Ngày 9/10 vừa qua, trên các diễn đàn của giới trẻ xuất hiện tấm ảnh chụp lại đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12, có nội dung của câu 1 - câu có số điểm tối đa là 3 điểm, như sau “Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”. Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

{keywords}

Ban đầu, cứ tưởng đây là trò đùa "chế ảnh" của bạn trẻ nào đó. Nhưng hóa ra đây là chuyện hoàn toàn nghiêm túc, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hải Phòng đã xác nhận Ngọc Trinh, “bà Tưng” chủ đề bàn luận của câu 1 trong đề thi học sinh giỏi văn lớp 12 năm học 2013-2014 của địa phương này.

Từ chuyện Ngọc Trinh - “Bà Tưng”

Ngay khi đề thi này xuất hiện và được xác tín lại từ phía lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng, tôi cảm thấy rất thú vị. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình tôi tin chắc rằng đám đông sẽ phản ứng. Và một khi đám đông phản ứng, chỉ ngại phía Sở GD-ĐT sẽ bối rối. Và cuối cùng, Sở GD-ĐT Hải Phòng bối rối thật.

Giữa tuần này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có văn bản báo cáo gửi Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng về việc rút kinh nghiệm trong giảng dạy khi đưa người mẫu Ngọc Trinh và "bà Tưng" vào đề thi học sinh giỏi văn. Thêm vào đó, Sở GD-ĐT đã dừng công việc ra đề thi các vòng thi tiếp theo đối với nhóm cán bộ, giáo viên đã ra đề thi "lạ" trên. Đồng thời, phía Sở GD-ĐT cũng thừa nhận việc ra đề thi bảo đảm yêu cầu chuyên môn như ra đề mở, gắn với thực tế xã hội nhưng cần xem xét đến tính xã hội và hiệu ứng với dư luận xã hội.

Ngọc Trinh là ai(?).

Không cần phải nhắc đến quá nhiều thành tích lừng lẫy của cô gái được xem như là người mẫu bikini đắt show (hay có cátsê) thuộc dạng cao nhất Việt Nam hiện nay.

Ngọc Trinh bước vào làng giải trí, chọn cho mình một "phân khúc thị hiếu khán giả" rất rõ ràng và Ngọc Trinh chinh phục phân khúc khán giả này bằng cách, vận những trang phục đầy tươi mát, đậm chất phồn thực. Chính từ đây, cô được mệnh danh là "Nữ hoàng bikini", tất nhiên, đó chỉ là danh hiệu do truyền thông phong cho cô.

Ngọc Trinh có đẹp không(?). Cô đẹp, cô sở hữu được tất cả những gì mà một phụ nữ gợi cảm cần có. Ngọc Trinh ít trả lời phỏng vấn báo chí, nhưng hễ Ngọc Trinh trả lời là lập tức gây nên một cơn sóng gió truyền thông hay nhẹ nhàng hơn thì là, tạo nên một trận thị phi.

Câu trả lời phỏng vấn của Ngọc Trinh được trích dẫn vào đề văn trong kỳ thi học sinh giỏi Văn vừa qua của Hải Phòng, "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?", là câu trả lời từng gây "chấn động" cách đây hơn một năm. Câu nói này phổ biến đến độ, nó được chế ra trong nhiều ngữ cảnh khác nhau được xem như một trò đùa hay ho, một trào lưu mới mẻ của nhiều tầng lớp người trẻ khác nhau. Thậm chí, nhóm nhạc nổi tiếng MTV còn đưa nó vào ca khúc "Nói chung là…(Chuyện thằng say)".

"Bà Tưng" là ai?.

"Bà Tưng" có thể được xem là đặc trưng của một bộ phận người trẻ hiện nay, những người thích thể hiện mình trên thế giới ảo hơn là đời sống thật. Ban đầu, "bà Tưng" chỉ là nhân vật nhún nhảy lăng nhăng trong đoạn clip ngắn, được đăng tải trên nhiều trang mạng, chuyên trang giải trí… Rồi làm giới báo mạng rầm rập xua quân đi săn lùng tên tuổi, tin tức của "bà Tưng".

"Nước lên thuyền lên", "bà Tưng" tiếp tục công bố những hình ảnh khoe thân thể khác, với mật độ dày đặc… Một công ty kinh doanh game online rất nhanh nhạy mời "bà Tưng" về làm đại diện hình ảnh cho một game mới. Từ đây, "bà Tưng" rập rình vào làng giải trí và "bà Tưng" luôn quấn quanh người món trang sức mang tên thị phi.

