- Câu chuyện "trượt thi thử" suýt không được thi ĐH ở Hà Tĩnh những ngày qua gợi lại không khí  căng thẳng nước rút tại nhiều trường THPT hiện nay: Dù không phải nơi nào cũng "thi thử như thật", nhưng mỗi nơi có cách "nuôi" bệnh thành tích theo cách riêng.




HS trước giờ vào thi tốt nghiệp năm học 2007 - 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng
Còn "thi" thì còn "thử"

Nếu như lãnh đạo một số tỉnh cho rằng, năm nay không tổ chức thi thử vì tốt kém mà đánh giá không đúng thực chất học sinh thì GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh khẳng định "còn duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thì còn thi thử...".

"Thi thử là không có nằm trong kế hoạch thi đua, sao gọi là bệnh thành tích được, ngành cũng không gây áp lực cho giáo viên" - ông Minh nói. Khi nào Bộ bỏ kỳ thi THPT thì chúng tôi sẽ bỏ thi thử, còn thi tốt nghiệp THPT là còn thi thử, cần tập dượt cho các em các kỹ năng làm bài thi, giảm áp lực tâm lý khi đi thi thật.

Trong khi đó, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, lãnh đạo các Sở GD-ĐT Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Đà Nẵng...đều cho biết địa phương mình đều "nói không" với tổ chức thi thử.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Minh Hùng nêu lý do, vì quá trình dạy và học các trường đã có nhiều đợt kiểm tra, khảo sát kiến thức học sinh rồi nên không cần thiết phải thi thử. Do đó, thi là thật.

Ở Hải Phòng cũng không tổ chức thi thử mà việc khảo sát đánh giá chất lượng học sinh được giao cho các trường - phó GĐ Sở GD-ĐT Vũ Văn Trà cho hay.

Ông Phạm Hữu Hoan - quyền phụ trách Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, năm nay không tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2011 mà sẽ tiến hành lồng ghép vào các bài kiểm tra định kỳ tại trường giúp học sinh làm quen với kỳ thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm bồi dưỡng cho học sinh yếu, kém và đặc biệt là dành thời gian hướng dẫn cho học sinh cách tự học, nắm vững kiến thức, tránh học tủ, học vẹt.
Thêm sức ép...

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100% đang là mục tiêu mà tất cả các trường THPT hướng đến. Vì vậy, học sinh ở nhiều trường đặc biệt là các trường tư thục khu vực TP.HCM từ sau ngày Bộ GD - ĐT công bố môn thi tốt nghiệp (từ 23/3) cũng bắt đầu trở thành "gà công nghiệp".

Trong bài viết với tựa đề "Chiến dịch 100%" cùng bức ảnh ấn tượng một hàng dài HS ngồi ôn thi tốt nghiệp, báo Tuổi  Trẻ TP.HCM phản ánh, ở một số trường trên địa bàn có lịch học dày đặc từ sáng đến tối với lực lượng giám thị, giáo viên kèm cặp sát sao cho học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp.

Bài báo mô tả hiện thực ở một số trường phổ thông.

Sáng 1/4, một học sinh khối 12 của Trường tư thục Hữu Hậu được chuyển tới trạm y tế phường ngay sau khi làm bài thi học kỳ môn lịch sử. Giám thị cho biết học sinh này vì quá lo lắng cho kỳ thi, cộng với việc mới chuyển vào học nội trú nên sức khỏe yếu, mệt mỏi và hốt hoảng.

Cùng với việc tăng cường phụ đạo, dò bài theo chiến thuật “một kèm một” (một cô, một trò), ban giám hiệu nhà trường còn phải túc trực chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý cho học sinh nhằm đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Trưa ngày 1/4, học sinh khối 12 Trường THPT tư thục Hoàng Diệu tranh thủ bước vào bữa cơm trưa rồi nghỉ ngơi để vào tiết học buổi chiều lúc 13h30. Mỗi ngày học sinh trường này được ôn tập 8-9 tiết trên lớp vào hai buổi sáng và chiều, để rồi từ 16h - 20h là thời gian dò bài, sau đó là giờ tự học.

