- Trả lời câu hỏi "nội dung nào mà ông tâm đắc trong đề án đổi mới giáo dục" để đảm bảo "mục tiêu di động" của thị trường việc làm, Bộ trưởng GD-ĐT đã ví von "giải pháp đổi mới thi cử" sẽ như trận đánh Buôn Mê Thuột của giáo dục trong "chiến dịch" đổi mới giáo dục.

>> Xem phần 1: Những ngôn từ mới của giáo dục
 >> Xem phần 2: Đổi mới sư phạm: Chuyển ưu đãi sinh viên sang người thầy
 >> Xem phần 3: Điểm đột phá của tự do học thuật

Nhà báo Hạ Anh: Câu hỏi của bạn đọc Hoàng Minh Tuấn, 45 tuổi gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thế giới việc làm luôn thay đổi, nhu cầu kỹ năng từ thị trường luôn thay đổi. Phải chăng ngành giáo dục đang theo đuổi một mục tiêu di động để đáp ứng với đòi hỏi của thế giới việc làm?

Theo Bộ trưởng thì Đề án có nội dung nào mà ông tâm đắc nhất để có thể "bắt " được những mục tiêu di động đó? Xin mời ông!

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thứ nhất, đúng là thị trường lao động cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng. Điều đó đòi hỏi những năng lực, kỹ năng, phẩm chất của học sinh, sinh viên được đào tạo ra luôn phải cập nhật đòi hỏi của thị trường. Đó là một đòi hỏi của thời đại và đó cũng là một mục tiêu quan trọng của công cuộc đổi mới.

{keywords}

Tất cả nội dung của đề án đều là những bộ phận không thể thiếu được trong quá trình triển khai đề án này. Tôi không thể nói được cái nào là bắt được mục tiêu đó. Tất cả giải pháp đều phải triển khai đồng bộ. Chỉ có một điều là chúng tôi nghĩ rằng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì nếu anh không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì anh không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác mà triển khai được.

Thứ hai, đổi mới quản lý chúng tôi xác định là một giải pháp đột phá. Bởi vì đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là việc của riêng Bộ GD hay Bộ trưởng, mà là của gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên cùng phải thay đổi. Như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp, tập huấn rất ăn khớp. Mà cũng không phải chỉ có 22 triệu thầy cô giáo, học sinh, sinh viên ngành giáo dục triển khai, mà các ngành các cấp, cả xã hội phải vào cuộc đổi mới giáo dục. Yếu tố quản lý rất quyết định.

Trong ngành giáo dục, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá. Thi cử không phải là mục tiêu, giống như giải phóng miền Nam, giải phóng Ban Mê Thuột hay Huế chưa phải mục tiêu cuối cùng.

Mục tiêu cuối cùng là phải giải phóng toàn bộ miền Nam, là phải vào được Sài Gòn, treo cờ lên phủ Tổng thống ngụy. Nhưng ngay lập tức vào đó thì không vào được, vì lực lượng địch còn mạnh quá, thì phải đánh Ban Mê Thuột để phá vỡ mặt trận Tây Nguyên. Tương tự, đổi mới thi cử không phải là mục tiêu của chúng tôi.

Vì cải cách thi thế nào, nội dung thi ra sao sẽ quyết định cách học, cách dạy, nội dung học, nội dung dạy như vậy. Cho nên, nếu ta tác động vào điểm này thì không chỉ tạo nên sự thay đổi ở điểm ấy, mà nó có giá trị lan tỏa sang những khâu khác. Và điều này có thể làm được ngay mà không cần phải đầu tư nhiều các điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất. Nếu chúng ta chuẩn bị chu đáo thì chúng ta đảm bảo được yếu tố chắc thắng, với điều kiện đảm bảo không quá cao.

Thứ ba, thi cử cũng là một khâu rất bức xúc, cả xã hội đang rất quan tâm. Chúng tôi xác định như vậy để triển khai từng bước một, tạo nên sự thay đổi ở một bộ phận, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống, nhằm tạo ra một sự thay đổi về chất.

