- Tiếp tục góp ý cho dự thảo đề án Đổi mới giáo dục và đào tạo - Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long Phan Huy Phú có trao đổi với VietNamNet.

{keywords}

 Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, TS Phan Huy Phú. (Ảnh: Văn Chung).

Quan điểm thi cử phải thay đổi

Một trong những điểm được quan tâm của Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy kết quả này là căn cứ xét tuyển sinh viên vào các ĐH,CĐ. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Khâu thi cử, nhất là tuyển đầu vào không phải vấn đề quan trọng nhất. Cái đáng quan tâm hơn là quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra. Lâu nay ta bàn nhiều đến thi tuyển sinh ĐH,CĐ vì thường sinh viên vào bao nhiêu sẽ ra bấy nhiêu, số bị đào thải quá ít. Nhiều người nghĩ vào ĐH coi như xong.

Quan niệm đó phải được thay đổi. Đổi mới nên tập trung vào quá trình đào tạo. Tuyển sinh đầu vào có thể mở rộng cơ hội học tập cho nhiều người nhưng phải có sự sàng lọc nghiêm túc trong quá trình đào tạo.

Đọc đề án tôi thấy nói rất ít về quá trình đào tạo ĐH,CĐ, chủ yếu nói về giáo dục phổ thông.

Cần nói thêm, trong đào tạo nói chung, nguồn kinh phí là rất quan trọng nhưng đề án cũng gần như không nói gì đến nội dung này. So với các nước khác tiền đầu tư tính trên đầu mỗi sinh viên của Việt Nam quá thấp dù số % của ngân sách quốc gia dành cho giáo dục là cao (20%). Kinh phí ít mà muốn đào tạo sinh viên thành người giỏi giang là khó thực hiện.

Với nguồn kinh phí từ nhà nước khó có thể tăng thêm, đầu tư cho giáo dục nên dồn cho cấp học dưới. Đối với cấp ĐH,CĐ nhà nước chỉ nên đầu tư ở những ngành nghề then chốt. Còn lại người học cần phải tự chi trả cho ngành nghề mình muốn theo học.

Xóa bao cấp để cạnh tranh lành mạnh

Nói như ông, tình trạng bao cấp trong giáo dục hiện nay không hợp lí?

- Đúng vậy. Phần lớn người thụ hưởng chính sách này hiện nay lại là người có điều kiện. Với họ tiền bao cấp này không có nhiều ý nghĩa. Những con em nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhà nước cần có tính toán để giúp đỡ họ thêm về kinh phí học tập.

Theo ông, xóa bỏ bao cấp trong giáo dục có tác dụng như thế nào?

- Khi và chỉ khi nhà nước dồn đầu tư cho trường ra trường, lớp ra lớp mới mong có những đầu tàu, mũi nhọn về giáo dục có thể bứt lên được. Xóa bao cấp sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh công bằng giữa các trường công và trường tư. Khi đó, trường tốt có thể hút học sinh với mức học phí cao hơn.

Tôi biết nhiều trường công lập cũng mong muốn có cơ chế này. Lâu nay họ cũng chật vật với nguồn ngân sách hạn hẹp. Đời sống giáo viên khó khăn nên mới mở ngành tràn lan cùng với các hệ đào tạo tại chức, từ xa, liên thông kém hiệu quả. Mục đích của trường đơn giản là để tăng nguồn thu nhập cho giáo viên.

Với hệ thống trường lớp, giáo viên trường ngoài công lập có đủ sức cạnh tranh với hệ thông các trường công có uy tín?

- Rõ ràng các trường công lập có cơ sở vật chất được nhà nước làm sẵn, đất cát không phải lo, nhà cửa không phải xây dựng, đội ngũ giáo viên đã được phát triển từ nhiều năm, rồi học phí rẻ hơn do được nhà nước hỗ trợ tiền, điều đó khiến các trường ngoài công lập khó cạnh tranh.

