- "Tôi đánh giá cao đề thi này. Việc ra đề theo lối cũ khiến học sinh luôn phải tầm chương trích cú, phải học vẹt nói theo, không có cơ hội bày tỏ chính kiến...." Cô Nguyễn Thanh Huyền, giáo viên văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương nhận xét.

>> Tranh cãi đề thi học sinh giỏi của Hải Phòng

"Các em phải học để trở thành người có chính kiến...."

Chị đánh giá như thế nào về đề thi này?

 - Tôi đánh giá cao đề thi này. Vì nó thể hiện sự chịu nghĩ, chịu quan sát của người ra đề. Việc ra đề theo lối cũ khiến học sinh luôn phải tầm chương trích cú, phải học vẹt nói theo, không có cơ hội bày tỏ chính kiến, quan điểm đã trở nên lạc hậu lắm rồi.

Bây giờ chúng tôi hướng tới đào tạo học sinh theo mục tiêu khác - các em phải học để trở thành những người có chính kiến, có khả năng suy nghĩ độc lập, có hiểu biết xã hội sâu rộng... Muốn vậy, chúng tôi phải có những đề thi hướng cho các em tiếp cận và đánh giá mọi hiện tương xảy ra trong đời sống xã hội.

{keywords}

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 của TP. Hải Phòng

Lâu nay việc ra đề thi về những nhân vật phản diện thường hiếm xảy ra, và nếu có thì cũng chỉ về những nhân vật phản diện điển hình trong văn học. Việc đưa hai bạn trẻ hiện gây tranh cãi vào đề thi, theo chị, thể hiện sự đổi mới như thế nào trong quan niệm về việc ra đề?

- Bạn có thể dùng từ "phản diện" để nói về những hình tượng trong văn học, còn với hai cô gái trẻ này, từ ấy quá nặng nề. Các bạn ấy còn trẻ, còn nông nổi, nói sai làm sai cũng không quá khó hiểu. Cùng lắm, ta chỉ nên coi đó là một hiện tượng "lệch chuẩn" thôi.

Còn bạn nói việc nên hay không nên đưa hại bạn trẻ gây tranh cãi vào đề thi ư? Tôi nghĩ vấn đề không phải nên hay không nên, mà là cách ra đề và định hướng của giáo viên như thế nào. Nhiều người cứ cho rằng để trẻ tiếp xúc với những hiện tượng không chuẩn, không đẹp qua đề thi như thế sẽ làm các em phát triển lệch lạc.

Tôi không cho như vậy. Bầu không khí chúng ta đang sống, đang hít thở bị ô nhiễm, chúng ta có thể "nhốt" con em mình vào lồng kính, có thể tạo cho chúng một môi trường vô trùng để sống không? Mà khoa học cũng đã chứng minh rồi đấy, rằng cứ bao bọc kĩ quá, che chắn cẩn thận quá có thể sẽ làm giảm sức đề kháng của trẻ. Đến khi không bao bọc, che chở được nữa thì sao? Thì chúng sẽ nhiễm khuẩn nhanh hơn, mạnh hơn, khủng khiếp hơn phải không?

Vậy thì thay vì đẩy chúng vào lồng kính, bịt mắt, nút lỗ tai chúng, chi bằng ta dạy chúng cách để miễn nhiễm với vi khuẩn có hơn không? Thay vì nói dối chúng là cuộc đời đẹp lắm, trong sáng lắm, hãy cho chúng biết sự thật và phân tích cho chúng thấy đúng sai hay dở để chúng lựa chọn có hơn không? Như thế, chúng mới nhanh chóng trưởng thành. Vì nói như nhà văn Trang Hạ, thời này làm gì có sự trưởng thành nào không đau đớn.

Học sinh giỏi sẽ không "lên án" theo kiểu "ném đá"

Về tính nhân văn của đề thi: Quan niệm sống này của hai bạn trẻ, khi vừa nói ra, đã bị lên án khá dữ dội. Tuy nhiên những ý kiến này đa phần mới chỉ ở trên các trang mạng. Việc bị “lên án” một cách bài bản bởi những học sinh giỏi (qua những bài thi) liệu có ảnh hưởng tới cuộc sống của họ, khi dù sao đây cũng là hai người còn rất trẻ?

