- "Quan điểm trong tuyển dụng người tài và thực tài cần phải bình đẳng và xóa hoàn toàn quan niệm con ông cháu cha và thân quen. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để tìm được người thực tài để tuyển dụng vào cơ quan hành chính nhà nước... "- ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng đặt vấn đề.
Hội thảo khoa học về qui trình tuyển dụng công chức, viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh thực tài tại Đà Nẵng do Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng tổ chức sáng 23/10. Các nhà khoa học trong lĩnh vực đào tạo và tuyển dụng đã đặt ra nhiều vấn đề làm thế nào để tuyển dụng, thu hút được người tài vào hệ thống công quyền nhà nước.
Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng Đặng Công Ngữ đặt ra vấn đề làm thế nào để tìm kiếm nhân tài cho các cơ quan hành chính và tổ chức của nhà nước và các tổ chức chính trị.
Hội thảo khoa học về tuyển chọn người tài |
Vấn đề đầu tiên trong tuyển dụng, theo ông Ngữ là cần phải xóa ngay tư duy đã ăn sâu trong quan niệm đó là tuyển dụng “con ông cháu cha hoặc thân quen”. Thậm chí cần xem xét lý lịch “khoa học” cho từng ứng viên. Lý lịch nhân thân chỉ là tham khảo trong tuyển dụng.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy đặt ra tại hội thảo trong công tác tuyển dụng cần bình đẳng và không phân biệt nam nữ và phải xóa ngay quan điểm đào tạo chính qui hay không chính qui.
Vấn đề tuyển dụng nhân tài hiện nay gặp nhiều khó khăn vướng mắc do cơ chế, qui định. Tuy nhiên, làm thế nào tuyển được người có tâm, có đức và thực tài cần phải có sự thống nhất và quan điểm rõ ràng của cơ quan tuyển dụng.
Để có nhân tài, theo ông Tiếng đề xuất là ngay từ bây giờ ngành giáo dục phải cải tiến đào tạo từ ngay bậc phổ thông. Không thể chạy theo điểm số và bằng cấp mà phải đào tạo theo chất lượng từ ban đầu. Như vậy tương lai mới có được người tài như chúng ta mong muốn.
Nhiều nhà khoa học, nhà giáo, nhà tuyển dụng đầu ngành tham gia hội thảo đều đặt ra vấn đề phải xóa ngay những cơ chế ràng buộc hiện hành và phải công bằng trong tuyển dụng không phân biệt người địa phương, hay ngoài địa phương cũng như chính qui hay không chính qui, tại chức. Nếu phân biệt loại hình đào tạo thì không nên mở hệ dân lập và tại chức để đỡ tốn chi phí của nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, qui trình tuyển dụng người tài hiện nay đối với Đà Nẵng vẫn đang trong cuộc tìm kiếm và tham vấn các nhà khoa học và giáo dục.
Ông Bùi Văn Tiếng đưa ra quan điểm cần phải công bằng trong tuyển dụng |
Phải tuyển thạc sĩ, tiến sĩ hiện chưa có việc làm
Đó là chỉ đạo của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng tại cuộc họp Thành ủy vào chiều 22/10. Ông yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đảng đoàn thể cần phải tuyển dụng toàn bộ những người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ hiện chưa có việc làm.
Vấn đề tuyển dụng này cũng được ông Đặng Công Ngữ đưa ra tại hội thảo sáng nay. Tuy nhiên, nhiều tranh luận cần cân nhắc cụ thể từng trường hợp để tuyển dụng. Không hẳn tiến sĩ, thạc sĩ là người tài...
Ông Thọ chỉ đạo, trước mắt, Bí thư các quận ủy, huyện ủy (nơi có các tiến sĩ, thạc sĩ đang sinh sống) và giám đốc các sở ngành có liên quan (đối với khối kinh tế, kỹ thuật) phải bảo đảm việc làm cho các tiến sĩ, thạc sĩ nhưng chưa có việc làm đang sinh sống tại địa bàn hoặc thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Theo ông Thọ, Chương trình “Thành phố 5 không và 3 có” (trong đó có việc làm cho người dân) mà Đà Nẵng đang triển khai được xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Vì vậy các đối tượng là các tiến sĩ, thạc sĩ đang sinh sống tại Đà Nẵng nhưng chưa có việc làm ổn định phải được ưu tiên giải quyết việc làm trước.
Để giải quyết vấn đề này, ông Thọ giao cho Giám đốc Sở Nội TP vụ khẩn trương rà soát, nắm rõ và tập hợp danh sách các tiến sĩ, thạc sĩ trên địa bàn nhưng chưa có việc làm để trình Thường trực Thành ủy để có phương án giải quyết.
Hiện giải pháp tìm kiếm người hiền tài vẫn đang là vấn đề làm đau đầu các nhà tổ chức của TP Đà Nẵng và vẫn chưa tìm được mẫu số chung cho việc tìm kiếm nhân tài.
- Vũ Trung