- Đây là phương án thi “2 trong 1” mà Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đề xuất.

Theo phương thức thi được đề xuất này thì đề thi vẫn do Bộ GD-ĐT chủ trì khâu ra đề, đảm bảo nằm trong chương trình, an toàn bí mật đề thi, đáp án chính xác thống nhất. Bộ cùng các Sở GD-ĐT địa phương, có huy động cán bộ giáo viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tham gia tổ chức kỳ thi cùng đợt trên phạm vi cả nước. Do tổ chức một kỳ thi nên gọn nhẹ, có thời gian để giáo viên nghỉ hè và dự các đợt tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong dịp hè.

{keywords}
Thí sinh dự thi ĐH năm 2013. Ảnh: Văn Chung

Trình độ học vấn THPT sẽ được đánh giá qua 8 môn thi: Trên cơ sở kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các hệ đào tạo, các ngành nghề đào tạo phù hợp. Các môn thi là Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, sử, Địa, Ngoại ngữ. Đây là các môn văn hóa rất cơ bản, là nền tảng kiến thức phổ thông, đã từng được chọn làm môn thi trong các tổ hợp 3 môn hay 6 môn thi của 2 kỳ thi nhiều năm qua.

Từng bước chuyển từ phối hợp đề thi trắc nghiệm khách quan với đề thi tự luận, tiến đến hầu hết các bài thi bằng đề trắc nghiệm khách quan với mỗi thí sinh một đề để giảm tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi.

Tổ chức thi cùng đợt vào thời gian thích hợp: Tổ chức thi vào giữa tháng 7 hàng năm, thời gian 4 ngày thi 8 buổi (mỗi bài thi một buổi). Chấm bài trắc nghiệm khách quan bẳng máy.

Sử dụng thang điểm rộng để đánh giá kết quả thi: Đề nghị xây dựng thang điểm rộng 400 điểm, mỗi môn thi 50 điểm (8 môn x 50 điểm = 400 điểm). Dùng thang điểm rộng là phù hợp xu thế chung của thế giới ngày nay.

Điểm tốt nghiệp cho các thí sinh, sau khi đã cộng điểm theo vùng miền và diện ưu tiên chính sách, từ 200 điểm trở lên. Với phổ điểm rộng này đảm bảo có sự bù trừ về năng khiếu, lực học của học sinh, thể hiện trong bài thi có môn khá bù cho các môn yếu, dẫn đến tổng điểm 8 môn đáp ứng yêu cầu giáo dục tòan diện, hầu hết các học sinh có học lực trung bình, học sinh chăm chỉ đủ điều kiện thi sẽ đạt yêu cầu từ tổng điểm tốt nghiệp trở lên.

Các cơ sở đào tạo căn cứ vào: chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu trình độ và loại học vấn chung của cơ sở hay từng ngành đào tạo của cơ sở, phổ kết quả điểm thi của thí sinh cả nước và vùng địa phương để thiết kế tổ hợp các môn văn hóa và tổng điểm thi các môn đó cho từng ngành đào tạo của trường. Có thể lấy hệ số hai (2) cho môn văn hóa mà ngành nghề đào tạo cho là quan trọng. Đồng thời phải tính coonmgj điểm ưu tiên theo vùng miền, theo đối tượng ưu tiên chính sách của Nhà nước (thực hiện theo quy định chung của Bộ GD-ĐT).

Thí sinh tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển vào các trường đào tạo ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nhưng không đỗ ĐH, CĐ muốn tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm sau chỉ cần đăng ký tham gia thi lại các môn theo phương án xây dựng điểm chuẩn của trường mà thí sinh có nguyện vọng xin vào học.

TS Văn Đình Ưng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập VN đề nghị “với tinh thần của phương án này, cùng với một số phương án khác do các đơn vị trong ngành giáo dục đề xuất, Bộ GD-ĐT có thể tổ chức hội thảo để góp thêm ý kiến nhằm xây dựng phương án thi tuyển sinh tối ưu hơn. Thực tế cho thấy, dù chúng ta có phương án thi tuyển sinh tốt thế nào thì theo thời gian cũng sẽ bộc lộ những hạn chế nào đó, đòi hỏi trong từng giai đoạn cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hơn”.

  • Chi Mai