- Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, người có ngót bốn chục năm đóng góp cho ngành giáo dục, cả trên thực tiễn lẫn lý thuyết, cho rằng điều ông trông đợi nhất ở cuộc đổi mới giáo dục lần này là việc tái cơ cấu  hệ thống giáo dục.

Ông Vũ Thế Khôi nhận xét

  {keywords}
  

- Theo Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đây là lần thay đổi căn bản, toàn diện trong đó có việc thay đổi từ hệ thống - điều này nhiều nhà giáo dục lão thành đã nhiều lần yêu cầu; tôi cũng đã phát biểu trong các bài viết ở chính Vietnamnet, từ hơn hai năm trước.

Hệ thống giáo dục hiện hành là sản phẩm của tư duy kinh tế tập trung bao cấp. Trong khi nền kinh tế đã chuyển đổi từ mô hình bao cấp - kế hoach hóa sang mô hình thị trường, bắt đầu từ năm 1986, thì hệ thống giáo dục của ta, vốn thiết kế phục vụ nền kinh tế bao cấp - kế hoạch hóa, hầu như vẫn y nguyên. Sau mấy lần cải tiến, hệ thống đào tạo này vẫn là “theo hình ống” – vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, vẫn tiếp tục đào tạo theo những “chỉ tiêu” được cho, bất chấp nhu cầu của thị trường lao động nghề nghiệp.

Biểu hiện rất rõ của điều này là cử nhân thất nghiệp phải đi học nghề.

Lần này, Đảng và Nhà nước kiên quyết cơ cấu lại hệ thống giáo dục, nhằm tạo ra những con người năng động, sáng tạo, tiếp cận được những đòi hỏi rất khác nhau của cơ chế thị trường.

Lẽ ra, giáo dục phải đi trước. Nhưng cuối cùng thì lại chậm tới gần 30 năm. Nhưng lần này, tôi “nghe chừng” là sẽ có thay đổi.

Qua những thông tin Bộ GD-ĐT công bố, ông đánh giá như thế nào về những bước đi đầu tiên?

- Thật khó đánh giá, vì tôi chưa thấy được phương hướng thay đổi mang tính tổng thể, dường như Bộ GD-ĐT vừa làm từng vụ việc nổi cộm, công luận từ lâu đòi thay đổi, vừa thăm dò.

Trước hết, theo tôi Bộ phải đưa ra được mô hình tổng thể của hệ thống giáo dục cải cách.  

Theo quan điểm khoa học giáo dục hiện đại, khi xây dựng (hoặc cải cách, xây dựng lại) một hệ thống giáo dục thì bước đầu tiên phải làm, là phải thiết kế từ mục tiêu cuối cùng, từ mô hình chuyên gia - sản phẩm của hệ thống giáo dục đó, tức từ người tốt nghiệp đại học phải có những phẩm chất, kiến thức và kỹ năng gì để đáp ứng môi trường lao động nghề nghiệp tương lai. Tức là phải thiết kế từ trên xuống. Nhưng khi thực thi việc xây dựng hay cải cách “cơ bản và toàn diện” thì phải đầu tư và làm từ dưới lên, tức từ cấp tiểu học.

Theo quan điểm kinh tế thị trường thì sản phẩm của giáo dục phải đáp ứng nhu cầu đa dạng và đa cấp của thị trường lao động nghề nghiệp. Vậy phải cơ cấu lại hệ thống giáo dục theo tầng bậc, trong đó mỗi cấp học đều có lối rẽ ngang ra thị trường lao động nghề nghiệp chứ không phải chỉ có một lối đi lên cấp học cao hơn.

Cơ cấu mới của hệ thống giáo dục Bộ đề xuất, “các cụ” đã định làm từ lâu

Trong buổi gặp mặt cuối năm này, điều rất lý thu là phóng viên được ông Vũ Thế Khôi cho xem một tư liệu lịch sử ít được biết đến. Đó là bản sơ đồ mô hình cải cách giáo dục cũ, được ông Khôi tìm thấy trong tài liệu lưu trữ riêng của GS Vũ Đình Hòe. Theo theo lời GS Vũ Đình Hòe nói lại, sơ đồ này do GS Hồ Hữu Tường, ủy viên Hội đồng cố vấn học chính thể hiện theo bản Đề án cải cách giáo dục do Bộ Quốc gia giáo dục (thời gian ông Hòe là Bộ trưởng) và Hội đồng cố vấn học chính đệ trình, đã “được Hội đồng Chính phủ chuẩn y cùng Ban Thường trực Quốc hội thỏa hiệp”, ban hành thành Sắc lệnh 146 ngày 10 - 8 - 1946 đặt  những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới.

  {keywords}

Sơ đồ mô hình cải cách giáo dục cũ mới được tìm thấy trong tài liệu lưu trữ riêng của GS Vũ Đình Hòe

- Cuộc Trường kỳ Kháng chiến chống Pháp đã không cho phép triển khai Đề án cải cách giáo dục này. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, mô hình này có một số điểm ngày nay vẫn còn khả thủ như: tính hướng nghiệp (“tuyển trạch”) cụ thể sau mỗi bậc học (bắt đầu từ sau tiểu học, do nhiều học sinh vào đầu cấp đã khá lớn tuổi), phân luồng sau mỗi bậc học, sự liên thông giữa “ngành học tổng quát” (phổ thông văn hóa) “ngành học chuyên môn” (phổ thông chuyên nghiệp), tính thực hành cao (có đào tạo kỹ sư thực hành).

