- "Tôi đánh giá cao Bộ trưởng khi trả lời thẳng thắn vấn đề tự do học thuật, điều mà ngay trong các văn bản chính thức cũng né tránh. Nhưng tôi hơi tiếc khi ông hơi "lạc đề" khi chọn "đổi mới thi cử" là giải pháp đáp ứng những mục tiêu di động của thị trường lao động". Bạn đọc Minh Tuấn bày tỏ như vậy sau khi theo dõi thảo luận trực tuyến về phát triển nguồn nhân lực trên VietNamNet ngày 28/11 vừa qua.

Tôi không có điều kiện nghe trao đổi trực tiếp trên Diễn đàn nhưng sau khi đọc lại phần bóc băng ghi âm cũng giúp tôi hiểu được những thông điệp mà WB, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và VietNamNet chuyển đến cho mọi người.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Cũng dễ hiểu vì sao có đến trên 200 câu hỏi được gửi đến cho Bộ trưởng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của người dân đến công cuộc đổi mới giáo dục lần này. Tóm tắt những vấn đề trao đổi của Bộ trưởng tập trung năng lực và kỹ năng của người lao động tương lai; vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên; vấn đề tự do học thuật (vốn là vấn đề khá nhạy cảm ít được đề cập chính thống trong các văn bản của nhà nước); chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá.

Thời lượng của chương trình có hạn và phát triển nguồn nhân lực là vấn đề lớn và phức tạp nên trong đối thoại người ta dễ nhận ra vẫn thiếu đi sự kết nối giữa đổi mới giáo dục và phát triển nhân lực – được xem như mục tiêu chính yếu nhất của giáo dục và đào tạo.

Con người tương lai thế nào?

Bàn về đổi mới giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, tôi cảm thấy Bộ trưởng chưa hình dung ra được mô hình con người Việt Nam sẽ như thế nào để nền giáo dục (mà ông là nhà thiết kế và thi công chính) hướng đến.

Trong hàng nghìn năm chống xâm lược, qua mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử, con người Việt Nam đều có những hình mẫu để nền giáo dục hướng đến. Anh muốn thi công một công trình, anh cần phải kiến trúc trong tư duy cái công trình mà anh định thiết kế thế nào? Anh muốn hay kỳ vọng con người VN như thế nào sau vài chục năm sau, thì ngay bây giờ anh cần phải xây dựng mô hình con người Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế với nhiều thay đổi.

Khi chưa rõ mô hình con người anh sẽ chẳng rõ được mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục sẽ hoặc là cóp nhặt hoặc là áp đặt giáo điều. Nếu anh muốn con người thụ động chỉ biết chấp hành thì kiểu giáo dục nhồi sọ như thời gian qua sẽ là hiệu quả nhất để có con người ấy và những di hại đó còn đang ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước như hiện nay.

Tự do học thuật vấn đề nhạy cảm?

Tôi đánh giá cao Bộ trưởng khi trả lời thẳng thắn về vấn đề tự do học thuật cái mà ngay trong Luật giáo dục đại học hoặc hầu hết các văn bản của nhà nước người ta thường “né” vì ngại đụng chạm.

Giữa tự do học thuật và nói tự do theo ý muốn là hoàn toàn khác nhau. Trước hết tự do học thuật theo Bộ trưởng trích dẫn Ănghen là “tất yếu của nhận thức” thì điều cần đầu tiên chúng tôi mong đợi ở người đững đầu ngành là hãy làm cho “tư duy” được tự do trong môi trường giáo đại học.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi tọa đàm tại VietNamNet chiều 28/11. (Ảnh:L.A.D)

Trí thức thời nay không thể không mang những điều muốn ra để nói nếu cái ”muốn” đó phục vụ cho khoa học chân chính, không giáo điều và có lợi cho dân cho nước. Đôi khi những điều muốn lại đi ngược lại lợi ích dân tộc, muốn một cách phản khoa học, thiếu nghiên cứu khách quan thì không nên nói...tôi đồng ý với Bộ trưởng.

Tôi được biết rằng tự do học thuật và tự chủ ĐH học là sinh khí của một trường đại học. Nếu không có tự do học thuật thì sẽ chẳng có sáng tạo nên tri thức và trường ĐH chỉ là một kinh viện, héo khô, thiếu sức sống. Nếu có chăng “tự do học thuật” ở trường đại học ở ta hiện nay đôi khi chỉ là sự sao chép cắt dán một cách máy móc, tranh biện theo kiểu xuôi chiều, tán dương bốc thơm nhau.

