- Cô giáo Vương Thị Thùy cười mà nước mắt cứ rơi: “Mình mất dây thần kinh xấu hổ từ lâu rồi. Đồng nát, lau nhà, ô sin làm gì kiếm được đồng tiền lương thiện nuôi chồng bị bệnh ung thư tôi làm hết...”.
Rao bán nhà, đi nhặt rác
Tới nhà gặp cô Thùy lúc trời quá trưa. Ngôi nhà nhỏ nằm ven đường Phù Sa, phường Viên Sơn, TX Sơn Tây (Hà Nội). Nhà nhỏ mái lợp fibro xi măng, ngoài cổng là hai chữ “Bán nhà” kèm số điện thoại của cô.
Sáng đi dạy, chiều cô Thùy lại đi nhặt rác, cân đồng nát. (Ảnh: Văn Chung). |
“Thời điểm này nhà đất trầm lắng. Người mua biết mình có chồng ốm, nợ nhiều nên nhà rộng 80m2 mà họ trả chỉ 500 triệu. Nếu vừa bán vừa cho cũng phải hơn thế một hai giá” – cô Thùy cho hay. Bán được nhà cô sẽ dắt con về ở nhà bà nội cách đó 7km (ở làng Đường Lâm).
Tin dữ đến với cô ngày 27/11/2012 khi hàng xóm cho hay anh Phạm Văn Mạnh (chồng cô) sắp nguy rồi vì đi ngoài ra máu. Từ quê ngoại Ứng Hòa (Hà Nội) cô vội vã về đưa chồng đi cấp cứu. Tại đây, bác sĩ phát hiện anh Mạnh có khối u lớn. Mẫu bệnh phẩm được gửi đi bệnh viện K (Hà Nội) xét nghiệm.
Cô gần như suy sụp khi nhận kết quả chồng bị ung thư đại tràng giai đoạn 3... Những ngày sau đó cô phải theo chồng ra bệnh viện K điều trị, truyền hóa chất. Định kỳ một tháng 2 lần, mỗi lần từ 5-10 ngày.
Anh Mạnh nằm viện, việc dạy tại Trường THCS Trung Hưng (TX Sơn Tây) phải dừng lại. Tất cả trông vào lương GV mỹ thuật của cô tại Trường TH Viên Sơn mỗi tháng 3 triệu đồng.
Từ ngày chồng ốm đến nay tiền vay mượn đã đã đội lên gần 700 triệu đồng...
Thương chồng, xót con cô chẳng còn cách nào ngoài treo biển bán nhà lo trang trải nợ nần. Cũng từ khi chồng đau ốm, sáng lên lớp, chiều cô đội nón đạp xe đi nhặt rác, mua đồng nát quanh thị xã.
Thành quả sau buổi đi nhặt rác, cân đồng nát của cô giáo Vương Thị Thùy (Ảnh: Văn Chung). |
Ngày nào đi cùng chồng đi điều trị thì mang xe đạp vào trung tâm thành phố hành nghề. Ai thuê làm ô sin, lau nhà, quét vôi cô cũng nhận. Buổi tối cô nhận kèm thêm vài trẻ hàng xóm môn mỹ thuật, một tuần 2-3 buổi
Cô tâm sự: “Những buổi đi đồng nát thường chỉ được lãi 20.000 đồng – 30.000 đồng. Có buổi nào may mắn người ta thương tình cho ít sắt vụn hay vỏ chai nhựa, giấy thừa. Dạy kèm trẻ mình chỉ lấy 10.000 đồng – 15.000 đồng/2 tiếng dạy/1 cháu, dạy để giữ lửa đam mê nên thu nhập cũng chẳng là bao...”
Không gục ngã
Gia đình nội ngoại hoàn cảnh khó khăn, những ngày ốm đau ông bà hai bên chỉ giúp vợ chồng cô chăm con nhỏ, lo cho các cháu bữa ăn giấc ngủ.
Cô giáo Vương Thị Thùy bên con trai Phạm Trường Thành (Ảnh: Văn Chung). |
Chị như con thoi chạy từ Sơn Tây lên bệnh viện K rồi qua nhà nội, ngoại với các con. Nhà anh ở Đường Lâm (TX Sơn Tây) cách nhà chị ở Ứng Hòa gần 80km...
Vất vả và lo toan khiến cô già hơn nhiều so với tuổi 33 của mình. “Nhiều đêm nằm viện trông chồng mà nước mắt cứ rơi, rồi nghĩ quẩn. Nhưng thương chồng, con cô lại gắng gượng vượt" - cô nói.
Ngồi ôm cậu con trai lớn Phạm Trường Thành (8 tuổi), cô tâm sự: “Anh Mạnh bảo thôi cho anh về nhà nằm chờ chết, đằng nào cũng không cứu được. Mình cười khích anh “vợ trẻ, con ngoan thế này mà anh đi đâu. Có người không ốm đau tự nhiên tai nạn ra đi. Có người bệnh tật nhưng sống vài chục năm. Anh mà đi có người lấy em đấy”. Anh nắm tay vợ, nhìn âu yếm “thôi, tùy em”.
Nhận xét về đồng nghiệp, Hiệu trưởng Trường TH Viên Sơn Đào Kim Oanh xúc động: “Cô Thùy là giáo viên có chuyên môn vững, một tấm gương sáng về nghị lực. Những ngày đầu chồng đi trị xạ cô được trường tạo điều kiện bố trí người dạy thay. Nhà trường cũng trích quỹ vòng tay đồng nghiệp để chia sẻ khó khăn với gia đình cô”.
Tuy nhiên với đồng lương giáo viên ít ỏi, quãng đường phía trước với cô Thùy còn nhiều gian nan.
Nhưng, giờ chỉ mong chồng khỏe, bệnh không tái phát hay nặng thêm...."Vất vả thế nào tôi cũng cam lòng chỉ mong anh ở lại với vợ con thật lâu...." - chị nghẹn ngào.
- Văn Chung