- Tôi cho rằng một học sinh giỏi thực sự sẽ không "lên án" theo kiểu "ném đá" thường thấy trên mạng hiện nay. Một học sinh giỏi thực sự sẽ biết phân tích, lý giải để chỉ ra bản chất, căn nguyên của hiện tượng này là gì. Và nếu phân tích một cách có tình, có lý, có cơ sở khoa học trên tinh thần nhân văn và sự hiểu biết thấu đáo, bằng thứ ngôn ngữ có chừng mực của người làm khoa học, theo bạn sẽ "ảnh hưởng" thế nào đến cuộc sống của hai cô gái kia?

Theo chị, đề thi này đã đáp ứng được yêu cầu chọn học sinh giỏi chưa? Sự khác biệt của mục tiêu thi chọn học sinh giỏi và thi các loại khác như thế nào?

- Như tôi đã trao đổi ở trên, đề văn này đáp ứng tốt yêu cầu chọn học sinh giỏi. Vì nó buộc học sinh bộc lộ không chỉ khả năng đọc và lọc thông tin báo chí, đối diện và ứng xử trước những hiện tượng đời sống - xã hội mà còn thể hiện được năng lực phân tích, lý giải trên cơ sở nhận thức xã hội đúng đắn, hướng tới chuẩn xã hội hiện đại, văn minh.

Tôi không rõ hướng dẫn chấm của Sở GD-ĐT Hải Phòng ra sao, nhưng cá nhân tôi cho rằng bài thi của học sinh thực sự giỏi phải thể hiện được một khả năng nhận thức thật rõ ràng: tiến bộ xã hội là sự vận động, chuyển biến của xã hội theo hướng đi lên, thay thế dần cái lạc hậu bằng sự văn minh tiến bộ. Và một xã hội thật sự tiến bộ phải tôn trọng con người, đồng thời cũng phải tạo cho con người - trong đó có người phụ nữ - điều kiện và cơ hội để phát triển toàn diện, để nâng cao năng lực, để khẳng định giá trị bản thân và vươn lên đảm nhiệm những vị trí xã hội xứng đáng.

Các cô gái trẻ hay bất kì người trẻ nào cũng có quyền mơ ước một cuộc sống giàu sang, sung túc. Nhưng thực hiện giấc mơ đó bằng cách bám vào đại gia là tự hạ thấp giá trị bản thân mình, biến mình thành một thứ tầm gửi, một thứ kí sinh. Sống như thế là kéo lùi sự tiến bộ xã hội - dù mức sống của cá nhân cô gái đó có được nâng cao.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm bên ngoài một chút, rằng lời nói của cô gái trẻ có thể chỉ là sự lỡ lời, bồng bột nhất thời, không nên quy kết nặng nề. Vì - như báo chí phản ánh, thì chính cô Ngọc Trinh cũng đâu có hoàn toàn sống dựa đại gia.

Cô ấy làm người mẫu, có thu nhập cao từ chính nghề nghiệp của mình (dù trong quá trình làm nghề cũng không tránh khỏi chuyện này chuyện nọ), lại còn kinh doanh để tự tạo thu nhập. Và như cô ấy nói, thì vì cô ấy bị "chửi" nhiều quá nên làm cho mọi người thấy rằng cô ấy không phải kẻ sống bám, rằng cô ấy cũng giỏi theo cách của mình. Một cô gái mới ngoài 20 tuổi, với những gì được và chưa được như thế, thiết nghĩ cũng không nên "ném đá".

Đề thi này có nên ra ở một kỳ thi rộng hơn, như kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH, CĐ không, thưa chị? Tại sao?

- Tạm thời, với trình độ và hiểu biết chung của phần đông học sinh phổ thông hiện nay, ra một đề như thế này là vượt sức các em. Vì tôi cũng đã nói, đây là đề phù hợp để chọn học sinh giỏi - những học sinh có năng lực nhận thức, tư duy vượt trội hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Xin cảm ơn chị!

  • Chi Mai (thực hiện)