- Sau
clip hành hạ trẻ mầm non gây chấn động lộ sáng có rất nhiều vấn đề đặt ra
trong quản lí, cấp phép. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, trước mắt phải có đủ chỗ học cho trẻ.
Phụ huynh mất niềm tin
Clip ghi lại hình ảnh 2 bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh ở quận Thủ Đức liên tục tát vào mặt, bóp cổ, ghì đầu các em nhỏ xuống đất trong lúc cho các em ăn khiến dư luận phẫn nộ.
Ảnh cắt từ clip gây rúng động |
Việc bị bạo hành trong thời gian dài sẽ có tác động xấu đến tâm lý của đứa trẻ và sự phát triển về lâu dài.
Sau khi những hình ảnh kinh hoàng về việc các bảo mẫu của nhóm lớp mầm non tư thục Phương Anh đánh trẻ dã man lan truyền rộng rãi, nhiều phụ huynh lo lắng, không dám cho con đến trường.
Chị Nguyễn Thúy Ngà, quê ở Kiên Giang, cũng là công nhân đang sống trong con hẻm đối diện nhóm lớp Phương Anh, hôm nay cũng “rút” đứa con hơn 1 tuổi đang gửi ở một nhóm trẻ gia đình, về nhà.
Chị Ngà lo lắng: “Thấy người ta hiền lành vậy mà còn đánh trẻ em tàn nhẫn, tôi không dám tin vào ai nữa.
Bạn bè của chị Ngà có con học ở các nhóm trẻ gia đình khác cũng đã mang con về nhà và nghỉ làm mấy hôm nay để trông con vì sợ.
Không gửi con ở cơ sở Phương Đông - nhưng gia đình chị H. (Song Phương – Hoài Đức – Hà Nội) đón 2 con nhỏ ở một cơ sở trông trẻ tư về, dù trời lạnh buốt nhưng chị xoay người con, bới chỗ này, tìm chỗ kia.... Giải thích về điều đó chị nói “Xem clip đánh trẻ, không phải con mình mà còn ứa cả nước mắt ra. Nên phải cảnh giác chứ chuyện đến rồi trách đươc ai?
"Sau clip hành hạ trẻ đó tôi chẳng biết tin vào đâu, liệu có bảo mẫu tốt?” - chị H. thở dài.
Các nhà quản lí nói gì?
Sự việc bạo hành trẻ kinh hoàng xảy ra tại cơ sở giữ trẻ Phương Anh cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý hoạt động của các nhóm trẻ gia đình.
Đã rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra tại các nhóm trẻ gia đình. Nhưng chính ngành giáo dục nhiều địa phương tại TP.HCM cũng thừa nhận rất khó quản lý các nhóm trẻ gia đình, nhất là các nhóm trẻ tự phát không giấy phép.
Báo Tuổi trẻ thuật lại buổi việc ngày 18/12 với quận Thủ Đức - Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà yêu cầu lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Thủ Đức làm rõ thêm về vụ hành hạ trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà phát biểu tại buổi làm việc ngày 18/12 - (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Tại buổi làm việc, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương cho biết trong quá trình xử lý, quận đã biết cơ sở trái phép rồi nhưng giải pháp không quyết liệt. “Phòng giáo dục quận phải có mạng lưới kiểm tra. Bây giờ anh đổ cho người ta làm chui, dẫn đến chuyện vừa rồi chết một em (vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đạp vỡ tim trẻ 18 tháng tuổi ở quận Thủ Đức) rồi tới chuyện lần này. Lần này còn có clip đưa lên nên thấy rất khủng khiếp. Rõ ràng quản lý của mình sơ hở. Trực tiếp chịu trách nhiệm ở địa phương là phòng giáo dục. Sở GD-ĐT cũng phải chịu trách nhiệm”.
Còn ông Trần Trung Dũng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH, bày tỏ quan điểm: “Vụ này chấn động lắm. Tôi đề nghị phải rút kinh nghiệm: cơ sở nào có phép thì phải hậu kiểm. Cái nào không phép thì cương quyết đình chỉ.... Đồng thời, tham mưu ủy ban xử lý thật nghiêm theo luật hình sự, thụ lý nhanh giải quyết tới nơi tới chốn cho dư luận yên lòng”.
