- Những thay đổi trong tình thầy - trò hiện nay chẳng khác gì một cuộc cách mạng trong giáo dục. Số khá đông sẽ chống lại, do thói quen, do hiểu lầm đạo đức “tôn sư trọng đạo” hoặc ngại không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng định luật của thay đổi là chúng ta sẽ túc tắc tiến theo hướng đi của chúng.
Mới đây, tổ chức Varkey GEMS làm một cuộc khảo cứu về địa vị của nhà giáo ở 21 nước khác nhau tại Âu, Á, Mỹ châu và Trung Đông. Sau khi phỏng vấn 21.000 người tại các quốc gia này, mà một nửa là từ Âu châu, Varkey GEMS công bố kết quả là nghề dạy học được tôn trọng nhất ở Trung quốc và Hy lạp và bị coi nhẹ nhất ở Do Thái và Brazil.
Việt Nam không nằm trong số 21 quốc gia này nên chúng ta không có dữ liệu rõ ràng về chỗ đứng của nhà giáo. Tuy nhiên, đa số người Việt hiện nay thừa nhận nghề dạy học không còn là một nghề trọng vọng trong xã hội. Một thống kê hồi tháng 7/2013 tiết lộ rằng một nửa số giáo viên bây giờ sẽ chọn nghề khác nếu họ có cơ hội chọn lại.
Chỉ so sánh về lương bổng cũng đủ thấy: trong số 21 nước, lương thấp nhất là Ai cập (10.604 USD/năm) và cao nhất là Singapore (45.755 USD); hai nước coi nhẹ nghề giáo là Do thái (32.447 USD) và Brazil (18.550 USD); hai nước coi trọng nhất là Trung quốc (17,730) và Hy lạp (23.341) Lương nhà giáo ở Việt Nam thường không quá 3.000 USD một năm.
Dạy học là một nghề khá mới
Nghề dạy học là một nghề tương đối mới, và hệ thống giáo dục như hiện có chỉ mới xuất hiện từ sau cuộc cách mạng công nghệ hồi thế kỷ thứ 18.
Hàng nghìn năm trước, cũng đã có những người thầy và học trò: Khổng tử, Mạnh tử, Lão tử, Phật, v.v… bên Á châu ta hay Plato, Aristotle, Socrates, Giê-Su, v.v… bên Âu châu cũng đều có một số “đệ tử” theo học.
Trường hợp của hai ông Giê-Su và Siddartha đặc biệt hơn ở chỗ các đệ tử của hai vị tiếp tục sứ mạng “tông đồ” sau khi họ chết và lập nên hai đạo lớn nhất của loài người cho tới nay.
Khổng và Lão cũng có những tín đồ trong suốt 25 thế kỷ qua, nhất là trong giới trí thức và giới cầm quyền, nhưng không phổ biến đến toàn xã hội như hai đạo Công giáo và Phật giáo.
Từ đó các tôn giáo thường là những nơi truyền đạt kiến thức chính trong xã hội, Đông cũng như Tây, còn đa số dân chúng thường mù chữ.
Phải đến khi Gutenberg phát minh ra máy in (khoảng 1439) kiến thức mới được phổ biến rộng rãi và từ đó mở đường cho những tiến triển căn bản của thế giới.
Các đại học hiện đại cũng bắt đầu khoảng vài trăm năm nay, và đến thế kỷ 19 nước Mỹ mới tạo nên chương trình học phổ thông 12 năm mà nhiều nước đang dùng. Giáo dục cưỡng chế (ít nhất là hết bậc tiểu học) là sản phẩm của thế kỷ 20, và Việt Nam cũng như nhiều nước khác buộc học sinh phải đến trường cho tới tuổi 18, mặc dù luật không được thi hành nghiêm khắc lắm.
Cách dạy học cũng thay đổi
Trong thời các “triết gia lớn” ở Hy lạp cũng như ở Á châu, một số nhỏ những ai muốn học hỏi hay trao đổi thêm, thường đi theo họ từ nơi này qua nơi khác và người thầy chia sẻ kiến thức, suy nghĩ của mình qua những buổi thuyết giảng như Giê-Su và Phật, qua những lần cố vấn cho thành phần có thế lực như Khổng và Lão tử, qua các buổi thảo luận công khai như ở Hy lạp, và nhất là qua những câu chuyện trực tiếp với các đệ tử của họ. Sau đó, các đệ tử này ghi chép lại những gì họ nhớ được trong thời người thầy còn sinh tiền, tạo nên các sách thánh hiền, dùng làm tài liệu căn bản để dạy cho các thế hệ kế tiếp.
