VietNamNet đã nhận được hàng trăm câu hỏi của độc giả gửi tới các khách mời tham gia chương trình thảo luận trực tuyến với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam” với khách mời là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và đại diện Ngân hàng Thế giới.

Bắt đầu từ đâu?

“Bước đi đầu tiên để cái cách nền giáo dục Việt Nam phục vụ cho việc phát triển nguồn nhân lực trong thời đại hiện nay là gì?” là câu hỏi mà độc giả Đặng Long gửi tới bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Độc giả Nguyễn Sân thì nhận định “Chất lượng của nguồn nhân lực là từ giáo dục” và đặt câu hỏi “Bộ GD-ĐT đã đầu tư cho giáo dục, giải quyết vấn đề của giáo dục (như bệnh thành tích, không trung thực trong đánh giá, chất lượng ảo) như thế nào để giáo dục tạo nguồn nhân lực có chất lượng?”

Độc giả Nguyễn Thành Trung cho rằng “Các tổ chức Việt Nam chưa làm tốt khâu đánh giá năng lực nhân viên và các nhà quản lý cũng như quá trình xác định nhu cầu đào tạo cũng có nhiều cảm tính. Đặc biệt khâu Return on Investment (ROI) chưa được đo lường một cách xác thực. Vậy cho tôi xin hỏi trong thời gian sắp tới, quý vị có các biện pháp triệt để nào để thực hiện các công việc nêu trên đây không bời vì chúng là cốt lõi của bất kỳ chương trình phát triển nguồn nhân lực nào?”

Định hướng nghề nghiệp

Vấn đề được rất nhiều độc giả quan tâm là công tác định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh phổ thông. “Việc nhận biết năng lực để định hướng cho học sinh do giáo viên hay cha mẹ? Các trường nghề tiếp cận với học sinh và cha mẹ học sinh thế nào? Liệu thu nhập cho học sinh học trường nghề có đảm bảo cho cuộc sống?” là những câu hỏi mà độc giả Nguyễn Tường Vân chờ đợi được giải đáp.

Trong khi đó, độc giả Trung Hậu nhận xét một số sinh viên hiện nay học gần xong đại học mới nhận ra mình có sở thích và đam mê với một ngành khác với ngành bản thân đang theo học và đi làm việc trái ngành hoặc học lại ngành mình đam mê dẫn đến sự lãng phí về thời gian, tiền bạc và sức lực. Câu hỏi mà độc gải này đặt ra với các vị khách mời là “Xin cho biết những nguyên nhân và cách khắc phục?”.

Độc giả Nguyễn Trọng Dung muốn hỏi “Quan điểm của Bộ trưởng về các trung tâm KTTH-HN hiện nay? Vai trò của các trung tâm này trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực?”. Độc giả này cho rằng các trung tâm KTTH-HN ở các quận, huyện trong cả nước đang có vai trò tích cực trong việc hổ trợ đào tạo nhân lực cho các trường phổ thông, tuy nhiên sự quan tâm chỉ đạo của Bộ chưa thích đáng, đang có xu hướng dẹp dần thật đáng tiếc và đề nghị “Bộ trưởng cho biết hướng cũng cố, phát triển các trung tâm này như thế nào?”.

Theo nhận xét của độc giả Đặng Thành, đầu tư tại các địa phương đang phát triển theo kiểu phong trào... và nhìn chung đang phát triển theo ý chí chủ quan của lãnh đạo địa phương. “Xin hỏi Bộ trưởng chúng ta đang thực hiện giải pháp gì trong đào tạo nhân lực để thích ứng với kiểu phát triển kinh tế như vậy?”.

Sắp xếp các vấn đề sau theo thứ tự như thế nào là đề nghị của độc giả Thanh Lâm đối với bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “1/- Đào tạo thật tốt kỹ năng để trở thành người làm thuê suốt đời? 2/- Đào tạo phát triển tư duy để tự chủ động sáng tạo để tạo ra giá trị cho bản thân và cho xã hội. 3/- Đào tạo và rèn luyện đạo đức, thái độ cư xử giữa con người với con người”.

 “Thế giới việc làm luôn thay đổi, nhu cầu kỹ năng từ thị trường luôn thay đổi phải chăng ngành giáo dục đang theo đuổi một mục tiêu di động để đáp ứng với đòi hỏi của thế giới việc làm? Theo Bộ trưởng thì Đề án có nội dung nào mà ông tâm đắc nhất để có thể "bắt " được những mục tiêu di động đó?” – độc giả Hoàng Minh Tuấn đặt câu hỏi

Nỗi lo tụt hậu

Đề nghị WB đánh giá về nguồn nhân lực đào tạo ở Việt Nam, độc giả Hoàng Công Chánh đồng thời nêu câu hỏi: “WB có những giải pháp gì để giúp Việt Nam chuyển từ đăng ký hành nghề sang thi và cấp chứng chỉ hành nghề trong tương lai?”.

Độc giả Nguyễn Thế Anh nêu băn khoăn: “Với chương trình học từ mẫu giáo tới đại học và sau đại học của Việt Nam hiện nay có thật sự nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực cho nước nhà không? Bộ trưởng nghĩ sao khi tấm bằng đại học và sau đại học của Việt Nam lại không được các nước công nhận??

Độc giả Nguyễn Văn Hoàn cũng lo ngại: “Với chất lượng giáo dục như hiện nay, bao giờ nguồn nhân lực Việt Nam duổi kịp được các nước trong khu vực?”

Tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc ở các nước trên thế giới và ở Việt Nam là sự quan tâm của độc giả Nguyễn Thị Thanh Nga nêu câu hỏi về “WB có số liệu so sánh hiệu quả làm việc của Việt Nam với các nước khác trên thế giới không? Hiện nay Tổng cục thống kê đã có số liệu thống kê về số giờ làm việc của người lao động, nhưng đó mới chỉ là thời gian người lao động có mặt ở chỗ làm việc. Rất khó để Việt Nam có thể thống kê được số giờ làm việc hiệu quả. Ý kiến của ông/ bà về vấn đề này như thế nào?”…

Ngoài ra, những câu hỏi mà độc giả gửi về còn đề cập tới hàng loạt vấn đề như đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, đào tạo giáo viên, chế độ chính sách đối với giáo viên, lối thoát cho các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo lại sinh viên tốt nghiệp, việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, vai trò của WB trong thúc đẩy chất lượng và nghiên cứu về nhân lực khu vực công. 

Mời các bạn tham gia đặt câu hỏi và đối thoại với các khách mời trong chương trình thảo luận trực tuyến với chủ đề: Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.

Thời gian: 16h30 ngày 28/11.

Khách mời:

1. Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

2. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại VN

3. Ông Christian Bodewig, Tác giả chính của báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi bằng cách bấm vào đây.

Cảm ơn các bạn.

Hạnh Ngân tổng hợp