Khan hiếm giáo viên
Hiện nay ở TP.HCM có trên 1.3000 nhóm trẻ gia đình, chưa kể đến hàng loạt nhóm trẻ hoạt động trái phép. Trong tình trạng trường mầm non công chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nhỏ thì dù muốn hay không, nhóm trẻ cũng góp phần rất lớn trong việc giải quyết chỗ học cho trẻ.
Một thực tế phụ huynh cần nhìn nhận là việc gửi trẻ tại các nhóm trẻ gia đình đầy rẫy các nguy cơ thiếu an toàn với hàng loạt các lý do như cơ sở vật chất không đáp ứng do phần lớn các nhóm thuê lại nhà để mở lớp, tiền gửi thấp...
Đáng lo ngại nhất chính là giáo viên, bảo mẫu làm việc tại các nhóm trẻ thường không ổn định, thay đổi thường xuyên.
Hơn nữa, trong tình trạng TP.HCM đang khan hiếm giáo viên mầm non một cách trầm trọng nhiều năm nay thì các nhóm trẻ gia đình tuyển được giáo viên, bảo mẫu vào làm việc không phải là dễ. Tại cơ sở Phương Anh, Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi) được tuyển vào với vai trò điều dưỡng nhưng lại làm công việc của bảo mẫu.
Bảo mẫu đối mặt với án tù
Ngày 18/12, Thường trực Thành ủy TPHCM đã yêu cầu Ban Thường vụ quận ủy Thủ Đức chỉ đạo khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh.
Bảo mẫu Phương Đông có thể đối mặt với án tù |
Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử. Kết quả thực hiện các đơn vị, địa phương phải báo cáo Thường trực Thành ủy trước 15/1.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM cho biết, hành vi đánh đập, gây đau đớn, tổn thương cho các em nhỏ của Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác quy định tại khoản 2, Điều 110 Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) với khung hình phạt 1-3 năm tù.
Theo luật sư Hậu cho rằng, đã có đủ cơ sở để xem xét khởi tố thêm 2 người này tội Cố ý gây thương tích. Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự, tuỳ theo tỷ lệ thương tật và hành vi phạm tội mà người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
Không đủ chỗ học TP.HCM hiện có 870 trường mầm non (trong đó có 419 trường công lập, 451 trường ngoài công lập); 1.379 nhóm, lớp mầm non tư thục có phép. Tổng số học sinh hiện đang học mầm non trên địa bàn TP là 309.279 em, trong đó có 161.072 em học tại các trường công lập; 148.207 em học tại các trường, nhóm, lớp mầm non tư thục. Tính từ năm 2008 đến nay số trường mầm non đã tăng 2,5 lần, số nhóm trẻ gia đình được cấp phép tăng hơn ba lần nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ chỗ học cho con em người dân. |
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho rằng, có nhiều lý do khiến người lao động có mức thu nhập bình quân trở xuống, trong đó có công nhân ở các khu công nghiệp, phải gửi con ở các nhóm lớp tư thục. Một phần do ta bị động (tăng dân số cơ học quá nhanh), phần nữa do ta chưa gắn quy hoạch khu công nghiệp với quy hoạch khu dân cư, trong đó đặt yêu cầu khu công nghiệp phải có trường mầm non. Để giải quyết tận gốc tình trạng cô giáo mầm non sử dụng bạo lực trong nuôi dạy trẻ, xã hội phải có đủ chỗ học đảm bảo chất lượng. Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm vấn đề này thì phải có được các trường mầm non và khu dân cư cho những người làm trong các khu công nghiệp. Nếu không, dẫu chúng ta có tìm được giải pháp nào quản lý trước mắt thì về sau vấn đề cũng sẽ nảy sinh. Phải có chỗ học đã. Đình chỉ, xử lý không cho các cơ sở đó hoạt động mà không có chỗ học thì sẽ chỉ dồn sức ép quá tải vào các cơ sở có chất lượng. |
- Nguyễn Hiền