Hành vi đối xử tàn nhẫn với trẻ em tại cơ sở mầm non có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác quy định tại điều 110 Bộ luật Hình sự.

TIN BÀI KHÁC

Thời gian qua, hàng loạt sự việc diễn ra trong đời sống xã hội, có liên quan và báo hiệu sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa ứng xử và đạo đức xã hội. Vài ngày qua, tại Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, hoạt động không phép tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra cảnh hành hạ trẻ em một cách tàn nhẫn. Bất cứ ai hay tin cũng không thể tượng tượng được trong xã hội văn minh hiện đại, lại vẫn còn tồn tại những cách hành xử quá độc ác, vô nhân tính như vậy.

Có thể những người giữ trẻ ở cơ sở này chưa được đào tạo qua nghiệp vụ sư phạm, có thể họ chưa có chồng, có con để hiểu được tình thương của một người cha, người mẹ dành cho con cái. Có thể họ không có một tuổi thơ đẹp để cảm nhận được tình cảm gia đình. Và chắc chắn họ không thể hiểu được nổi đau xé lòng của người cha người mẹ khi biết con mình bị đối xử như vậy. Vì nếu hiểu được, họ đã không hành xử độc ác như vậy!

{keywords}
Hình ảnh cắt từ clip của báo Tuổi Trẻ

Nhưng, nếu những giả thiết đó là sự thật, thì họ cũng không thể dùng nó để biện minh cho hành vi vô nhân tính của mình. Những hành động “bóp cổ” “gí đầu” “lấy khăn bịt mũi” “tát vào mặt” … chỉ có thể có ở thời trung cổ, càng nghĩ càng thấy xót xa. Họ có thể tự tước đi lương tâm, đạo đức trong con người họ, nhưng họ không được phép đứng trên những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử chung của xã hội, họ cũng không thể đứng trên pháp luật để có những hành xử như vậy. Đó là tội ác!

Chắc chắn, những hành vi này sẽ bị xã hội lên án và pháp luật trừng trị nghiêm minh. Hành vi đối xử tàn nhẫn với trẻ em tại cơ sở mầm non có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác quy định tại điều 110 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt áp dụng cho hành vi này có thể từ một đến ba năm vì có hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình và người đó là trẻ em. Ngoài ra, nếu hành vi này gây thương tích cho trẻ, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự.

Thực trạng trên, cho thấy, không phải pháp luật không điều chỉnh những hành vi có liên quan đến sự xuống cấp văn hóa ứng xử và đạo đức xã hội, mà có mối quan hệ nhất định giữa vấn đề thực thi pháp luật và hành vi ứng xử. Nếu có những vụ “hôi của” trước đó bị khởi tổ chắc chắn sẽ giảm bớt tình trạng ‘hôi của” trắng trợn như ở Đồng Nai vừa qua. Nếu công tác quản lý, thanh, kiểm tra hoạt động mầm non tư thục tốt, thì không thể xảy ra tình trạng, một cơ sở không phép hoạt động không phép công khai giữa lòng thành phố như trường hợp này và sẽ không có những hậu quả đáng tiếc như ngày hôm nay.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng, thành phố Hồ Chí Minh