- Trao đổi với VietNamNet chiều 17/12, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết “không cầm được nước mắt trước những hình ảnh bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non ở cơ sở tư thục Phương Anh..."

Cảm xúc của bà như thế nào khi xem xong clip bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non ở TP.HCM?

- Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Tôi cùng mấy chị em đã xem và không cầm được nước mắt. Hành vi bạo hành trẻ như vậy là không được. Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo xử lí, kiểm tra, phối hợp với chính quyền UBND quận Thủ Đức báo cáo Bộ. 

{keywords}

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (Ảnh: Dân trí).

Ngay hôm nay 17/12 họ đã có báo cáo. Vi phạm ở nhóm lớp này đã bị xử lí, yêu cầu dừng hoạt động từ trước đó.

Nhóm lớp chưa được cấp phép dù cô Phương (chủ nhóm lớp) có trình độ đại học mầm non nhưng cô Thiên Lý và cô Điều chưa qua đào tạo, các điều kiện cơ sở vật chất cũng chưa đảm bảo nên chưa được cấp phép. Mặc dù vậy họ vẫn treo biển và lén lút đón trẻ dạy.

Các cá nhân tùy mức độ vi phạm đã bị đề nghị xử lí hình sự, kiểm điểm công tác quản lí trên địa bàn.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đầu năm họ đã phối hợp với chính quyền các quận huyện rà soát các cơ sở mầm non công lập và ngoài công lập. Qua kiểm tra cũng phát hiện nhiều nhóm lớp chưa cấp phép và yêu cầu các huyện cho thời hạn khắc phục hạn chế trong tháng 12/2013. Nếu nơi nào không đảm bảo sẽ đề xuất ngừng cấp phép hoạt động.

Hiện Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có tham mưu cho thành phố ra văn bản chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non. Họ sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể công việc này.

Hạn chế vi phạm bằng biện pháp nào

Từ sau vụ bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non được báo chí phanh phui hồi 2008, đến nay đã có hàng loạt vụ việc trẻ mầm non bị hành hạ khiến dư luận bức xúc. Về phía cơ quan quản lí, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo cụ thể nào để xử lí, hạn chế những sự việc đau lòng như trên, thưa bà?

{keywords}

Hình ảnh trẻ mầm non bị bạo hành tại TP.HCM (Ảnh: Tuổi trẻ)

- Nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh đặc biệt là nơi khu công nghiệp, khu chế xuất như TP.HCM, Hà Nội là nơi dân nhập cư cơ học đông có nhu cầu gửi trẻ lớn.

Với số trẻ tăng nhanh, dự báo rất khó. Do trường lớp công lập chưa thể đáp ứng nổi nhu cầu người dân nên phải xã hội hóa.

Bộ đã cố gắng ban hành như văn bản pháp lí tạo điều kiện cho các cơ sở này hoạt động như quy chế trường mầm non tư thục trong đó có quy định về các nhóm lớp để huy động các tổ chức, nguồn nhân lực tham gia chăm sóc trẻ em.

Nhưng quả thực những địa bàn này rất nhiều nhóm lớp hoạt động không phép, không đủ các tiêu chuẩn quy định.

Để xảy ra sự việc có trách nhiệm của địa phương khi chưa kiểm soát được tình trạng này.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh trách nhiệm chính quyền địa phương và đặc biệt ở các khu công nghiệp phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh. Nhiều người mở lớp mầm non chỉ để kinh doanh mà không quan tâm tâm lí, tình cảm, nhu cầu của trẻ.

Xem clip tôi rất đau lòng vì bạo hành khiến trẻ rất sợ hãi, ảnh hưởng tâm lí về sau.

Tháng 3 tới đây, Bộ sẽ tổ chức hội thảo về quản lí các cơ sở mầm non ngoài công lập, đặc biệt là quan tâm các nhóm lớp. Đây là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, thu thập thông tin, đề xuất giải pháp quản lí tốt hơn nữa.

Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ, các địa phương khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, chế xuất nhất định phải có trường lớp cho trẻ mầm non.

Bộ không dễ dãi

Theo phản ánh của nhiều địa phương, quy định của Bộ GD-ĐT còn dễ dãi khi muốn mở nhóm lớp mầm non chỉ cần tốt nghiệp THCS (lớp 9). Ý kiến của Bộ GD-ĐT về phản ánh này như thế nào, thưa bà?

- Nhiều người phàn nàn, Bộ quy định lỏng lẻo. Trong đó chủ nhóm lớp chỉ cần tốt nghiệp THCS. Từ quy định này dẫn đến nhiều nhóm lớp để xảy ra sai phạm.

Thực tế không phải như vậy. Quy chế trường tư thục ban hành từ 2008 trong bối cảnh giáo dục mầm non còn nhiều khó khăn. Trong khả năng ngân sách hạn hẹp của mình, trước hết Nhà nước mới quan tâm nhiều hơn đến giáo dục mầm non 5 tuổi, thứ đến là 3-4 tuổi. Độ tuổi nhà trẻ không chỉ nước mình mà nhiều nước phát triển cũng xã hội hóa rất lớn.

Quy định nếu trường mầm non mở, người chủ phải có trình độ trung cấp sư phạm mầm non. Nhưng nhóm lớp điều kiện chăm sóc số lượng trẻ ít, thường bộ quy định dưới 50 trẻ, chủ nhóm lớp trình độ THCS trở lên. Quy chế cũng quy định muốn mở nhóm lớp phải đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo điều lệ trường mầm non, đội ngũ giáo viên cũng phải được đào tạo từ trung cấp sư phạm mầm non trở lên.

Những vi phạm vừa qua chủ yếu do họ không tuân thủ quy định của Bộ, cố tình mở chui.

Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến từ địa phương, nhà quản lí, nhà giáo để xem xét điều chỉnh tăng hơn nữa trình độ của chủ nhóm lớp.

Với sự phát triển nhanh của dân số và các nhóm lớp mầm non ngoài công lập nhưng thanh tra giáo dục quá mỏng dẫn tới quản lí vừa thiếu vừa yếu. Tới đây bất cập này có được lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem xét, giải quyết?

Sự việc vừa xảy ra là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta. Chúng tôi cũng mong cha mẹ nên lựa chọn cẩn thận lớp học cho các con. Nhiều phụ huynh chỉ gửi con vì phí rẻ mà chưa để ý đến an toàn cho con.

Về quản lí, chủ nhóm lớp muốn mở lớp phải gửi hồ sơ phường xã kiểm tra rồi đến phòng giáo dục đồng ý, và phường cấp phép hoạt động, rất chặt chẽ.

Đúng là đội ngũ thanh tra của phòng GD-ĐT các địa phương mỏng nhưng cần phải đề cao vai trò của các cấp ủy địa phương, cộng đồng dân cư. Một mình phòng GD-ĐT e khó làm.

Xin cảm ơn bà!

  • Văn Chung(thực hiện)