Ở Á châu, chúng ta có những câu chuyện người Việt, người Trung quốc, người Nhật đi “thỉnh kinh” đem về truyền đạo trong nước mình. Các chùa và cung điện là những nơi tổ tiên chúng ta dạy, bình luận và học các kinh sách này. Ở châu Âu và ở Trung đông, qua nhiều thế kỷ, ngoài các tu viện để truyền bá kiến thức, đã có những “thánh chiến” để truyền đạo, rồi sau thời Columbus, tràn sang cả Mỹ châu.
So sánh hai chiều hướng Đông và Tây, có thể tạm nói khuynh hướng dạy và học ở châu Âu cho phép người học được đặt câu hỏi, với chính mình hoặc với thầy hay các bạn cùng học, về ý nghĩa hay về suy diễn của kinh sách. Nhiều người đạt được những địa vị quan trọng trong việc suy diễn như Aquinas, Francisco hay Loyola trong đạo Công giáo.
Đặc biệt truyền thống Do thái không những cho phép mà còn khuyến khích người học “mổ xẻ” những gì người đi trước đã dạy và suy diễn tiếp cho thời đại của mình. Nhiều rabbi đã nổi tiếng vì họ đã mở rộng những điều giảng dạy của các thế hệ tiền bối.
(Đến đây, người viết tự hỏi không biết có phải vì truyền thống “học hỏi qua tranh luận” này mà sắc dân Do thái, tuy nhỏ bé và bị lưu đầy, hành hạ suốt gần hai mươi thế kỷ, vẫn giữ được bản sắc dân tộc của họ, cả ngôn ngữ và tôn giáo. Rồi từ khi “tái lập quốc” năm 1948 người gốc Do thái trên khắp thế giới đã chiếm nhiều giải Nobel nhất về mọi lĩnh vực? Và ngược lại, họ không coi trọng nghề dạy học lắm, theo như khảo cứu của Varkey GEMS?)
Bên Đông thì khác. Giữa hai học thuyết ảnh hưởng lớn nhất ở Á châu là Phật giáo và Khổng giáo, còn gọi là Nho giáo, thì Phật giáo đi hẳn về mặt tâm linh trong khi Nho giáo phục vụ đắc lực cho mọi triều đại vua chúa ở Hàn quốc, Trung quốc và Việt Nam.
Từ khi giành lại độc lập vào thế kỷ thứ 10, người Việt ta đã mau mắn thu nhận không những Nho giáo và Phật giáo mà còn dùng ngay hệ thống thi cử của Trung quốc để giáo dục các cô cậu quí tộc và chọn người tài ra giúp nước. Trong hơn tám thế kỷ sau đó, bao nhiêu thế hệ các cậu trai Việt đã thoát khỏi cảnh nghèo túng và còn cho “cả họ được nhờ” nữa khi thi đậu những cuộc thi ở kinh đô.
Nhưng khác với lối dạy và học ở phương Tây, ba nước Nho giáo chỉ chú trọng về lời dạy của Khổng tử chứ không cho phép thêm, bớt gì, và nhất là không được phản biện. Có thể lối học từ chương này đã làm chậm lại đà tiến hóa ở ba nước Hàn, Trung, Việt cho mãi đến thế kỷ 20 mới thay đổi được.
Trong lối học này, người thày nắm hết các kiến thức và truyền đạt lại cho học sinh của mình; còn người học thì khá thụ động, học lại những gì thày dạy nhưng ít khi dám đi quá. Rồi khi đi thi thì cẩn thận theo đúng những gì đã được dạy là ý của Khổng tử, ngay cả tránh dùng những chữ húy để khỏi làm phật lòng nhà vua…
Trong không khí và hoàn cảnh đó, đương nhiên người thày nắm phần chủ động: từ lúc chấp nhận cho vào học –được coi là một vinh dự lớn-- đến những buổi học, những bài tập phải hoàn toàn theo ý thày. Môn học cũng chỉ có một: luyện văn, luyện chữ tốt, và thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh.
