- Tiếp tục chia sẻ về việc “khủng khiếp”, nhiều người theo nghề giáo cho rằng giáo án chỉ nặng trong tư tưởng, suy nghĩ.

Thầy Nguyễn Đình Phúc, Trường THPT Phan Thúc Trực (Nghệ An) cho rằng, công việc của giáo viên đúng là rất nhiều, từ lo hồ sơ, dự giờ, thao giảng, hội họp, tự học. Ngoài ra, giáo viên chịu nhiều áp lực từ lãnh đạo, phụ huynh, học sinh và cả dư luận xã hội trong khi lương bổng thấp, không đủ sống…

"Tuy nhiên, công việc trên là đặc thù của nghề giáo và các nghề khác cũng chịu áp lực chứ không riêng ngành giáo dục" - lời thầy Phúc.

{keywords}
Hình ảnh có tính chất minh họa

Giáo viên không thể đổ lỗi do đời sống khó khăn, nhiều công việc nên không tự học. Theo thầy Phúc, giáo viên phải nhận thức được, tự học là đạo đức bởi đó là lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, tự trọng của nghề giáo. Không tự học, sẽ tự đào thải, trước khi bị đào thải, con em nhân dân không được thụ hưởng những thành quả tri thức từ những ông thầy mệt mỏi, tụt hậu” .

Đồng quan điểm, cô Đặng Thị Hiệp - giáo viên một trường ở TP Nha Trang nhìn nhận: “Đã làm giáo viên là phải soạn giáo án. Giáo án gắn với sự nghiệp của người giáo viên và yếu tố tất yếu không thể thiếu để giáo viên ghi chép lại suy, nghĩ cảm nhận của mình chuẩn bị cho bài dạy tốt hơn”.

Việc nói giáo án nặng, khủng khiếp chỉ là nặng trong tư tưởng, suy nghĩ: “tư tưởng không thông thì đeo bi đông cũng nặng”.

Có một thực tế là bất cứ nghề nào cũng than khổ và luôn nhìn vào điểm khổ, điểm dở để mà than thở, trong khi không chịu nhìn vào điểm tốt để phát triển.

Từ khủng khiếp đến dối trá?

Theo cô Hiệp, giáo viên có những "việc trăm tên" là do sự áp đặt từ trên xuống của Bộ, Phòng, Sở GD-ĐT không cho giáo viên được nhìn theo quan điểm riêng của từng người.

Chính Bộ, Sở, Phòng GD- ĐT áp đặt, bắt giáo viên nộp quá nhiều sổ sách giấy tờ không đáng có, khiến giáo viên biến cái không có “nặn” thành cái có.

Điều này vô hình chung khiến nền giáo dục trở nên rập khuôn và đang tập cho giáo viên thói dối trá, dối trá để đối phó.

"Nếu Phòng GD- ĐT bảo tôi nộp giáo án, chỉ trong 1 đêm tôi có thể nộp và tất cả giáo viên đều làm như vậy. Vì Bộ giáo dục chấp nhận như vậy và Bộ khai sinh ra sự dối trá này. Họ cũng không đòi hỏi hơn mà chỉ là nộp cho có, nộp mà không có người đọc và cũng không ai phanh phui ra giáo án sơ sài” - lời cô Hiệp.

Ở góc khác thầy Phúc cho rằng, do công việc nhiều đòi hỏi người giáo viên phải biết bố trí khoa học, có phương pháp làm việc, phân bố thời gian; làm nghiêm túc, trách nhiệm, hợp lý thì công việc không thể ứ đọng đến mức không giải quyết được.

Trên thực tế có những giáo viên miệt mài, chăm chút cho nghề, luôn lo lắng để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng có bộ phận chưa nghiêm túc làm việc, đến lúc lãnh đạo kiểm tra thì đổ lỗi cho khách quan như bận gia đình, chồng con, công việc nhiều quá không làm nổi.

Còn theo cô Hiệp, một giáo viên tâm huyết sẽ biết giáo án nằm trong đầu, trong tim, trong não là giáo án đích thực. Giáo án đó đã được tích lũy trong một quá trình từ học tập, tích lũy và cuối cùng là nhả tơ giống như con tằm.

"Xưa giáo viên soạn giáo án, viết giáo án bằng tay vẫn thấy vui. Nay có giáo án điện tử, công nghệ thông tin giúp cho giáo viên nhàn đi, khỏe hơn. Nghề giáo không mệt, thậm chí còn đẹp, đẹp đúng nghĩa, đẹp tâm hồn, hình thức vì đây là nghề cao quý" - cô Hiệp nhìn nhận.

  • Lê Huyền