- Năm 2013 là một năm giáo dục đại học Việt Nam có không ít thay đổi để chuyển mình theo xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục hiện đại.

Trả liên thông về giá trị thực

Ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH được áp dụng. Quy định mới về đào tạo liên thông CĐ, ĐH quy định thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ ba năm (36 tháng) trở lên sẽ dự thi ba môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng việc hệ liên thông chính quy thi chung, xét tuyển chung và đào tạo chung với ĐH, CĐ chính quy đối với thí sinh muốn học liên thông chính quy mà thời gian tốt nghiệp trình độ đào tạo trước đó chưa đủ 36 tháng.

Quy định mới này đã gây nên một cuộc tranh luận khá dữ dội trên các phương tiện thông tin đại chúng, với không ít ý kiến phản đối. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã kiên quyết giữ nguyên quan điểm, với mục tiêu lớn nhất – như lãnh đạo Bộ khảng định – là “trả liên thông chính quy về giá trị thực chất”.

Bỏ chương trình khung giáo dục ĐH

  {keywords}
 

Đó là sự thay đổi lớn trong chương trình đào tạo ĐH, CĐ được quy định trong thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ được Bộ GD-ĐT ban hành. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/2/2013.

Trước đây, chương trình giáo dục ĐH phải được các trường xây dựng dựa trên chương trình khung do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Với tinh thần của thông tư mới, hiệu trưởng có quyền ban hành chương trình thực hiện trong trường mình.

57 ngành không được đào tạo tiến sĩ

  {keywords}

Ngày 19/3, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn cho biết, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 trường ĐH, viện, học viện.

Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra hình thức xử lý kiên quyết với hàng loạt chuyên ngành đào tạo tiến sĩ của các cơ sở giáo dục, trong đó có những viện, trường ĐH lớn, đầu ngành. Thu hồi quyết định đào tạo là hình thức xử lý cao hơn hẳn việc đình chỉ tuyển sinh.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết  "Bộ GD-ĐT hi vọng đây sẽ là “cú hích” đối với các trường trong chấn chỉnh hoạt động đào tạo. Bộ thay đổi cách thức quản lý cũng chỉ mong muốn nhìn thấy được sự chuyển động tích cực của các trường"

Không lâu trước đó Bộ GD-ĐT cũng dừng tuyển sinh 161 chương trình thạc sĩ.  Việc dừng tuyển sinh và thu hồi quyết định cho phép đào tạo đối với các chuyên ngành sau ĐH thể hiện sự kiên quyết của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện các quy định về mở ngành, chuyên ngành và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo.

Các nhà khoa học ĐHQGHN công bố kết quả nghiên cứu trên Tạp chí số một của thế giới – Nature

{keywords}  

GS.TS Phạm Hùng Việt (đứng) và

các đồng nghiệp

Tháng 9/2013, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature đã công bố kết quả nghiên cứu xuất sắc của nhóm nghiên cứu của Giáo sư Phạm Hùng Việt - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia HN (hợp tác với trường ĐH Columbia, Hoa Kỳ) về cơ chế làm chậm sự ô nhiễm asen trong nước ngầm.

Mỗi năm, Nature nhận được hơn 10.000 bài gửi đến, nhưng chỉ có 8% trong số đó lọt qua được vòng bình duyệt và được công bố. Các công trình khoa học công bố trên Tạp chí này đạt trình độ nghiên cứu cơ bản xuất sắc, có tính đột phá, có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với cộng đồng khoa học và mà còn cả xã hội. Trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam mới chỉ có khoảng năm công trình (thực hiện tại Việt Nam) được đăng trên Nature.

PGS Phạm Văn Cương trúng tuyển hiệu trưởng ĐH Hải Phòng

  {keywords}

Giữa tháng 9/2013, vượt qua ba đối thủ nặng kí đều đang đương nhiệm là hiệu phó trường Đại học Hải Phòng, PGS, TS, NGƯT Phạm Văn Cương đã trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Hải Phòng.

Tham dự kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng có bốn ứng viên đủ tiêu chuẩn đăng ký dự thi gồm: PGS, TS Phạm Văn Cương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam và ba Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng là TS Bùi Đình Hưng, TS Nguyễn Thị Hiên và TS Đoàn Quang Mạnh.

Các ứng viên phải tham gia các nội dung thi như xây dựng và bảo vệ đề án công tác, ngoại ngữ. Kết quả, PGS, TS Phạm Văn Cương đã trúng tuyển với số điểm cao nhất.

Đây là lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức công khai việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo một đơn vị thuộc diện Thành ủy quản lý và cũng là trường đại học đầu tiên trong cả nước thực hiện thi tuyển chức danh hiệu trưởng.

Chính thức “mở cửa” tuyển sinh riêng

Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013. Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT đã bước đầu triển khai các nội dung của Luật Giáo dục Đại học. Trong đó, gây tranh cãi nhất là quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

Ngày 12/12/2013, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) từ năm 2014, trong đó quy định cụ thể những tiêu chí, điều kiện để các trường tự thực hiện việc tuyển sinh cho riêng mình.

Ngay từ khi ra đời cũng như sau khi được chỉnh sửa, bản dự thảo này đã gây ra khá nhiều tranh cãi, thậm chí vấp phải sự phản đối từ không ít trường đại học NCL. Mặc dù vậy, bản dự thảo này đã đánh dấu việc Bộ GD-ĐT có văn bản chính thức “trao” quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường chứ không chỉ là “nói suông” như trước đó.

Hạnh Ngân tổng hợp