Thế còn, thay đổi quản lý thì cả hệ thống phải thay đổi. Nhưng cơ quan Bộ GD-ĐT, nói hình ảnh ra là Tổng hành dinh thì phải thay đổi và nhiều cái phải thay đổi trước để tạo nên xung lực, tiền đề cho sự thay đổi trong cả hệ thống quản lý này. Thế nên, mỗi cán bộ công chức trong Bộ chúng tôi không những phải tự đổi mới mình, mà từ việc tự đổi mới bản thân để tạo nên sự thay đổi của cả cơ quan. Từ đó để tạo nên một động lực, một đầu tàu để có sự thay đổi của cả hệ thống quản lý.

Nhà báo Hạ Anh: Mình có một chương trình hành động để thay đổi đầu tàu đó không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Có chứ. Có chương trình và đang triển khai rồi.

Nhà báo Hạ Anh: Vâng, cảm ơn Bộ trưởng với những chia sẻ rất thú vị. Đại diện Ngân hàng Thế giới có thể chia sẻ quan điểm của mình về đào tạo như thế nào để nguồn nhân lực có thể bắt kịp được những mục tiêu di động này? Xin mời các ông bà.

Ông Christian Bodewig: Những kỹ năng về mặt nhận thức ở cấp độ cao, ví dụ như những kỹ năng về tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hành vi bao gồm kỹ năng làm việc theo nhóm là những kỹ năng của tương lai. Có nghĩa là đây là những kỹ năng đã quan trọng ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng, trong tương lai, nó vẫn tiếp tục quan trọng và không bao giờ lỗi thời.

{keywords}

Cho nên, chúng ta nếu thực hiện thay đổi trong hệ thống giáo dục thì cần thay đổi làm sao để tạo ra được những kỹ năng này, xây dựng được những trình độ kỹ năng tốt trong các khía cạnh đó cho lực lượng lao động. Chúng ta thấy yêu cầu về kỹ năng chuyên môn kỹ thuật thì sẽ có thay đổi, bởi vì công nghệ thay đổi rất nhanh.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy những thay đổi rất nhanh về công nghệ như vậy. Điều quan trọng là làm sao chúng ta có thể thay đổi được hệ thống giáo dục để hệ thống giáo dục nhạy bén với thay đổi của thời đại, của công nghệ…. tạo ra sự tự chủ của cơ quan cung cấp dịch vụ giáo dục, hay là các cơ sở giáo dục đào tạo để họ nhạy bén trước những tín hiệu mà thị trường phát ra.

Khi có những thông tin nói rằng những công ty hoặc nhà tuyển dụng muốn tìm những kỹ năng chuyên môn kỹ thuật nhưng lại không tìm được hoặc thấy không đầy đủ. Thực ra, đó có thể là một điều tốt bởi vì các nhà tuyển dụng luôn mong muốn nhiều hơn là những cái mà họ có thể tìm được trên thị trường. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải đổi mới hệ thống giáo dục để nó nhạy bén trước những tín hiệu trong thị trường cũng như trước những thay đổi của thời đại.

Nhà báo Hạ Anh: Thưa quý vị và các bạn, thời gian giao lưu của chúng ta chỉ có một giờ đồng hồ, trong khi đó lượng câu hỏi vẫn tiếp tục đổ về.

Chúng tôi cũng được biết rằng, ngày mai 29/11 Ngân hàng Thế giới sẽ công bố bản báo cáo quan trọng của mình đã được thực hiện hơn một năm nay, kết hợp qua kênh thông tin VietNamNet cùng với sự nghiên cứu của các đơn vị khác.

Có rất nhiều câu hỏi của các bạn trẻ khác mà chúng tôi đã chọn lọc ra và có câu hỏi của bạn Vũ Điệp như ngay từ đầu đã đưa tới ông Christian. Tuy nhiên có một câu hỏi chung: bà Victoria, bà có thể chia sẻ một cách ngắn gọn nhất với các bạn trẻ Việt Nam làm thế nào để tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường lao động trong và ngoài nước. Xin mời bà!

