- Đề cập tới những kỹ năng cho nguồn nhân lực đáp ứng sự thành công của tăng trưởng kinh tế trong tương lai, các khách mời của buổi thảo luận trực tuyến nhắc nhiều tới các cụm từ “trải nghiệm”, “phản biện”, “sáng tạo”, “giải quyết vấn đề”.

>> Chuyện 'nóng' trên bàn Bộ trưởng trước giờ trực tuyến

{keywords}

16h30 ngày 28/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa và ông Christian Bodewig, tác giả chính của báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới đã cùng nhau trao đổi với độc giả VietNamNet về chủ đề phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.

Cuộc giao lưu thu hút gần 200 câu hỏi. Các vấn đề từ triết lý giáo dục, tự dohọc thuật, chế độ cho giáo viên, sự tác động qua lại giữa môi trường gia đình –nhà trường, xã hội, kỹ năng cho người lao động tăng tính cạnh tranh, hiệu quả của đổi mới chương trình và sách giáo khoa…đã được đặt ra.

Dưới đây, VietNamNet đăng tải nội dung buổi thảo luận.

Nhà báo Hạ Anh: Bạn đọc Kim Thiện Thanh (20 tuổi) gửi câu hỏi tới các khách mời đến từ Ngân hàng thế giới: Qúy vị đánh giá thế nào về nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay? Thị trường lao động hiện đang đòi hỏi những kỹ năng gì? Xin mời bà Victoria!

Bà Victoria Kwakwa: Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc xây dựng hệ thống kĩ năng tính toán, đọc viết cơ bản cho lực lượng lao động.

Nhìn vào lực lượng lao động trưởng thành sẽ thấy rằng kĩ năng tính toán, đọc viết tốt hơn rất nhiều những nước có cùng trình độ phát triển, cả những nước giàu có, phát triển hơn VN. Và đây là tin tốt về thành tựu của hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu kĩ năng thị trường lao động thay đổi.

Khi chúng tôi trao đổi với các công ty, nhà tuyển dụng thì được biết họ rất vui, thích vì lực lượng lao động VN có kĩ năng tốt về tính toán, đọc viết. Tuy nhiên ,họ mong đợi lực lượng lao động có những kĩ năng hơn nữa.

Cái họ mong muốn hướng tới là kĩ năng nhận thức tức là kĩ năng tư duy phản biện, kĩ năng giải quyết vấn đề.

Và họ nói rằng hiện nay lực lượng lao động ở VN chưa có được một cách đầy đủ những loại kĩ năng như thế này. Họ cũng mong muốn lực lượng lao động VN có kĩ năng hơn nữa về mặt xã hội và hành vi, giao tiếp tốt.

Họ thấy rằng những kĩ năng này cũng chưa phải đầy đủ.

Nhà báo Hạ Anh: Xin cảm ơn bà Victoria.Liên quan đến các yếu tố về kĩ năng, bạn đọc Đồng Viết Tạo (35 tuổi) gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Ông nghĩ sao về câu hỏi: Học để làm gì ? Tôi nhận thấy rằng nguồn nhân lực Việt Nam đang bị "lệch". Rất nhiều người giỏi môn tự nhiên, có tư duy khoa học nhưng lại yếu về môn xã hôi, nhất là kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Ngược lại có không ít người giỏi môn xã hội nhưng lại thiếu đi tư duy khoa học. Chính sự lệch này đã làm hạn chế sự phát triển của mỗi con người Việt Nam nói riêng và cả xã hội nói chung. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân vì sao có tình trạng này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Câu hỏi này có 2 ý.

Tôi thấy rằng, không phải cứ những người giỏi toán lý kĩ năng giao tiếp, khả năng ngôn ngữ kém đâu.

Tôi có những người bạn chuyên gia hàng đầu toán học nhưng còn là nhà thơ, có khả năng về ngôn ngữ. GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Cần có đính chính để các nhà khoa học không tự ái.

Nhưng đúng là hiện nay học sinh đang học lệch.

Có cháu chú trọng toán, lý, hóa, các môn khoa học tự nhiên. Một số chú trọng khoa học xã hội. Đại bộ phận các cháu đang rất chú trọng học tiếng Anh, tin học.

Vì sao lại vậy? Do cách thức thi tuyển sinh đại học quyết định. Thi như thế nào, các cháu sẽ học như vậy.

Học lệch sẽ ảnh hưởng toàn bộ quá trình phát triển và hình thành nhân cách, năng lực và phẩm chất chứ không đơn giản là biến người giỏi toán không nói được và người nói được không biết tính toán.

Điều này khiến tất cả các năng lực, phẩm chất, kĩ năng của người lao động trong tương lai bị ảnh hưởng.

Như bà Victoria vừa nói, nguồn lao động VN giỏi lý thuyết nhưng khả năng thực hành cũng lệch.

