- Thầy Nguyễn San Hà, GV Trường THCS Võ Trường Toản (Q1,TP.HCM) nhìn nhận có những công việc “khủng khiếp” mà giáo viên phải làm là do có trăm việc không tên.

Thầy Hà cho hay, GV không chỉ đến trường để dạy mà còn kiêm nhiệm nhiều việc như chủ nhiệm, quản lý chuyên môn, làm các thủ tục giấy tờ mang tính chất hành chính.

Thầy Hà dẫn lời một người đồng nghiệp: “GV làm đủ thứ việc và tham gia không biết bao nhiêu hoạt động trong trường. Từ việc soạn giáo án, tham gia các phong trào, các cuộc thi, họp hành đến cả việc thu tiền BHYT của học sinh…tất cả đều phải làm (không làm bị trừ điểm thi đua).

{keywords}

Thầy Nguyễn San Hà

“Có những việc nhỏ, không phải chuyên môn nhưng vì yêu cầu của hiệu trưởng, thành tích của nhà trường chúng tôi cũng phải mang về nhà làm với nhiều áp lực và thời gian” - thầy Hà nói.

Nghịch lý ở chỗ những phong trào thi đua giúp GV rèn luyện nghiệp vụ, kĩ năng sư phạm trau dồi kiến thức như: làm sáng kiến, thao giảng, thi giáo viên giỏi, làm đồ dùng dạy học…chỉ dừng ở mức phong trào.

Chính tính chất “phong trào” như vậy nên có việc giáo viên sao chép từ internet, tiết dạy mang tính biểu diễn, khiến lửa nghề bị tắt. Trong khi những GV say mê nghiên cứu thì vướng phải thanh tra, dự giờ, thăm lớp của chuyên viên…

Chúng tôi bị áp lực mưu sinh của thời buổi vật giá leo thang, đồng lương eo hẹp (đặc biệt đối với giáo viên trẻ mới ra trường) mà nguyên nhân xuất phát từ chính chế độ đãi ngộ của nhà nước. Ngoài việc dạy, các GV môn không có học sinh học thêm, môn không thi tốt nghiệp phải tìm kiếm làm thêm kiếm thu nhập trong khi những giáo viên dạy môn tóa, lý hóa, văn, ngoại ngữ thì tìm kiếm học sinh học thêm, dạy thêm để có thu nhập.

Đứng góc độ sư phạm, giáo án chỉ là một thủ tục hành chính. Theo quy định cứ 4 năm GV phải thay giáo án mới nên có nhiều GV chỉ lên mạng tải về và chỉnh sửa lại theo ý mình. Khi soạn giáo án, GV sẽ trình bày được hệ thống kế hoạch và định hướng của mình, tuy nhiên tùy vào lớp học và phải linh động. Ví dụ lớp giỏi phải phát triển hơn so với giáo án soạn ra, lớp dở buộc phải tinh giảm để đưa được cho các em những kiến thức trọng tâm. Như vậy giáo án rất cần được xem là một kế hoạch chứ không phải là cái để “trình làng” và hình thức hóa.

Hiện nay chúng tôi chịu cơ chế quản lý từ trên xuống, việc đánh giá này lại mang tính chất hành chính. Tức là ở trên người ta cử ra một số người và những người này đi dự giờ, xem giáo viên đó dạy có tốt hay không, thậm chí có những người đi dự giờ này cho rằng dạy tiết đó phải dạy như tôi, hoặc dạy như thế này chứ không phải dạy như anh chị…

Từ kinh nghiệm thực tế, thầy Hà đề xuất, muốn đổi mới phương pháp dạy học thì phải đối mới từ chính người quản lý. Người quản lý có thể là đầu tàu, kéo toàn bộ hệ thống trường lớp, hoặc trở thành vật cản đổi mới của các GV. Vì vậy người quản lý cần sự khéo léo, ví dụ GV chưa đạt thì phải nói đánh giá thế nào để có sự khích lệ, không nên dùng quyền lực để áp đặt.

Thêm nữa, cần phải xem lại việc dạy và học ở trường sư phạm. Trong trường sư phạm, ngay từ khi ngồi trên ghế sinh viên đã có những tiết dạy, tiết thực tập cho các giáo sinh kĩ năng soạn giáo án bằng chính năng lực của mình. Thời tôi còn đi học, trường ĐH đã từng mời một GV về dạy, nhưng tiết học rất mơ hồ, dẫn đến sinh viên “bị động”, có trường hợp phải cóp nhặt trên mạng về, làm bài đối phó.

Vì vậy ngay từ trên nhà trường sư phạm, sinh viên phải được rèn luyện về kĩ năng soạn giáo án và nếu sinh viên tự tin rằng những giáo án này có thể đi vào thực tế qua thực tập, tập sự thì ra trường họ sẽ không ngần ngại công việc này.

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay nghề giáo không còn “hot”, ai còn bám lớp, bám trường đó là một sự cống hiến lớn, muốn cống hiến hơn nữa phải có sự đãi ngộ xứng đáng.

Chúng tôi chỉ cần sự thừa nhận, coi trọng. Khi đó GV có thể dồn hết thời gian, công sức để dạy học; điều này thể hiện rất rõ khi có chuyên đề, thao giảng, GV đã làm hết mình vì danh dự nhà trường, cho sự học của các em học sinh.

  • Lê Huyền (ghi)