Ca dao, tục ngữ chỉ biết có một chiều: tôn sư trọng đạo. Không có câu nào nói về trách nhiệm của người thầy đối với học sinh.
Vì thế, cũng không lạ khi xã hội Á châu đặt người thầy lên bục cao, coi như ngang hàng với chính cha mẹ mình.
Thế giới mới
Khoảng hơn nửa thế kỷ nay, tình hình đã thay đổi hẳn. Các môn học trở nên phức tạp hơn nhiều; không còn thầy cô nào có thể một mình dạy cho học sinh tất cả các môn phổ thông. Rồi khoa học ngày càng tiến nhanh hơn, khiến chính đa số các thầy, cô cũng không bắt kịp.
Một thí dụ đơn giản: tôi bắt đầu đi dạy bậc đại học khi các lớp vẫn còn dùng bảng và phấn, khi bài học còn in trong sách, bài đọc thêm còn phải in roneo, và khi nào có một đoạn phim để chiếu trong lớp là một dịp đặc biệt, cần nhiều chuẩn bị.
Ngày nay, tôi biết dùng powerpoint nhưng đôi khi vẫn phải nhờ ban kỹ thuật hay chính các em sinh viên giúp về máy móc trong lớp học. Bài đọc thêm bây giờ ít khi phải in, vì chỉ cần gửi link cho cả lớp là xong.
Ngay cả khi “đứng lớp” tôi thường chỉ cần cho các em từ khóa hoặc tên người hay vấn đề gì, gần như lập tức các em sinh viên có thể truy cập ngay trên mạng được. Chưa kể là các em còn bao nhiêu cửa, qua các mạng xã hội hay các websites, để tiếp cận một “thế giới phẳng” mà chỉ 20 năm trước không ai có thể tưởng tượng nổi.
Tóm lại, việc “tôn sư trọng đạo” trong văn hóa Việt – Hoa – Hàn, tuy được dạy dỗ qua nhiều thế hệ, đã bắt nguồn từ một giới rất nhỏ, nhưng rất ảnh hưởng, trong xã hội, và trong một kho tri thức hạn hẹp.
Rồi từ đó ăn sâu vào văn hóa các nước này và thành đạo đức truyền thống. Ở Việt Nam ta, các thầy như Lê Quí Đôn, Chu Văn An, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Huy Chú, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Dương Quảng Hàm, Trần Quốc Vượng, v.v… là những chứng minh hùng hồn về vai trò của người thầy. Nhưng cho đến khoảng thế kỷ 19, ít có người dân Việt được học với một thầy giáo, mặc dù họ vẫn thấm nhuần đạo đức “tôn sư trọng đạo”, coi như một nghĩa vụ cao quí.
Vậy vai trò mới của người thầy là gì?
Có thể là một người dẫn đường, một người cố vấn, một người cổ vũ… hơn là một người chỉ đạo cho các em.
Ngược lại, các em sinh viên, học sinh cũng phải nhận một vai trò chủ động hơn, vì các em có nhiều thông tin hơn xưa, nhiều chọn lựa hơn xưa, và nhất là xã hội không đòi các em học thuộc lòng Tứ thư hay Ngũ kinh mà buộc các em phải trau dồi nhiều khả năng hơn lúc xưa nếu các em muốn thành công. Và các em sẽ phải học suốt đời chứ không còn thi cử xong, lấy tấm bằng rồi “chữ thầy giả thầy” được.
Không phải là quá đáng nếu có ai nhìn những thay đổi trong tình thầy-trò này như một cuộc cách mạng trong giáo dục.
Như với những thay đổi lớn trong xã hội, một số khá đông sẽ chống lại, có khi do thói quen, có khi vì hiểu lầm đạo đức “tôn sư trọng đạo”, có khi vì ngại không biết tương lai sẽ ra sao.
Nhưng định luật của thay đổi là chúng sẽ túc tắc tiến theo hướng đi của chúng, và chúng ta, cả thầy lẫn trò, cả phụ huynh lẫn quan chức, sẽ phải thích nghi luân lý, tầm nhìn, cũng như lối sống của chúng ta theo hoàn cảnh mới thôi.
TP. HCM, Mùa tôn vinh nhà giáo 2013
- GS Vũ Đức Vượng (Giám đốc chương trình Giáo dục Tổng quát, Đại học Hoa Sen)