- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói việc yêu cầu các trường nêu ngưỡng tối thiểu xét tuyển là nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.

{keywords}

Ông Ga cho biết Bộ GD-ĐT đã nhận được phản hồi của 70 trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ về dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy giai đoạn 2014-2016.

Đề nghị của Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập cũng là một kênh góp ý kiến để Bộ tham khảo.

“Sau khi tổng hợp ý kiến, những đề xuất nào trùng hợp nhiều nhất Bộ sẽ cân nhắc để điều chỉnh qui định cho phù hợp. Cho tới nay, ý kiến chung nhất mà Bộ nhận được cho rằng dự thảo phù hợp với lộ trình đổi mới tuyển sinh, phù hợp điều kiện chuẩn bị của từng trường cũng như có thời gian cần thiết để thí sinh đổi mới cách học, cách thi, không gây lo lắng cho phụ huynh, học sinh” – Thứ trưởng Ga cho biết.

Liên quan đến việc tự chủ tuyển sinh, Thứ trưởng Ga cho rằng: “Luật giáo dục ĐH quy định các trường được tự chủ tuyển sinh. Mỗi trường tùy điều kiện đặc thù ngành nghề đào tạo, mục tiêu, chiến lược phát triển của mình có thể chọn phương án thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi với xét tuyển, phỏng vấn...

Thứ trưởng khẳng định: “Bộ không cấp phép, không phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh của các trường mà chỉ xác nhận đề án tuyển sinh đó có phù hợp hay không phù hợp so với qui định chung".

Bài học "đắt giá"

Cũng theo Thứ trưởng Ga: “Hiện nay chúng ta có thể xem ngưỡng tối thiểu để học sinh có thể vào học bậc ĐH,CĐ là điểm sàn tương ứng của kỳ thi chung. Thí sinh đạt trên điểm sàn có thể vào học ĐH,CĐ, đảm bảo được sự thành công tương đối của người học và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội”.

Nếu không có ngưỡng tối thiểu đầu vào thì tuyển sinh ĐH,CĐ chính qui cũng sẽ y hệt tuyển sinh hệ vừa làm vừa học, liên thông vừa qua. Hệ quả của nó là chất lượng đào tạo không đảm bảo, người sử dụng lao động quay lưng với sinh viên tốt nghiệp. Khi đó người học thiệt thòi, xã hội lãng phí. Đó là bài học đắt giá mà chúng ta đã có kinh nghiệm, đừng để lặp lại.

Để công tác tuyển sinh ĐH,CĐ nhẹ nhàng theo Thứ trưởng Ga: “Phải làm tốt việc phân luồng sau THCS. Hiện nay, chỉ có khoảng 5-6% học sinh sau THCS theo học nghề hay trung cấp chuyên nghiệp.

Phần lớn học sinh sau THCS tiếp tục học THPT. Nếu phân luồng tốt, khoảng 30% học sinh sau THCS theo học các hệ đào tạo nghề thì lúc đó có thể xem bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện xét tuyển vào ĐH,CĐ - không cần tổ chức thi tuyển sinh nặng nề như hiện nay”.

  • Văn Chung (ghi)