Tuy nhiên, trường ngoài công lập lại có thể linh hoạt, năng động, sử dụng hiệu quả đồng tiền, cố gắng chăm sóc và quản lý tốt sinh viên, từ đó dẫn đến kết quả tốt trong đào tạo. Chất lượng của từng trường sẽ được khẳng định bằng việc sinh viên ra trường tìm được việc làm tốt. Chỉ có như thế các trường ngoài công lập mới làm cho xã hội tin tưởng được.

Trong cuộc cạnh tranh này sẽ có sự đào thải không thưa ông?

- Chuyện đó chúng ta phải quen dần. Việc của nhà nước phải lo là xử lí sinh viên như thế nào. Doanh nghiệp phá sản là bình thường.

Thực tế đòi đỏi hỏi cơ chế quản lí cần được thực thi chặt chẽ, nghiêm túc hơn.

Tuyển sinh nên để trường làm

Vậy ông có kỳ vọng gì với đề án đổi mới lần này?

- Một khi chưa xác định rõ làm thế nào để bổ sung cho nguồn kinh phí dành cho giáo dục hiện nay rất hạn hẹp thì đổi mới sẽ vẫn ở trong vòng luẩn quẩn.

Tuy nhiên giải pháp thi cử bộ đề xuất cũng sẽ chấm dứt cuộc tranh luận lâu nay về điểm sàn ĐH,CĐ.

Phương án đổi mới đã đưa quyền chủ động cho các trường trong tuyển sinh. Việc căn cứ một phần vào kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển không có gì đáng lo. Quyền tuyển sinh là của nhà trường. Mỗi trường sẽ tự quy định tỷ trọng của kết quả tốt nghiệp THPT trong tiêu chí xét tuyển (từ 0% đến 100%). Phần còn lại của tiêu chí xét tuyển được xác định bằng một kỳ thi - có thể có nhiều hình thức. 

Thực tế hiện nay kết quả thi tốt nghiệp THPT không phản ánh chất lượng thật giáo dục phổ thông. Vì vậy tôi tin nhiều trường sẽ tổ chức thi, ít nhất là các trường lâu nay có đầu vào cao.

Về lâu dài ai cũng phải lo chất lượng của trường. Trước sau xã hội sẽ biết anh hay dở ra sao. Nếu làm dở sẽ không có người vào học.

Vấn đề tuyển sinh nên để chính các trường làm. Bộ GD-ĐT không nên ôm đồm.

{keywords}

 Thí sinh trong kỳ thi ĐH,CĐ 2013. (Ảnh: Văn Chung).

Cần tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông

Điểm sáng nào trong đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo lần này được xem là khả thi và để lại ấn tượng đối với ông?

- Tôi rất mừng là ở giáo dục phổ thông bộ đã chú trọng việc đào tạo con người năng động hơn, không bị gò bó, rập khuôn như trước nhằm phát huy khả năng của từng em.

Đề án có ý định sẽ có một số môn cơ bản, môn chung. Những ai muốn đi sâu sẽ tự chọn môn học mình yêu thích. Ý tưởng hay nhưng vẫn phụ thuộc nguồn kinh phí. Muốn như thế phải đầu tư chăm sóc cho từng học sinh, đưa ra nhiều khả năng lựa chọn cho học sinh, quy mô từng lớp cũng phải ít đi....Và tôi xin nhắc lại là cần tập trung đầu tư ngân sách cho giáo dục phổ thông thôi.

Ngoài vấn đề về nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục, ông còn có góp ý gì để đề án hoàn thiện hơn?

Đề án phải nêu ra những biện pháp đẩy mạnh chất lượng giáo dục ĐH. Việc quan trọng là kiểm định chất lượng giáo dục, làm sao đưa ra đánh giá để cả xã hội nhìn vào đó có thể tin tưởng được.

Kiểm định cũng cần đảm bảo tính khách quan nên cần một số cơ quan cùng tiến hành để tránh tình trạng độc quyền.

Khi kết quả đánh giá là khách quan và được công bố công khai thì nó sẽ là thước đo chất lượng, tạo động lực để các trường tiếp tục cố gắng và người dân có niềm tin khi lựa chọn ngành nghề, trường lớp phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)