Bà Victoria Kwakwa: Xin cảm ơn về câu hỏi vừa rồi. Tôi nghĩ rằng những nội dung tôi nói cũng khá tương đồng với một số điểm mà ông Christian cũng vừa nói trong những câu trả lời vừa rồi. Lời khuyên đầu tiên của tôi là, thực sự là các bạn thanh niên cần tự chịu trách nhiệm về tương lai của mình, về số phận của mình. Chúng ta đừng chờ đợi để số phận đến với chúng ta như thế nào, chúng ta chấp nhận như vậy, mà chúng ta hãy quyết định số phận của mình, chúng ta muốn đạt được mục tiêu gì trong cuộc đời mình. Và rồi chúng ta hãy tìm kiếm cơ hội, nguồn lực để thực hiện được điều mình mong muốn.

Chúng ta có rất nhiều người xung quanh như cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp… có rất nhiều người có thể hỗ trợ chúng ta. Hoặc chúng ta có thể tìm nhiều nguồn lực khác nhau để tự giúp mình định hình nên kỹ năng cho mình và tham gia một cách tích cực, hiệu quả trong thị trường lao động cũng như là trong xã hội.

Ý quan trọng ở đây là chúng ta hãy chủ động và nhận ra rằng bản thân mình là một phần của giải pháp để giúp giải quyết tất cả thách thức mà mình gặp phải. Chúng ta cần phải chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, sử dụng thông tin, ví dụ như là thị trường lao động có những phát triển như thế nào… Tất cả những yếu tố tôi nói đều quan trọng.

Vừa rồi chúng ta cũng đã trao đổi với nhau tầm quan trọng của kỹ năng hành vi, làm việc theo nhóm… Tất cả những kỹ năng này cũng phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của bản thân và chúng ta có thể tìm ra nhiều cách khác nhau để tự giúp mình có được những kỹ năng đó. Cũng có nhiều biện pháp, điểm thâm nhập và quan trọng ở đây tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta hãy đặt cho mình trách nhiệm đối với sự nghiệp học tập của chính mình, tương lai của chính mình.

Hãy sử dụng những gì mình học được một cách hiệu quả. Chúng ta phải luôn mong muốn tìm tòi và hãy cố gắng đắm mình trong những trải nghiệm để đạt được mục tiêu trên cơ sở xác định rõ mục tiêu mà mình mong muốn.

Nhà báo Hạ Anh: Thưa quý vị và các bạn, do thời gian có hạn nên chúng tôi chưa thể trả lời hết được câu hỏi của bạn đọc trong buổi giao lưu này.

Một số thông tin khác chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tới khách mời và quý vị sẽ thu xếp thời gian để trả lời.

Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mặc dù rất bận nhưng đã thu xếp thời gian để tới tham gia buổi trực tuyến này. Mặc dù cách đây 5 ngày ông cũng đã tham gia một buổi đối thoại khác ở Đài Truyền hình Việt Nam, chứng tỏ sự quan tâm của ông đối với phản hồi của dư luận trước những vấn đề hệ trọng.

Chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn tới đại diện của Ngân hàng Thế giới đã có những thông tin hữu ích cho độc giả VietNamNet cũng như giới trẻ Việt Nam. Chúng tôi hi vọng buổi công bố thông tin của quý vị vào ngày mai cũng sẽ mang lại giá trị lớn cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam.

Xin cảm ơn quý vị!

Phần 1: Những ngôn từ mới của giáo dục

Phần 2: Cải cách sư phạm: Chuyển ưu đãi sinh viên sang đãi ngộ người thầy

Phần 3: Điểm đột phá của tự do học thuật

Phần 5: "Tại sao người lớn chưa trưởng thành?"

  • VietNamNet