- Những câu hỏi được đặt ra với nền giáo dục Malaysia là: học sinh Malaysia được giáo dục tốt như thế nào để đáp ứng những thách thức của nền kinh tế trong thể kỷ 21? Những loại hình giáo dục nào cho người Malaysia trong hội nhập quốc tế? Xin giới thiệu bài viết của chuyên gia giáo dục Hoàng Minh Tuấn.

Tham vọng

Mặc dù Malaysia là một trong số ít các quốc gia có nền giáo dục tốt vào loại hàng đầu khu vực ASEAN và châu Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và hội nhập quốc tế do toàn cầu hóa mang lại cùng với những khiếm khuyết của giáo dục Malaysia trong những năm qua, Chính phủ Malaysia tập trung mọi nỗ lực để đổi mới nền giáo dục với triết lý phát triển mạnh mẽ hơn tiềm năng của các cá nhân một cách toàn diện và tích hợp để tạo ra những công dân có trí tuệ, tinh thần, tình cảm cân bằng và phát triển hài hòa về thể chất...

Nền giáo dục hình thành những công dân có tri thức, năng lực và có chuẩn mực đạo đức cao, có trách nhiệm, khả năng đạt đến trình độ hạnh phúc cao và đóng góp tới sự phát triển hài hòa của gia đình, xã hội và quốc gia.

Mục tiêu của hệ thống giáo dục Malaysia bao gồm: sự tiếp cận đến giáo dục, chất lượng, sự bình đẳng, thống nhất, hiệu quả có thể xem là mục tiêu xuyên suốt, đồng bộ không thể xem nhẹ bất kỳ mục tiêu nào của đổi mới giáo dục của quốc gia này.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Sự tiếp cận đến giáo dục: khẳng định mọi trẻ em Malaysia đều có quyền tiếp cận đến giáo dục để giúp cho các em đạt đến tiềm năng cao nhất của bản thân. Bộ Giáo dục sẽ đảm bảo sự tiếp cận phổ cập và nhập học đúng độ tuổi của tất cả trẻ em từ trước tiểu học cho đến giáo dục trung học phổ thông (trước năm 2020).

Chất lượng giáo dục khẳng định mọi trẻ em Malaysia có cơ hội để đạt được học vấn tất nhất trong một hệ thống giáo dục thống nhất và có thể so sánh được với hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới. Malaysia có tham vọng đứng trong 1/3 số các quốc gia có điểm số đánh giá PISA và TIMS trong vòng 15 năm

Bình đẳng: hệ thống cơ sở giáo dục hàng đầu sẽ cung cấp giáo dục tốt nhất có thể cho mọi đứa trẻ, không phân biệt điều kiện địa lý, nền tảng kinh tế-xã hội của gia đình. Bộ Giáo dục có tham vọng để chấm dứt khoảng cách về thành tích giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa những học sinh có điều kiện kinh tê-xã hội khác nhau và giữa học sinh nam và nữ trước năm 2020.

Tính thống nhất: Học sinh trong độ tuổi từ 7 đến 17 tuổi có đến ¼ thời gian trong trường học, nhà trường là vị trí then chốt để giúp cho sự thống nhất. Thông qua sự tương tác giữa các cá nhân với nhau có các điều kiện kinh tế-xã hội, tôn giáo, dân tộc khác nhau và thông qua việc học tập để hiểu biết, chấp nhận và thông cảm sự khác nhau đó. Bộ Giáo dục có mục tiêu để tạo ra một hệ thống giáo dục ở đó học sinh có cơ hội để hình thành những trải nghiệm và tham vọng được sẻ chia với mọi người để hình thành nên một nền tảng cho sự thống nhất.

Hiệu quả: Hệ thống giáo dục Malaysia luôn được cung cấp đầy đủ tài chính, nhưng việc cải thiện thành tích học tập của học sinh không luôn luôn tương thích với nguồn lực giành cho giáo dục. Trong khi Chính phủ cam kết duy trì mức đầu tư, mục tiêu của hệ thống giáo dục là làm tăng tối đa thành tích học tập trong mức nâng sách như hiện nay.

Đổi mới

Điều đáng chú ý trong lần đổi mới này, Malaysia nhấn mạnh 6 phẩm chất (thuộc tính) then chốt trong cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu. Đó là: Tri thức, Kỹ năng tư duy, Kỹ năng lãnh đạo, Thông thạo ngoại ngữ, Đạo đức và tinh thần, và Bản sắc văn hóa.

