- Nhiều giáo viên cho rằng không nên xem thường những nhận xét, góp ý của học sinh. Và nếu thầy cô có bị học sinh đánh giá thấp thì cũng là chuyện bình thường của một nền giáo dục tiên tiến.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tâm lý sợ cái mới khiến giáo dục trì trệ

Cô giáo Hà Minh Phương thừa nhận “có những lĩnh vực các em giỏi hơn chúng ta. Những phẩm chất của tuổi trẻ, sự vô tư trung thực của các em dạy ta luôn phải hoàn thiện mình”. Ngay cả với những học sinh bị coi là "cá biệt", cô cũng cho rằng các em cũng có thể dạy cho ta những bài học giáo dục, biết lắng nghe, cảm thông. Cô Phương tỏ ra rất tâm đắc và đồng thuận với đề xuất này.

Theo anh Nguyễn Văn An, từ trước đến nay nhà trường, giáo viên ở ta “không hiểu hoặc cố tình không hiểu” học trò, mà “chỉ biết cài đặt những gì nhà trường có vào các em”. Đó cũng chính là sự khác biệt giữa giáo dục Việt Nam và các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Là một nhà giáo lâu năm, đã về hưu, thầy Nguyễn Việt tâm sự rằng thông thường học sinh yêu quý thầy cô nào sẽ chăm học môn đó. “Tôi dạy học gần 40 năm, không bao giờ trù dập học sinh. Phụ đạo học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, không bao giờ lấy thù lao. Đến nay về hưu 20 năm, học sinh họp lớp hàng năm vẫn mời, có học sinh Tết nào cũng đến chúc Tết, chủ yếu vì tình thầy trò thật trong sáng”.

Theo thầy Việt, bây giờ do đồng lương eo hẹp, nhiều thầy cô phải dạy thêm, làm xấu đi hình ảnh người thầy trong mắt trò. Nên chỉ cần nâng lương, cải thiện thu nhập cho giáo viên thì đa số giáo viên sẽ tự giác không dạy thêm nữa.

Chị Mai Vân đồng tình với quan điểm “cho phép học sinh ‘cãi’ lại thầy”. Chị Vân cho rằng giáo viên cần phải tôn trọng học sinh, cho các em nói ra những băn khoăn, thắc mắc của mình và để các em được tranh luận. “Dạy học không phải là truyền đạt tri thức, là thầy đọc trò chép, mà phải truyền lửa cho học sinh. Nghề sư phạm cao quý ở chỗ đó, chứ không phải dùng uy quyền đe nẹt học sinh!”

Trước những ý kiến phản đối việc “chấm điểm giáo viên”, anh Nguyễn Huy Hoàng cho rằng đây là chuyện rất bình thường. Theo anh, chính những quan điểm này khiến cho công tác đổi mới giáo dục của chúng ta gặp khó khăn.

“Phải tự dũng cảm, nhìn thấy cái lạc hậu trong phương pháp dạy, tư duy cổ hủ, vã lỗi thời trong cách vận hành mối quan hệ thầy trò. Có như vậy chúng ta mới phát triển được. Trong nhà trường: mối quan hệ giữa thầy và trò cần phải đươc đối xử bình đẳng vì đó là hai chủ thể cơ bản nhất tạo nên môi trường giáo dục. Không có ai là khách thể ở đây” – anh Hoàng khẳng định.

Bị học sinh đánh giá thấp là bình thường

Cô Nguyễn Hiền – một giáo viên THPT tâm sự, đã có lần từng bị học trò nhận xét không đúng về mình. “Tôi không băn khoăn vì tôi luôn làm viêc bằng cả tấm lòng và đầy trách nhiệm, nhưng đôi khi học trò của tôi chưa hiểu tôi, nên có những ý kiến làm tôi cũng hơi buồn”. Chính vì thế, khi biết ý nghĩa của đề tài khoa học này, cô Hiền rất muốn tiếp cận hệ thống câu hỏi để có thể tham khảo, góp ý, mong rằng sẽ được học sinh nhận xét về mình đúng hơn, cũng như tiếp nhận những góp ý của học trò để hoàn thiện mình.

Anh Hoàng Hải cũng góp ý: “Việc đặt những câu hỏi trực tiếp quá như "Thầy cô có trù úm học sinh không?" sẽ khó lấy được thông tin chính xác từ người trả lời ngay cả khi người trả lời không ghi tên”.

Giáo viên tên Phương thì chia sẻ thực trạng: “Trường tôi cũng đã lấy phiếu ý kiến học sinh nhưng sau đó giáo viên đi vào ‘vuốt ve’ các em”.

Với những ý kiến nhận xét chưa chính xác và thực sự công tâm của học sinh, bạn đọc Hoàng Khánh Trang cho rằng việc tiếp nhận ý kiến cần sự chọn lọc của giáo viên, thấy góp ý nào hợp lý thì điều chỉnh cho phù hợp.

Trên cương vị một giáo viên, cô Nguyễn Minh Nguyệt bày tỏ băn khoăn rằng, mặc dù cách làm đi đúng hướng nhưng với thực trạng hiện nay, lớp học đông, sức thầy có hạn, dẫn tới thầy không thể làm hoàn thiện 2 chữ “hiệu quả”, chưa thể làm hài lòng tất cả các em.

Trong khi đó, một giáo viên khác cho rằng việc học sinh đánh giá thấp thầy cô hay có những nhận xét tiêu cực về thầy cô cũng là chuyện bình thường, bởi “chúng ta không phải siêu nhân. Chúng ta vẫn có thể sai lầm. Giáo viên không nên có tư duy xem thường học sinh hay sợ sệt các em nhận xét sai về mình”.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)