Còn tại Trường THPT dân lập Thanh Bình, với mục tiêu lớp 12 phải đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%, nhà trường ngoài các biện pháp phân loại, tăng tiết phụ đạo sát sao cho học sinh yếu kém, còn tổ chức chín đợt thi xuyên suốt năm học để liên tục đánh giá lực học của học sinh.

Nhiều học sinh ví von cứ sang năm lớp 12 là phải biến thành “gà công nghiệp” mới theo nổi số lượng bài vở quá nhiều và lịch học dày đặc của nhà trường.

Một hiệu trưởng trường tư thục chia sẻ: “Nhiều lãnh đạo đánh giá năng lực của hiệu trưởng thông qua kết quả thi tốt nghiệp, mặc dù nói không chạy theo thành tích nhưng nếu tỉ lệ đậu tốt nghiệp thấp thì chúng tôi cũng được nêu ra, xếp hạng, làm ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh và tên tuổi của trường. Gánh nặng cuối cùng đổ lên đầu học sinh là vì thế”.



Nỗi lo của phụ huynh khi chờ con thi tốt nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tốn kém

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT),cho biết: Việc các sở tổ chức kỳ thi thử nhằm tập dượt cho học sinh cách làm quen với đề thi, phân tích đề thi và cách làm bài thi và tâm lý khi bước vào phòng thi.

Tuy nhiên, học sinh có quá nhiều kỳ thi như kiểm tra giữa học kỳ, thi học kỳ, thi thử, thi tốt nghiệp THPT liên tục trong ba tháng có phần nào gây tâm lý nặng nề và tốn kém thời gian, sức lực của học sinh và giáo viên.

Một trong những lý do Sở GD-ĐT Bắc Ninh không tổ chức thi thử là để tránh phiền hà cho học sinh - Giám đốc Đặng Văn Hướng nói.

Ngoài việc tạo thêm sức ép căng thẳng không đáng cho học sinh, phụ huynh lại kêu ca vì phải đóng thêm tiền. Trong khi đó, tâm lý của học sinh bước vào kỳ thi thử sẽ có em thi không thật vì không lấy điểm.

Phó GĐ Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng cũng cho rằng, trong một thời gian ngắn học sinh phải trải qua nhiều kỳ kiểm tra mà thêm một kỳ thi thử thì "sẽ rất nặng nề".

Để giảm áp lực và tốn kém, Phó GĐ Sở GD-ĐT Đăk Nông cho biết, ngay say khi Bộ công bố môn thi tốt nghiệp đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường ôn tập cho học sinh và các thầy cô bộ môn giỏi của các trường được Sở mời về làm đề thi học kỳ 2 theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp của Bộ.

Sở ra đề để xác định mặt bằng chung kiến thức, không để trường làm. Kết hợp kiểm tra học kỳ dưới dạng đề thi tốt nghiệp, vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ mất sức cho học sinh. Kết quả chất lượng của đề kiểm tra học kỳ 2 với kết quả thi tốt nghiệp THPT tỉ lệ tiệm cận nhau.

Theo ông Chuẩn, nên cho học sinh làm quen với đề thi tốt nghiệp THPT ngay kỳ thi học kỳ 2 với đề thi theo dạng thi tốt nghiệp THPT và làm gọn nhẹ, nghiêm túc là có thể đánh giá được năng lực thực của học sinh và bồi dưỡng, ôn tập thêm. Việc tổ chức dạy học cũng như trong ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ luôn chỉ đạo các sở hướng dẫn giáo viên dạy học theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Trong loạt bài đề cập tới vấn đề này, báo Pháp luật TP.HCM phân tích đây là lỗi của người cầm chịch. Có lẽ, ít nơi nào lại "giữ bí mật" các môn cho đến sát kỳ thi mới công bố như kỳ thi tốt nghiệp THPT.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011 được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4/6 với 6 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Vật lí, Sinh học và môn Địa lí. Trong đó các môn Ngoại ngữ, Vật lí, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm

  • Nguyễn Hiền