- Được chọn đi đào tạo tại nước ngoài, sau 5 năm học tập với bằng tốt nghiệp xuất sắc - Lê Văn Hậu (1989) trú thôn 4, xã Điện Hồng, H. Điện Bàn, Quảng Nam trở về nước và bắt đầu chuỗi ngày long đong xin việc. Cuối cùng đành phải chọn nghề... làm nông phụ giúp cha mẹ ở quê nhà.

{keywords}

Lê Văn Hậu (bên trái) sau 5 năm đi đào tạo chuyên ngành Hóa dầu ở nước ngoài về làm nông.

Là sinh viên xuất sắc sau một năm học tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Lê Văn Hậu (1989) trú thôn 4, xã Điện Hồng, H. Điện Bàn, Quảng Nam đã vươt qua hàng chục ứng viên để được Bộ GD-ĐT cấp học bổng đưa sang Rumani đào tạo chuyên ngành hóa dầu.

Hơn 5 năm học tập tại nước ngoài với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc - Hậu trở về Việt Nam ấp ủ bao dự định cho tương lai và tưởng sẽ được bố trí công việc theo đúng chuyên ngành.

Thế nhưng đã nhiều tháng nay kể từ khi về nước, Hậu cầm hồ sơ xin việc gõ cửa nhiều cơ quan, doanh nghiệp chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối vì không có chuyên ngành Hóa dầu. Cuối cùng Hậu về quê làm nông kiếm sống.

Hậu kể, đã gửi hàng chục hồ sơ xin việc ở các công ty như Lọc hóa dầu Bình Sơn, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi nhưng vẫn không thấy hồi âm. Rồi lên mạng tìm kiếm các công ty trong và ngoài nước có chuyên ngành liên quan để gửi hồ sơ. Nhưng đã hơn 3 tháng nay vẫn chưa có công ty nào nhận.

Không thất vọng, Hậu vẫn vững tin vào tấm bằng đỏ của mình đào tạo ở nước ngoài trở về lẽ nào lại bị từ chối. Khi nghe thông báo UBND tỉnh Quảng Nam tuyển dụng công chức, viên chức và ưu đãi cho những người có hộ khẩu tại địa phương nên Hậu vững tin mang hồ sơ đến Sở Nội vụ Quảng Nam để nộp.

Nhưng một lần nữa làm Hậu thất vọng khi bộ phận tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng sau khi xem hồ sơ và văn bằng tốt nghiệp Hóa dầu bộ phận tiếp nhận lắc đầu bảo: nếu xin được vào cơ quan hành chính nhà nước nào ở tỉnh hoặc huyện thì sẽ được xét vào biên chế công chức, không cần qua thi tuyển.

{keywords}

Bằng tốt nghiệp xuất sắc của Lê văn Hậu và giấy khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani

 

{keywords}

Thế là những chuỗi ngày Hậu chạy đôn chạy đáo đến các sở ban ngành nộp hồ sơ xin việc. Nhưng nhận lại là những cái lắc đầu bảo chuyên ngành của Hậu không phù hợp cho công việc hành chính.

Chưa hết thất vọng, Hậu kiên trì đi xin việc. Khi biết Đà Nẵng có chính sách thu hút nhân tài, Hậu lại mang hồ sơ ra nộp thì nhận được thông báo đã hết hạn tuyển dụng. Chuyên ngành Hóa dầu cũng không thuộc dạng thu hút nhân tài của thành phố. Hậu đành ngậm ngùi quay trở về quê.

Hậu kể, không xin được việc làm, nhưng vẫn nuôi hy vọng đến một ngày nào đó chuyên ngành Hóa dầu phát triển, sẽ xin được việc làm phù hợp. Còn bây giờ để kiếm sống Hậu quyết định ở nhà phụ giúp ba mẹ làm nông lo mấy sào ruộng...

Trong gia đình Hậu còn có em trai kế Lê Văn Phát (cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cũng nhận được học bổng của Bộ GD-ĐT đi du học ở Nga chuyên ngành Vật lý hạt nhân hiện chưa về nước.

Vì bản thân quá long đong trong tìm kiếm việc làm nên Hậu lo lắng: "không biết sau khi Phát về nước có xin được việc làm hay về quê làm nông kiếm sống như mình?"

Trong câu chuyện về hoàn cảnh gia đình, Hậu kể "khi nhận học bổng, em cứ nghĩ sẽ cố gắng học thật tốt sau này đỡ gánh nặng cho gia đình và trở về phục vụ quê hương. Không ngờ học xong đi xin việc lại khó đến như vậy."

Mới đây, khi tiếp xúc cử tri tại TP. Đà Nẵng, Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh đã bút phê giúp thạc sĩ trẻ thất nghiệp Phan Thị Trang Nhung (26 tuổi) trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng gửi các cơ quan chức năng xin việc làm.

Chuyện việc làm của rất nhiều nhân tài được đào tạo trong và ngoài nước hiện nay vẫn thất nghiệp không phải là hiếm. Trường hợp của Lê Văn Hậu hay cô thạc sĩ Phan Thị Trang Nhung là những điển hình về sự lãng phí trong công tác đào tạo hiện nay.

  • Vũ Trung