- Năm 2013, nhiều sinh viên, cử nhân, thạc sĩ được… lên báo trong những tình huống
khá bất ngờ, nhưng điển hình cho thực tế đào tạo tại Việt Nam.
Thủ khoa có “bố ở ống cống”
Đó là em Nguyễn Hữu Tiến, thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội. Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, Tiến trở thành thủ khoa được nhiều người quan tâm nhất không hẳn vì kết quả thi đạt 29,5 điểm, mà vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt với người bố “sống ở ống cống”, người mẹ chịu thương chịu khó vất vả mưu sinh nuôi 4 người con ăn học.
Hai anh em Nguyễn Hữu Tiến |
Ông Nguyễn Hữu Định, bố của Tiến, đã có 10 năm phiêu bạt khắp thủ đô kiếm tiền nuôi các con ăn học. Câu chuyện gây chú ý trong xã hội về tình cha - con và sự bền bỉ của gia đình nghèo hiếu học. Sau khi hoàn cảnh gia đình Tiến được đưa lên báo, rất nhiều nhà hảo tâm đã đề nghị được giúp đỡ.
Đến cuối tháng 8, Nguyễn Hữu Tiến lại gây “sóng gió” trước thông tin em đủ tiêu chuẩn lên đường nhập ngũ. Đã rất nhiều ý kiến tranh luận về việc Tiến nên thực hiện nghĩa vụ quân sự trước rồi về học tập, hay Tiến cần được tạo điều kiện để theo học.
Ban chỉ huy quân sự xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội sau đó đã có quyết định tạm hoãn nghĩa vụ quân sự cho Nguyễn Hữu Tiến và các thanh niên trúng tuyển đại học của xã, tạo điều kiện cho Tiến thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ của mình.
“Thủ khoa thất nghiệp” được bộ trưởng nhận làm việc
Tân cử nhân may mắn này là La Văn Ngọ, thủ khoa vừa tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư an toàn giao thông, trường ĐH Giao thông vận tải, với điểm trung bình toàn khóa là 8.77.
Cuối tháng 8/2013, sau khi biết Ngọ đang gặp khó khăn tìm việc làm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định nhận cử nhân này về làm việc tại Viện khoa học công nghệ GTVT.
Thủ khoa La Văn Ngọ được Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp nhận |
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất, La Văn Ngọ (sinh tại Quế Phong, Nghệ An) đã làm rất nhiều việc để có tiền trang trải cuộc sống và học tập. Em từng làm gia sư, làm biển hiệu đèn LED, phát tờ rơi quảng cáo, được các thầy cô giáo trong trường tạo điều kện tham gia các dự án… để có thêm thu nhập. Sau khi ra trường với tấm bằng giỏi, mặc dù đã xin việc nhiều nơi Ngọ vẫn bị chối với lý do “chưa có kinh nghiệm”.
Ngạc nhiên và cảm động là tâm trạng của Ngọ khi được Bộ trưởng giúp tìm việc. “Em hứa sẽ phấn đấu hết mình để không phụ sự quan tâm và tin tưởng của Bộ trưởng", Ngọ xúc động chia sẻ.
Thạc sĩ được ông Nguyễn Bá Thanh tìm việc
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà (Đà Nẵng) chiều 23/9, sau khi nghe bà Lê Thị Giỏi bức xúc chuyện con mình là Phan Thị Trang Nhung (26 tuổi), tốt nghiệp đại học và thạc sĩ đều đạt loại giỏi nhưng không xin được việc phải đi làm công nhân, ông Nguyễn Bá Thanh đã hẹn gặp và xem xét hồ sơ. Sau đó, Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh đã “bút phê” vào hồ sơ xin việc của thạc sĩ này gửi các cơ quan chức năng xin việc làm.
Thạc sĩ Phan Thị Trang Nhung được ông Nguyễn Bá Thanh tìm việc |
Phan Thị Trang Nhung tốt nghiệp cấp ba năm 2006 với thành tích 12 năm học sinh giỏi. Sau khi Nhung tốt nghiệp đại học và thạc sĩ loại giỏi, đi xin việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối, Nhung đã phải xin vào làm công nhân thời vụ cho một công ty sản xuất nhựa tại Hòa Khánh. Chấp nhận làm công nhân nhưng cũng không được vào biên chế, vì công ty không có tiền trả lương theo bậc thạc sĩ, phần vì sợ người có bằng cấp sẽ nhảy việc.
Phan Thị Trang Nhung đã có “tâm thư” gửi ông Nguyễn Bá Thanh, Trong thư, Nhung bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của ông Nguyễn Bá Thanh dành cho mình, và còn đề cập một vấn đề lớn hơn, khi nhận định chính mình là “nạn nhân” của tình trạng đào tạo tràn lan: “Những người học sư phạm ra trường như cháu thất nghiệp quá đông, trong khi hàng năm các trường sư phạm vẫn đào tạo ồ ạt hàng loạt sinh viên. Cần có một sự thắt chặt đào tạo để phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động xã hội hiện nay”.
Đưa ra nước ngoài đào tạo, trở về làm nông
Được chọn đi đào tạo ngành hoá dầu tại Rumani với học bổng của Bộ GD-ĐT, sau 5 năm Lê Văn Hậu (sinh năm 1989, thôn 4, xã Điện Hồng, H. Điện Bàn, Quảng Nam) trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc.
Hơn 3 tháng sau ngày về nước, Hậu đã gửi hàng chục hồ sơ xin việc ở các công ty như Lọc hóa dầu Bình Sơn, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi nhưng không thấy hồi âm. Lên mạng tìm kiếm các công ty trong và ngoài nước có chuyên ngành liên quan để gửi hồ sơ cũng chưa có công ty nào nhận.
Lê Văn Hậu (trái) được chọn cử đi đào tạo ở nước ngoài nhưng trở về không có việc làm |
Khi nghe thông báo UBND tỉnh Quảng Nam tuyển dụng công chức, viên chức, Hậu mang hồ sơ đến Sở Nội vụ Quảng Nam để nộp. Nhưng sau khi xem hồ sơ và văn bằng tốt nghiệp Hóa dầu, bộ phận tiếp nhận bảo Hậu nếu xin được vào cơ quan hành chính nhà nước nào ở tỉnh hoặc huyện thì sẽ được xét vào biên chế công chức, không cần qua thi tuyển. Hậu lại chạy đến các sở ban ngành nộp hồ sơ xin việc nhưng bị từ chối với lý do chuyên ngành của Hậu không phù hợp cho công việc hành chính.
Khi biết Đà Nẵng có chính sách thu hút nhân tài, Hậu lại mang hồ sơ ra nộp thì nhận được thông báo đã hết hạn tuyển dụng. Chuyên ngành Hóa dầu cũng không thuộc dạng thu hút nhân tài của thành phố.
Không xin được việc làm, để kiếm sống Hậu quyết định ở nhà phụ giúp ba mẹ làm nông lo mấy sào ruộng...
Hiện nay, việc nhiều cử nhân, thạc sĩ, và không ít tiến sĩ được đào tạo trong và ngoài nước những thất nghiệp không phải là hiếm. Trường hợp của Lê Văn Hậu gây xôn xao bởi đây là sự việc điển hình về lãng phí trong công tác đào tạo.
- Chi Mai (tổng hợp)