- Hiệu trưởng Trường TH Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) Phạm Thị Yến cho rằng, những ngày đầu trò còn bỡ ngỡ với trường lớp chỉ chấm chữa, nhận xét là cần thiết. Tuy nhiên bỏ chấm điểm hoàn toàn với trò lớp 1 là không nên vì không có động lực học.
Vừa làm vừa chờ hướng dẫn
Đầu năm học, Bộ GD-ĐT có chủ trương khuyến khích bỏ chấm điểm trò lớp 1. Tuy nhiên Thông tư 32/2009 của bộ quy định việc đánh giá xếp loại học sinh thông qua điểm số kết hợp với nhận xét vẫn tồn tại.
Thay vì chấm điểm, cô sẽ chấm chữa và cho nhận xét trên bài tập của trò. (Ảnh: Văn Chung). |
"Việc không chấm điểm với học sinh trong tháng đầu tiên khi lên lớp 1 là cần thiết.Các em cần thời gian làm quen với môi trường mới: bạn bè, thầy cô và việc học. Cô chỉ cần chữa bài và nhận xét mang tính động viên, khích lệ trò" - Hiệu trưởng Trường TH Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) Phạm Thị Yến khẳng định.
Tuy nhiên theo bà Yến, sau một tháng khi trò đã quen với trường lớp việc chấm điểm là cần thiết. Chấm điểm giúp cha mẹ biết con đang ở thang bậc nào để cùng phối hợp tích cực với nhà trường giúp các cháu tiến bộ. Không có nhiều giáo viên muốn lợi dụng việc cho điểm số thấp để ép phụ huynh cho con đi học thêm ở nhà cô.
Không chấm điểm mà chỉ nhận xét học trò bớt áp lực nhưng cũng đồng nghĩa rằng các em sẽ không có động lực học tập.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội thì nhận xét, chủ trương được Bộ đưa ra có phần gấp gáp khiến giáo viên và nhà trường có phần lúng túng, khó khăn. Nếu được thì nên đưa ra sớm hơn để lấy ý kiến của giáo viên, nhà trường, phụ huynh và xã hội. Và để an toàn đa phần các trường đã tiến hành không chấm điểm cho 100% học sinh khối lớp 1.
Các quy định, hướng dẫn cụ thể đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có. Nhiều trường vừa làm vừa chờ chỉ đạo của phòng giáo dục đào tạo nên không biết mình làm đúng sai như thế nào.
Duy trì chấm điểm giữa kỳ, cuối kỳ?
Bà Yến lý giải, việc nhận xét với những dòng ngắn gọn như “cô khen”, “con cần cố gắng”,…quá chung chung hay việc cô cho 1-2 sao vì con làm bài tốt lâu dần cũng khiến giáo viên thấy nhàm chán. Phụ huynh khó nắm được lực học thực sự của con đến đâu.
Trong một tiết học của cô trò Trường TH Thái Thịnh (Hà Nội). (Ảnh: Văn Chung). |
Với riêng những trường học thực hiện theo mô hình trường tiểu học mới (VNEN) việc học trò tự đánh giá kết hợp cùng sự đánh giá của giáo viên, sự tham gia của cha mẹ học sinh là cách làm hay nên khuyến khích không chấm điểm học sinh là hợp lý.
Còn ở những trường dạy theo mô hình truyền thống, việc chấm điểm đã tiến hành nhiều năm và trên thực tế vẫn phát huy hiệu quả tích cực. Bản thân trò học tốt sẽ được chấm điểm giỏi. Các giáo viên cũng hạn chế việc cho trò điểm kém và chỉ chữa bài, nhận xét mang tính động viên, khuyến khích.
Ý kiến hiệu trưởng ở quận Đống Đa khăng khăng "Cho điểm vẫn có tác dụng tích cực nhằm đánh giá học sinh, giúp phụ huynh cùng nhà trường dễ nắm bắt và quan tâm, giúp đỡ con tiến bộ.
Tuy nhiên, việc cho điểm không cần cho thường xuyên mà chỉ cần làm định kỳ một vài tháng/lần hay kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Điểm số cũng có thể thay bằng điểm A, A+, A-, B,…tương đương với trình độ nhận thức, năng lực của các con.
Đồng quan điểm bà Yến đồng ý việc không nên thường xuyên cho điểm học sinh nhưng vẫn cần có những cột mốc cần chấm điểm để đánh giá, kiểm tra khả năng của trò như kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Học tập là cả một quá trình. Giáo viên có thể đánh giá được năng lực của học sinh.
- Phong Đăng