Về Tri thức: Malaysia khẳng định moi trẻ em ở mức giáo dục cơ bản phải đọc thông hiểu và làm toán tốt. Học sinh phải làm chủ được những môn học Toán và Khoa học và được học những kiến thức thiết yếu về Malaysia, châu Á và thế giới - về lịch sử, con người và địa lý. Học sinh được khuyến khích phát triển các tri thức và ký năng trong các lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc và thể thao.

Về Kỹ năng tư duy: Mọi trẻ em sẽ học để biết cách thường xuyên đạt được kiến thức qua suốt cuộc đời (có ham muốn hiểu biết và học tập suốt đời); học sinh có khả năng để liên hệ, kết nối những tri thức khác nhau, và điều quan trọng nhất trong nền kinh tế tri thức là tạo ra những tri thức mới. Mọi đứa trẻ phải làm chủ được những kỹ năng nhận thức quan trọng gồm các kỹ năng giải quyết vấn đề, lập luận, tư duy sáng tạo và đổi mới. Sở dĩ Malaysia nhấn mạnh điều này bởi vì nền giáo dục trong quá khứ làm cho HS ít có khả năng trong việc áp dụng tri thức, tư duy một cách logic và hệ thống vốn quen thuộc trong trường học vào cuộc sống thực.

Kỹ năng lãnh đạo: trong một thế giới ngày càng có ràng buộc liên hệ với nhau, khả năng lãnh đạo và làm việc hiệu quả với người khác là cực kỳ quan trọng. Hệ thống giáo dục sẽ giúp đỡ mọi học sinh đạt đến tiềm năng đầy đủ nhất bằng việc tạo ra cơ hội thường xuyên để cho học sinh làm việc tập thể và giữ vai trò lãnh đạo. Trong bối cảnh của hệ thống giáo dục, kỹ năng lãnh đạo bao gồm 4 nội dung: quản lý, kiên cường và mềm dẻo, trí tuệ tình cảm, và kỹ năng giao tiếp mạnh.

Ngoại ngữ: Giáo dục Malaysia khẳng định mọi trẻ em phải sử dụng thông thạo tiếng phổ thông Malaysia và tiếng Anh là ngôn ngữ dùng cho giao tiếp. Điều đó có nghĩa, mọi học sinh dời khỏi nhà trường phải có khả năng làm việc trong môi trường tiếng Malaysia và tiếng Anh. Bộ giáo dục cũng khuyến khích tất cả các học sinh học một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh.

Đạo đức và tinh thần: Hệ thống giáo dục phải khắc sâu giá trị đạo đức và tinh thần vào mỗi trẻ em để chuẩn bị cho các em sẵn sàng đương đầu với những thách thức sẽ phải đối mặt trong cuộc đời của người trưởng thành sau này, để biết giải quyết các xung đột một cách hài hòa, để áp dụng những nguyên tắc khôn ngoan nhất trong những thời điểm khó khăn và để khuyến khích làm những điều phải. Giáo dục cần nuôi dưỡng các cá nhân để giúp cho mỗi người đóng góp thành quả của mình cho cộng đồng và dân tộc.

Bản sắc dân tộc: Giáo dục phải làm cho mọi trẻ em tự hào là người Malaysia không phân biệt dân tộc, tôn giáo hay địa vị kinh tế- xã hội. Muốn vậy, nền giáo dục phải đòi hỏi ở mỗi học sinh những hiểu biết về lịch sử đất nước và chia sẻ những mong ước chung cho tương lai. Điều đó có thể đạt được không chỉ thông qua việc học để hiểu và chấp nhận sự đa dạng mà còn phải dung dưỡng chúng.

Chỉ số cạnh tranh về giáo dục đại học và đào tạo (nguồn: Báo cáo chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF 2013-2014)

Quốc gia

Giáo dục đại học và đào tạo

Xếp hạng Điểm số
Singapore 2 5.9
Malaysia 46 4.7
Brunei 55 4.5
Indonesia 64 4.3
Thái Lan 66 4.3
Philipines 67 4.3
Việt Nam 95 3.7
Lào 111 3.3
Campuchia 116 3.1
Mianma 139 2.5
  • Hoàng Minh Tuấn (Nguồn tham khảo: Malaysia Education Blueprint 2013-2025, UNESCO Bangkok)