Câu chuyện bạo hành trẻ tại các điểm giữ trẻ tư nhân không phải lần đầu tiên làm dư luận chấn động. Gốc rễ vấn đề đó là việc thiếu trường mầm non dành cho trẻ con của những công nhân nhập cư. Rào cản hộ khẩu là căn nguyên của những sự việc đau lòng này.
15 Khu chế xuất, Khu công nghiệp chỉ có 1 nhà trẻ đang hoạt động |
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thừa nhận hệ thống trường lớp mầm non hiện nay chưa “gánh” được trẻ của TP.HCM thì lấy trường lớp đâu thêm để “oằn lưng” thêm trẻ con em công nhân nhập cư…
Nhập cư chỉ có nhóm trẻ gia đình “cưu mang”
Có khoảng 270 ngàn công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Từ năm 2008, ngành giáo dục TP.HCM cũng đã kiến nghị thành phố bắt buộc các khu chế xuất, khu công nghiệp phải dành 5.000 m² đất để xây dựng trường mầm non cho công nhân gửi con.
Thế nhưng hơn 5 năm qua chỉ mới có khu công nghiệp ở Nhà Bè có trường mầm non dành cho con em công nhân đi vào hoạt động. Không phải con em công nhân nào cũng may mắn gửi được con nơi đây.
Vậy công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp còn lại gửi con ở đâu? Trường mầm non công lập thì không có cửa chen chân vào, trường mầm non tư thục có chất lượng yên tâm thì đồng lương của họ không cho phép vì mức học phí vượt xa đồng lương của họ.
Và cuối cùng thì chỉ có nhóm trẻ gia đình, điểm giữ trẻ tự phát là điểm đến của lao động nhập cư có thu nhập thấp (khoảng 1 triệu đồng/trẻ/tháng).
Tuyển học sinh mầm non phải làm "âm thầm"
Ngay từ năm học 2011-2012, các trường mầm non công lập đã dự báo quá tải, con em có hộ khẩu tại TP.HCM còn không đủ chỗ học, ngành giáo dục TP.HCM phải cầu cứu hệ thống trường mầm non ngoài công lập để giảm bớt áp lực.
Theo tìm hiểu của phóng viên Motthegioi.vn, hằng năm các trường mầm non công lập tuyển sinh rất “im ắng, âm thầm”, thông tin không dám công khai nhiều vì sợ người dân nộp đơn nhiều, gây quá tải. Giải pháp là để phụ huynh tự tìm trường tư thục trước.
Trẻ được vui chơi, ca hát khi đến lớp công lập là điều xa xỉ với con em công nhân lao động nhập cư |
Tại trường mầm non Sơn Ca 9 (quận Phú Nhuận), cô Lê Thị Ngọc Giàu, hiệu trưởng cho biết: mùa tuyển sinh năm nào cũng phải ưu tiên trẻ có hộ khẩu trên đại bàn, ưu tiên cho trẻ 5 tuổi trước rồi mới tính đến trẻ 3, 4 tuổi. Vậy mà lúc nào cũng thừa trên 100 cháu thì làm sao dám nhận trẻ ngoài tuyến, diện tạm trú.
Bà Nguyễn Thị Thanh, phụ trách mầm non Phòng Giáo dục quận 12 ngán ngẩm cho biết quận 12 có 15 trường mầm non công lập và 18 trường tư thục với hơn 600 phòng học thì không thể nào đáp ứng nổi số lượng 20.000 ngàn trẻ.
Số lượng trẻ mầm non mỗi năm ở quận đều tăng mạnh, do tăng dân số cơ học, công nhân trên địa bàn đa số là dân nhập cư, chỗ ở không ổn định thì họ không thể nào cho con vào học các trường mầm non công lập được vì số trẻ có hộ khẩu trên địa bàn hệ thống trường lớp còn chưa đáp ứng nổi.
“Quận phải tuyên truyền, vận động phụ huynh khá giả nên chọn trường tư thục để giảm áp lực”- bà Thanh cho biết.
Ngoài khả năng của ngành giáo dục
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thừa nhận hiện điều kiện trường lớp công lập chưa thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ độ tuổi nhà trẻ nên con công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp phải chịu thiệt thòi, cho dù ngành giáo dục đã nỗ lực nhưng nằm ngoài khả năng của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài hệ thống trường công, các trường mầm non tư thục chất lượng luôn có không gian cho các bé phát triển. Thế nhưng với đồng lương công nhân nhập cư, cha mẹ nhiều bé sẽ không thể đủ sức đưa con vào các trường này |
Ông Sơn khuyên để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh nên gửi con ở các trường, nhóm lớp có phép (có bảng tên trường, quyết định cấp phép của UBND quận, phường…).
Thành phố có gần 1.300 nhóm trẻ gia đình có phép và nhiều nhóm không phép. Sở chỉ đạo quận, huyện quản lý chuyên môn, giúp hỗ trợ tập huấn, xây dựng chuyên đề, cung cấp tài liệu… cho các trường mầm non tư thục, dân lập và nhóm trẻ có phép.
Các quận, huyện đều thực hiện chia các trường thành cụm và sinh hoạt chuyên môn, không phân biệt trường công lập và ngoài công lập.
Từ năm 2008 đến nay, mạng lưới trường lớp chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các quận, huyện. Số lượng trường lớp công lập cả thành phố chỉ đáp ứng việc thu nhận 70% tổng số trẻ năm tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục.
“Theo chủ trương chung của thành phố là các khu chế xuất, khu công nghệp phải thành lập trường mầm non phục vụ cho con em công nhân. Nhưng hiện nay chỉ có một trường ở khu công nghiệp Nhà Bè đi vào hoạt động, các khu chê xuất, khu công nghiệp khác dự án vẫn còn… nằm yên trên giấy. Thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp có sử dụng vài trăm công nhân đến dưới 1.000 lao động có điều kiện nên dành đất xây trường mầm non ngay tại doanh nghiệp để công nhân yên tâm làm việc”, ông Sơn nói.
15 Khu chế xuất, Khu công nghiệp chỉ có 1 nhà trẻ đang hoạt động: Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết làm việc với các khu chế xuất, khu công nghiệp và Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) để xây dựng 13 trường mầm non ở đây với diện tích bình quân mỗi trường là 5.000 m². Hiện nay, trong ba khu chế xuất và 10 khu công nghiệp chỉ có bốn trường mầm non thành lập nhưng trên thực tế chỉ có duy nhất một trường đã đi vào hoạt động: Trường mầm non tại tầng trệt thuộc khu nhà lưu trú công nhân của Khu công nghiệp Hiệp Phước tại ấp 1, xã Long Thới, huyện Nhà Bè đang hoạt động (là chi nhánh của Trường mầm non Đồng Xanh, huyện Nhà Bè). Trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, UBND quận 7 đang thực hiện các thủ tục về cơ sở vật chất để thành lập, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thỏa thuận về quy mô. Tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc với chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bình Tân, hồ sơ dự án đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư (diện tích khoảng 5.000 m², 16 phòng học và khu phụ, tổng mức đầu tư 28 tỉ). Trường mầm non khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức), chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thủ Đức, dự án đang lập thiết kế cơ sở (diện tích 5.000 m², 14 phòng học và khu phụ, tổng mức đầu tư 30 tỉ đồng). |
Theo Quốc Việt (Một Thế Giới)