên học tập các nước có nền giáo dục tiên tiến, “chứ giáo dục gì mà nay thí điểm, mai cải cách chả đi đến đâu, một nền giáo dục chỉ chạy theo tấm bằng. Học hành thi cử nặng nề lý thuyết, tính thực tiễn trong giáo dục gần như không có”.

“Giáo dục để ra cái gì? Đáp ứng cái gì? Phục vụ cho xã hội với điều kiện cụ thể như thế nào? Chứ giáo dục không nên "gom-nhặt" lại những cái của người ta để làm cho mình là sai lầm. Nếu đã học các nước tiên tiến thì cụ thể là nước nào, phù hợp hay không? Cải tiến những gì cho phù hợp với VN... Chứ như đề án của Bộ tôi thấy có quá nhiều bất ổn và có thể lại rơi vào vòng luẩn quẩn như xưa nay đã làm”.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)