Thế nhưng, phản ứng của nhà quản lý văn hóa là điều mà "bà Tưng" lẫn ê-kip phụ việc cho "bà Tưng" không lường hết được sự cứng rắn đến bất ngờ của nhà quản lý văn hóa. "Bà Tưng" bị cấm biểu diễn toàn quốc.

Công văn của Cục Nghệ thuật biểu diễn được phát đi vào tháng 8 vừa qua nêu rất rõ: "Trong thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội trực tuyến xuất hiện tràn lan nhiều ảnh, clip ghi âm thanh, hình ảnh có nội dung dung tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc của nhân vật Lê Thị Huyền Anh (hay còn gọi là “bà Tưng”). Nội dung các hình ảnh và clip nêu trên đã tác động xấu đến nhận thức, tâm lý, tình cảm của giới trẻ, gây bất bình trong dư luận xã hội.

{keywords}

Ngọc Trinh và cô gái có biệt danh “Bà Tưng”.

Qua công tác quản lý, Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận được thông tin qua đường dây nóng nhân vật Lê Thị Huyền Anh đã cùng êkíp thực hiện chụp các hình ảnh, quay clip trên mạng Internet nhằm mục đích gây sự chú ý của công chúng để nổi tiếng và tham gia biểu diễn nghệ thuật. Chính vì vậy, để thực hiện nghiêm túc Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL, Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi Công văn 633 này đến các Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố đề nghị: Tạm thời chưa cho phép Lê Thị Huyền Anh (hay còn gọi là “bà Tưng”) tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Có văn bản thông báo đến các công ty hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, các chủ địa điểm (nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường…) không được tổ chức cho Lê Thị Huyền Anh (bà Tưng) tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang".

Những quán bar mà "bà Tưng" dự tính sẽ xuất hiện nhanh chóng tháo bỏ quảng cáo hình ảnh về "bà Tưng", không đơn vị kinh doanh văn hóa nào dám xé rào mời "bà Tưng" về trình diễn như là một món lạ. "Bà Tưng" ban đầu thì tỏ ra phớt lờ công văn ấy, về sau "bà Tưng" liên tiếp viết thư xin lỗi, tâm thư… để chứng minh sự hối hận của bản thân khi thực hiện những "clip ghi âm thanh, hình ảnh có nội dung dung tục, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc".

"Bà Tưng" nói: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”, khi trả lời phỏng vấn và bài phỏng vấn này được đăng tải trên một trang báo mạng lớn của Việt Nam. Bài phỏng vấn này được thực hiện sau lúc "bà Tưng" bị cấm biểu diễn và tỏ ra ăn năn, hối lỗi. Thật ra, câu nói tạo được hiệu ứng nhất của "bà Tưng" trong bài phỏng vấn này là "Không ai ngu đi yêu mấy anh nghèo".

Nếu tôi nhớ không nhầm, phóng viên phỏng vấn Ngọc Trinh lẫn "bà Tưng" là một. Đây là phóng viên sắc sảo trong mảng hậu trường làng giải trí Việt. Thế nhưng, với một công thức thì sự thành công của lần đầu tiên bao giờ cũng tốt hơn lần thứ hai. Lần vẫy vùng của "bà Tưng" xoay quanh chủ đề "Đại gia - tiền - gái - bao" đã không tạo nên sự ầm ĩ lớn như lúc Ngọc Trinh.

Ngọc Trinh lẫn "bà Tưng" nói về sự khao khát tiền của đại gia, không có gì là sai hết. Chỉ có điều, họ đánh giá đại gia thấp quá. Nên nhớ, không ai thiếu sự thông minh mà trở nên giàu có được. Ngoại trừ, số ít những người được hưởng thừa kế. Hiện tại, "bà Tưng" đang lao vào hành trình tìm kiếm danh vọng bằng trò chơi mang tên "giải phẫu thẩm mỹ", một kiểu mà diễn viên Phi Thanh Vân đã từng thành công.

...đến “đẽo cày giữa đường”

Đề thi văn vừa rồi của Sở GD-ĐT Hải Phòng tạo ra 2 luồng ít kiến. Luồng thứ nhất, ủng hộ cách ra đề thi sáng tạo, sát với cuộc sống. Luồng thứ hai, phê phán kịch liệt cách ra đề có thể làm hỏng tư duy của người trẻ, Ngọc Trinh lẫn "bà Tưng" là thể loại không xứng đáng được biết đến… Luồng ý kiến thứ hai đã thắng thế, bằng động thái của Sở GD-ĐT Hải Phòng. Trong hai luồng ý kiến này, đa phần người quan tâm đến vụ việc chọn luồng ý kiến thứ hai, không có tôi nằm trong số này.