Bởi muốn có tự do học thuật anh phải có năng lực, phải có một tư duy được cởi trói, phải có sự đam mê vì khoa học, vì nhân loại để được tự do và có môi trường để tự do được...C.Max có thể xem là một ví dụ điển hình của tự do học thuật như vậy.

Tự do học thuật không phải một sớm một chiều hình thành và phát triển theo chiều hướng tích cực. Nó đòi hỏi một quá trình để hình thành cái mà ai đó gọi là văn hóa học thuật. Không có nó tự do học thuật, học thuật chỉ là cái “bóng” vô hồn.

Có tự do học thuật trong trường đại học sẽ có môi trường cho sự tranh biện để tìm ra cái đúng, cái sai và nó sẽ tác động trở lại việc hình thành tư duy phê phán, tư duy đến tận cùng vấn đề và sáng tạo.

Khi có tự do học thuật những chủ thuyết chính trị phản động hay tà thuyết tôn giáo có thể bị thách thức bởi các trí thức chân chính. Khoa học thường có đặc trưng mang mục đích tự thân.

Đôi khi nhà khoa học làm nghiên cứu chỉ để theo đuổi những niềm tin, giả thuyết, tư duy và nhận thức của bản thân và kết quả nghiên cứu của họ có thể nhiều năm sau loài người mới nhận ra được hoặc mới được khai thác.

Trong quá trình ấy có thể có những nghiên cứu trái với đạo lý thông thường, trái với những giá trị phổ biến của loài người thì thứ “tự do học thuật” ấy nên hạn chế và nên cấm. Hãy để cái tất yếu khách quan của nhận thức mang đầy đủ ý nghĩa của nó và không bị chi phối bởi sức mạnh nào trong trường ĐH, đó cũng chính là tự do học thuật.

Mục tiêu di động

Tôi rất tâm đắc với đại diện WB khi ông trả lời về giáo dục những kỹ năng (mềm) mà cho dù thế giới thay đổi thế nào cũng không sợ lạc hậu. Nhưng tôi lại hơi tiếc với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời hơi “lạc đề”.

Vâng chính đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực tích hợp, hình thành người học có động cơ và năng lực tự học có thể xem là điều kiện tiên quyết để có nguồn nhân lực thích nghi với biến đổi của thời cuộc – đó là nền giáo dục khai phóng.

Bên cạnh đó, như đại diện WB cũng nói đó cần phải có sự thay đổi mang tính hệ thống để các cơ sở đào tạo ĐH tự chủ nhiều hơn, đển nhanh chóng đáp ứng với những thay đổi từ thế giới việc làm sẽ khiến cho kiến thức, kỹ năng và các giá trị khác không bị lạc hậu do cơ chế”xin cho” loằng ngoằng lắm “ngõ ngách”.

Tôi cũng không thật đồng tình để chọn đổi mới thi cử làm khâu đột phá cho đổi mới giáo dục (không biết thi cử giúp gì cho phát triển nguồn nhân lực?). Một cơ thể ốm yếu, bị tiểu đường thì có làm test khách quan đến đâu cũng vẫn vậy (chỉ số đường cao???), bệnh nhân không khỏe lên được sau test. Có chăng chỉ biết được hiện trạng của “con bệnh” mà thôi.

Nếu được chọn khâu đột phá tôi sẽ chọn đổi mới cơ chế tài chính đừng để các trường ĐH phải long đong, lận đận xoay sở để tồn tại như hiện nay. Tài chính và quản trị đại học lạc hậu chính là căn nguyên của bệnh chất lượng thấp của nguồn nhân lực và càng ngày càng nhiều vi phạm luật pháp.

Bước vào “trận đánh lớn” của ngành giáo dục, điều tôi suy nghĩ là cần phải có sự đổi mới ở cơ quan “Tổng hành dinh” của ngành và nên là công việc cần làm ngay trong tầm tay của Bộ trưởng. Đổi mới là công việc hết sức nhọc nhằn và thách thức. Có người nói đổi mới rất mạnh nhưng trong bụng lại không muốn đổi mới, vì đổi mới là rủi ro cao, dễ để lại “dấu ấn”, dễ bị ném đá nếu không có tầm nhìn tốt, không có đường lối rõ nét và thiếu niềm tin.

  • Minh Tuấn (TP.HCM)