Sắp tới, chúng tôi sẽ cân chỉnh làm sao cân đối kiến thức và tay nghề. Trong đó, chú trọng các kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, khả năng phát huy tư duy sáng tạo.

Nhà báo Hạ Anh: Cảm ơn Bộ trưởng. Liên quan đến vấn đề kĩ năng, bộ trưởng đã dẫn ví dụ” văn võ song toàn” của GS Ngô Bảo Châu. Nhưng với số đông thanh thiếu niên VN, hiện tượng một người tụ hội nhiều kĩ năng như GS Châu không phải là phổ biến. Trong các buổi giao lưu về chủ đề nguồn nhân lực, VietNamNet nhận được nhiều câu hỏi của các bạn trẻ đề nghị tư vấn. Đây là một câu hỏi như vậy. Em muốn trang bị kỹ năng tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề thì phải làm sao? Cần đọc những sách gì, làm gì để có được những kỹ năng ấy. Làm thế nào để phát triển cân bằng giữa việc tiếp thu các kiến thức mới và các kiến thức nhà trường đang giảng dạy, với việc duy trì khả năng tư duy sáng tạo bản thân?

Ông Christian Bodewig: Với câu hỏi này, có thể nói độc giả đã tự ý thức bản thân, chủ động. Như vậy, chứng minh bạn mạnh kĩ năng hành vi rồi. Đây là kĩ năng rất được thi trường lao động đánh giá cao.

Còn các kĩ năng tư duy lô-gic, giải quyết vấn đề không phải loại kĩ năng có thể xây dựng thông qua việc đọc sách này hay sách kia. Đây là sản phẩm phụ của toàn bộ quá trình học tập cũng như hình thành nhân cách, phát triển hành vi chung.

Điều đó đòi hỏi chúng ta phải chủ động tìm kiếm nhiều trải nghiệm khác nhau trong quá trình học tập cũng như đời sống thực tế. Tôi xin gợi ý chúng ta nên tìm kiếm cơ hội thực tập để cọ xát, trải nghiệm thực tế kết hợp giáo dục ở trường đại học.

Chúng ta cũng cần tư duy phản biện. Muốn như vậy, cần nghiên cứu và biết các nội dung chuyên môn, nội dung giáo dục mà chúng ta mong muốn theo đuổi. Cần có sự lựa chọn tốt và phải tìm hiểu đầy đủ thông tin cho mình.

Nhà báo Hạ Anh: Theo dõi chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” trên Đài Truyền hình Việt Nam tối 24/11, bạn đọc Nguyễn Hùng (30 tuổi) gửi tới Bộ trưởng câu hỏi như sau: Ông đã từng nói "Chúng ta sẽ tạo dựng thế hệ có sự tự chủ, tự tin viết, trình bày, diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời có khả năng lắng nghe, tiếp thu cái hay, tốt của đồng nghiệp, bạn học, những người xung quanh và sau này của cả thế giới để làm giàu trí tuệ và khả năng làm việc của mình". Theo Bộ trưởng, làm thế nào để chúng ta có thể đào tạo được thế hệ trẻ như vậy?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về phía ngành giáo dục, để thực hiện phải thay đổi nhận thức, tư duy bao gồm nhận thức tư duy về giáo dục, vị trí, vai trò của giáo dục rồi nhận thức về cách làm giáo dục.

Trên cơ sở đó, phải tổ chức việc thay đổi mục tiêu, nội dung chương trình dạy và học, cách thức tổ chức đánh giá kiểm tra thi cử với học sinh ở các bậc học.

Như ông Christian vừa nói sẽ phải tạo lập cho học sinh từng bước có thói quen chủ động ý thức tự học hỏi, không phải trên lớp, chỉ nghe thầy mà có khi học bạn.

Người Việt Nam mình có câu “học thầy không tày học bạn”. Không chỉ nhà trường mà học trong thực tiễn, cuộc sống xung quanh, thư viện, sách vở.

Cái thứ hai là phải trải nghiệm. Giai đoạn đầu, học sinh được trải nghiệm theo một tổ chức là nhà trường, theo sự hướng dẫn cha mẹ, ông bà. Khi tới một độ tuổi nào đấy, các cháu sẽ tự trải nghiệm, tự đúc rút kinh nghiệm mà chúng ta gọi là “kĩ năng mềm”.

Như vậy sẽ có việc của nhà trường, thầy cô, cha mẹ và xã hội. Quan trọng là vai trò của người học phải ở tâm thế chủ động, ý thức sẵn sàng học, học có chủ đích, có chọn lọc trong cả quá trình học tập và sống của mình.

Phần 2: Cải cách sư phạm: Chuyển ưu đãi sinh viên sang đãi ngộ người thầy

Phần 3: Điểm đột phá của tự do học thuật

Phần 4: “Trận Buôn Mê Thuột” của giáo dục

Phần 5: "Tại sao người lớn chưa trưởng thành?"


VietNamNet