- Có một sự khác biệt, 78% trẻ em Việt Nam được khảo sát cho biết thầy giáo và gia đình là những người hùng, trong khi con số này của thế giới là  51%. Đây là thông tin từ kết quả cuộc khảo sát toàn cầu “Tiếng nói nhỏ, Ước mơ lớn” của ChildFund được công bố vào ngày 20/11.

{keywords}
Cô và trò Trường Tiểu học Bắc Kạn

Đây là cuộc trưng cầu ý kiến toàn diện đối với 6.499 trẻ em từ 10 đến 12 tuổi tại 47 quốc gia trên thế giới (châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Âu), trong đó có Việt Nam về các vấn đề liên quan tới bảo vệ trẻ em, đóng góp vào tiến trình xây dựng Mục tiêu Thiên niên kỷ sau năm 2015 của Liên Hợp Quốc.

Kết quả chính của cuộc khảo sát cho thấy:

Thầy cô giáo và gia đình là những người hùng của trẻ em (Việt Nam - 78%, thế giới - 51%).

Dù cho rằng bạo lực đa phần là từ các ông bố, trẻ em Việt Nam được khảo sát cho biết gia đình vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với các em.

71% trẻ em Việt Nam được hỏi coi các thành viên trong gia đình như ông bà, cha, mẹ, anh, chị… là những người hùng của các em. Gia đình cũng đồng thời là người hùng của 49% trẻ em ở các nước châu Á, 44% ở các nước đang phát triển và 46% trẻ em trên toàn thế giới.

Thầy cô giáo và huấn luyện viên (7%) cũng đứng đầu trong danh sách những người hùng của trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát. "Người hùng của em là cô giáo, bởi vì cô đã dạy cho em biết viết chữ", em Thảo, 12 tuổi, ở Kim Bôi cho biết.

Được giáo dục tốt là một trong những điều rất quan trọng đối với trẻ em và gia đình (Việt Nam – 53%, thế giới – 65%).

53% trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng được giáo dục tốt là điều rất cần thiết đối với các em và gia đình.

Tầm quan trọng của giáo dục cũng được đa số trẻ em trên toàn thế giới ủng hộ (65%), đặc biệt là các nước đang phát triển (72%), ở châu Á (74%) và châu Mỹ (80%).

Gia đình là nơi mang lại cảm giác an toàn và hạnh phúc cho trẻ em (Việt Nam – 45%, thế giới – 56%).

45% trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng được ở bên gia đình cùng ông bà, bố mẹ, anh chị em sẽ giúp các em cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Lựa chọn về gia đình cũng nhận được sự chia sẻ của 45% trẻ em ở các nước châu Á, và 50% ở các nước đang phát triển.

Việc làm đầu tiên mà trẻ em Việt Nam nghĩ tới nếu được làm lãnh đạo đất nước là ngăn chặn bạo lực gia đình (28%) và bạo lực nói chung (23%).

Với câu hỏi "Nếu được làm Chủ tịch nước...", 25% trẻ em Việt Nam được hỏi sẽ ngăn chặn bạo lực, 28% ngăn chặn bạo hành và xâm hại trong gia đình và 19% sẽ bảo đảm cho sự an toàn cá nhân của trẻ em.

Ngăn chặn bạo lực cũng là một trong những việc làm ưu tiên của trẻ em ở châu Á (11%), bên cạnh các biện pháp khác như tăng cường hệ thống pháp luật và trật tự an ninh (22%), và cải thiện giáo dục (18%).

Theo trẻ em Việt Nam, rượu là nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực (41%). Trong khi đó, 90% trẻ em ở Campuchia đồng tình với quan điểm cho rằng rượu là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bạo lực, và 33% trẻ em ở các nước phát triển cho rằng các hành vi xấu mới là nguyên nhân chính.

Ngoài ra, 62% trẻ em Việt Nam cho rằng được đối xử công bằng, không bị phân biệt hay hành hạ là rất quan trọng đối với trẻ em và gia đình.

Nằm trong danh sách những điều quan trọng hàng đầu của trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát còn có tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường (58%). Ý kiến này nhận được sự chia sẻ của nhiều trẻ em ở châu Á (42%) và châu Phi (52%).

Ông Jim Merson, Tổng Thư ký của Liên minh ChildFund cho biết: “Những phát hiện mới một lần nữa củng cố suy nghĩ rằng trẻ em ở các nước phát triển và đang phát triển đều có những suy nghĩ rất thông minh về cuộc sống của các em. Là người lớn, chúng ta cần ghi nhớ và hãy cùng lắng nghe những điều các em nói”.

  • Chi Mai