- Sự nhiệt tình của giáo viên đôi khi lại là sự sợ hãi của phụ huynh.
Có cháu đang học lớp 1, ông Thái (Ba Đình, Hà Nội) lãnh nhiệm vụ đón cháu vào buổi chiều. Có điều, dù căn giờ rất chuẩn để đến đón cháu, nhưng hầu như ngày nào ông cũng phải đứng chờ 20 phút mới thấy cháu xuống.
Ảnh minh họa (Lê Anh Dũng) |
Một tuần 5 buổi học thì ít nhất… 4 buổi ông phải chờ cháu như vậy. Nhưng ông cũng không dám đến muộn hơn giờ quy định tan học của trường vì lo nhỡ đâu hôm đó cô cho tan học đúng giờ, cháu ra không thấy ông lại chạy chơi nghịch ngợm.
Hỏi cháu cô giữ ở trên lớp làm gì, cháu nói cô bảo chưa đến giờ tan học nên cứ học tiếp, khi nào cô bảo về mới được về.
Ông đoán cô hàng ngày bỏ thêm thời gian rèn giũa các cháu để giữ được danh hiệu “lớp giỏi” của trường. Nhưng sự nhiệt tình của cô kéo theo việc hàng chục phụ huynh hàng ngày mất thêm thời gian chờ đón con.
Chị Thanh Hà (Tây Hồ, Hà Nội) lại luôn “hồi hộp” khi đón con học thêm vào chiều tối, không biết hôm nay có được đón con… đúng giờ không. Cô giáo dạy thêm môn toán của con đã nghỉ hưu. Cô dạy hay, nghiêm khắc với các con, nhưng thường xuyên kéo dài thời gian học. Giờ học từ 5 giờ đến 6 rưỡi chiều, nhưng bố mẹ thường phải đứng ngoài chờ thêm, ít thì mười phút. Có hôm đỉnh điểm, cô cho học đến tận hơn… 7 rưỡi.
“Đến tầm 6 giờ, 6 rưỡi là muộn rồi, các bố mẹ đều đi làm từ sáng, lẽ ra được về nhà lo cơm nước, nghỉ ngơi thì lại phải đi đón con. Chờ thêm phút nào là sốt ruột, mệt mỏi phút đó. Nhưng các con năm nay học lớp 9, năm sau thi lớp 10, học thêm giờ cô thêm vất vả nên dù nhiều hôm đứng chờ “dài cổ” với nhau cũng chẳng phụ huynh nào dám có ý kiến”.
Chị Mai Trang (Ba Đình, Hà Nội) lại sợ nhất cách cô tận tình rèn cách cầm bút cho cậu con trai. “Trước khi chính thức vào lớp 1 tôi đã cho con đi học chữ, không hẳn vì muốn cháu biết đọc biết viết sớm, mà muốn cháu học được tư thế ngồi, các cầm bút đúng vì đã tìm được một cô dạy những việc này rất tốt.
Nhưng đến khi cháu đến trường học, không hiểu sao cô chủ nhiệm lại cứ nhất định sửa cách cầm bút của cháu, yêu cầu cháu phải cầm sát xuống ngòi bút. Gia đình phát hiện ra, rèn lại cho cháu nhưng hôm sau đến trường cháu lại được cô sửa theo kiểu của cô”.
Thế là học kỳ vừa qua gần như là một cuộc kéo co… với cô: ban ngày đến lớp con viết một kiểu tối về cả nhà lại ra sức kéo con về kiểu khác. “Thắng thua đến lúc này chưa phân định rõ vì con sợ cô hơn bố mẹ. Nhưng với cách cầm bút cô dạy, từ đầu học kỳ II đến nay, khi chuyển từ bút chì sang bút mực, hôm nào con đi học về các đầu ngón tay cũng dây mực nhoe nhoét” – chị Mai Trang than thở.
- Chi Mai