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm đây là một đề thi hay, kích thích được sự sáng tạo của những học sinh trong một kỳ thi học sinh giỏi văn. Hơn nữa, đề thi còn bám sát được đời sống văn hóa diễn ra trong thực tế, tâm lý của một bộ phận người trẻ… Thay vì, phải khen thưởng nhóm giáo viên đã ra đề văn này, thì phía lãnh đạo Sở GD-ĐT Hải Phòng vội vàng "dừng công việc ra đề thi các vòng thi tiếp theo đối với nhóm cán bộ, giáo viên đã ra đề thi". Đó là một cách xử lý dựa theo phản ứng của đám đông nhiều hơn là về tình, về lý. Mà thực tế cho thấy, đám đông không phải khi nào cũng đúng.

Sự mặc định tư duy hay cực đoan thái quá, bao giờ cũng khiến cá nhân bị hạn định rất nhiều trong cách nhìn nhận một sự vật, hiện tượng. Giới trẻ bây giờ đã khác rất nhiều so với giới trẻ của cách đây 10 năm. Họ tiếp cận được với thế giới nhanh hơn nhờ Internet, những nhân vật kiểu Ngọc Trinh hay "bà Tưng" cũng được giới trẻ biết đến nhanh hơn những… giới không còn trẻ khác. Và giới trẻ, là đối tượng chính mà những nhà quản lý của Ngọc Trinh, "bà Tưng" nhắm đến.

Một điều rất lạ theo quan sát của người viết, tôi thấy những luồng ý kiến bảo vệ Ngọc Trinh lẫn "bà Tưng" đều không phải là của người trẻ mà lại chính là của "những người không còn trẻ nữa". Cứ truy cập vào các diễn đàn của giới trẻ, đọc những bình luận trên các trang báo mạng, phản ứng của người trẻ trên facebook cá nhân… sẽ thấy họ bức xúc với sự thái quá của Ngọc Trinh hay "bà Tưng" như thế nào. Người trẻ thông minh hơn rất nhiều sự tưởng tượng của "những người không còn trẻ", họ thừa sức phân biệt tốt xấu, sự lệch lạc ngoài những chuẩn mực chung, khoe thân để cầu danh vọng, tạo scandal để mong tên tuổi… Người trẻ đủ năng lực để nhận hết điều đó.

Tất nhiên, là cũng có một số ít người trẻ vì sự hiếu thắng mà lao theo các giá trị kiểu "bà Tưng" hay Ngọc Trinh đang hướng đến. Nhưng, xét sòng phẳng thì đó cũng là chuyện của cá nhân, và cá nhân hoàn toàn có quyền làm điều đó. Lập danh cũng nhiều cách, kiếm tiền cũng nhiều đường... miễn sao đừng vi phạm pháp luật là được. Thế nhưng, sau "bà Tưng" cũng có nhiều cô nàng ăn mặc khiêu khích, nhảy nhót uốn éo nhưng không còn gây được tiếng vang nữa. Điều này cho thấy, giới trẻ đã có vẻ chán mấy trò múa may lấy tiền cũ mèm này.

Văn học là nhân học, học văn tức là học cách làm người. Học làm người là một hành trình rất dài, dài đến vô tận. Đó là quá trình học về nhận thức. Nhận thức thay đổi, mọi hành vi khác sẽ thay đổi theo. Chính vì học về nhận thức là quan trọng, nên phải để cho học sinh học văn có điều kiện để giải bày những gì đang diễn ra ở đời sống xung quanh. Đặc biệt, là những sự việc có liên quan đế các yếu tố văn hóa, chuẩn mực chung của đời sống.

Vì vậy, đừng vội vàng lên tiếng đả kích một đề thi văn rất thực tế, rất đáng khen ngợi. Bởi, không ai có thể chặn được sự khách quan đang diễn ra. Vấn đề là gìn giữ những chuẩn mực đạo đức chung như thế nào. Có lo ngại, có ném đá, có từ chối… thì những Ngọc Trinh, "bà Tưng" vẫn sẽ hiện hữu như là một phần của đời sống văn hóa. Không chỉ ở nước mình, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đều như vậy, như Hàn Quốc chẳng hạn, nơi mà nền giải trí của họ đang nhắm vào các giá trị đạo đức truyền thống rất mãnh liệt.

Xin được đưa ra nhận định cuối cùng rằng, sự tiên phong nào cũng luôn gặp nhiều áp lực, vấn đề là đừng để áp lực ấy biến mình thành người "đẽo cày giữa đường". Bởi, nhiệm vụ của người tiên phong là tiến lên.

(Theo Công An Nhân Dân)