Nếu so sánh, thấy những người làm giáo dục thế hệ trước còn mạnh dạn hơn chúng ta nhiều, định hướng phân luồng ngay sau tiểu học. Bây giờ phát triển cao hơn, không phải phân luồng sau 4 năm tiểu học nữa mà từ 9 năm cũng là hợp lý.

Tôi tán thành cơ cấu phổ thông 9 + 3 như Bộ dự kiến hiện nay. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian và sức lực để quyết định cơ cấu lại hệ thống và trở lại với ý tưởng phân luồng đã được Hồ Chủ tịch tán thành ngay từ những ngày đầu xây dựng hệ thống giáo dục cách mạng.

Còn với những kỳ thi, những phương thức đổi mới thi cử Bộ đang dự kiến đã là phù hợp?

- Theo tôi, Bộ GD-ĐT đang từ thái cực này chuyển sang thái cực khác - thiết lập một loạt rồi từ bỏ một loạt.

Từ khi tôi còn được tham gia một hội đồng cải cách giáo dục của Bộ trong những năm 90, 91 của thế kỷ trước, dưới thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân, tôi đã đề nghị nên bỏ một trong hai kỳ thi: hoặc tốt nghiệp THPT, hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ.

Theo tôi, với tình hình thực tế của Việt Nam khi đó, và kể cả bây giờ, nên để kỳ thi tốt nghiệp THPT. Lý do bởi vì chất lượng giáo dục phổ thông chưa thẩm định được. Kể cả việc xét tốt nghiệp chỉ căn cứ vào kết quả học tập ở phổ thông cũng là… nguy hiểm.

Trong tình hình chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay và cả trong mươi năm nữa, (cho đến khi thực thi được cơ cấu hệ thống mớ), điểm thi tốt nghiệp phổ thông có thể coi như một mức đảm bảo chất lượng tối thiểu cho đầu vào đại học. Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT còn như một xác nhận tư cách thành niên, và cần thể chế hoá tấm bằng phổ thông - học sinh được quyền lợi gì khi có tấm bằng đó.

Và đương nhiên, nếu bỏ kỳ thi đại học, thì đi kèm với nó phải là thắt chặt đầu ra.

Hãy nhìn lại trường ĐH Đông Dương thời trước là trường có chất lượng nhất khu vực. Vào Luật khoa, cùng khoá với cụ Hoè, có hơn 20 người, nhưng ra chỉ có 11. Những người tốt nghiệp, là những người đáng “đồng tiền bát gạo” ăn học, như các cụ Phan Anh, Vũ Đình Hoè…

Gốc của những bất cập tồn tại dai dẳng nhiều năm, theo GS Hoàng Tụy, chính là do tư duy, quan niệm cơ bản về SGK chưa ổn. Gốc chưa khắc phục thì cố gắng khó có kết quả.

Vậy những bất cập về chương trình và SGK nên giải quyết như thế nào ở lần đổi mới này, thưa ông?

- Cách đây hơn 4 năm, tôi đã phát biểu trên trang báo Tiền Phong, nên có một chương trình chuẩn với những yêu cầu cụ thể cho từng bậc học. Với điều kiện kinh tế của Việt Nam, Nhà nước có thể đầu tư cẩn thận cho một chương trình chuẩn, cho một bộ SGK chuẩn, nhưng cần tạo điều kiện cho tập thể, cá nhân các nhà khoa học, sư phạm viết những bộ SGK khác. Sau đó, tổ chức xét duyệt độc lập, không vừa đá bóng vừa thổi còi như hiện nay.

Trong cuộc đời dạy học của tôi, tôi đã soạn hơn 2 nghìn trang SGK, đào tạo 10 thế hệ sinh viên. Đây là công việc vô cùng vất vả, nếu không tâm huyết sẽ không làm được. Đến khi trực tiếp giảng dạy, tôi còn thấy phải bỏ đi một nửa những gì mình đã soạn.

Chia sẻ điều này để thấy rằng, những người tâm huyết sẽ làm, chứ không cần đầu tư, như nhóm “Cánh Buồm” đã minh chứng. Miễn là sản phẩm của họ phải được bình đẳng về đánh giá và sử dụng. Xét cho cùng, đó mới là những người có thể làm SGK.

•    Trong khoa học chân lý không phải là số đông

“Sau khi tổng hợp ý kiến, những đề xuất nào trùng hợp nhiều nhất Bộ sẽ cân nhắc để điều chỉnh qui định cho phù hợp” – Đây là ý kiến của lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi nói về dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy giai đoạn 2014-2016. Ông có cho rằng đổi mới theo cách hợp lòng số đông này sẽ hiệu qủa?

- Vừa làm vừa thăm dò sẽ manh mún, nguy hiểm nhất là lại dựa vào áp lực số đông. Trong khoa học, chân lý không phải bao giờ cũng là của là số đông.

Bộ cần có đội ngũ chuyên gia chiến lược thật sự, chứ không phải hội đồng nọ, hội đồng kia, rồi chờ tham khảo ý kiến từ khắp nơi..

Kỳ vọng về giáo dục của xã hội Việt Nam rất cao. Điều này ảnh hưởng thế nào tới công tác quản lý?

- Người quản lý phải cảm được áp lực để thay đổi, cải tiến. Nhưng nếu người quản lý không có bản lĩnh, chịu sự chi phối của áp lực thì sẽ sai lầm.

Những người có bản lĩnh khoa học sẽ thuyết phục được đám đông đó. Ví dụ như GS Hồ Ngọc Đại đã làm được với công nghệ giáo dục của mình.

Thiết kế đúng, dám thực thi, thế mới là nhà khoa học chân chính.

Nếu không đếm xỉa áp lực là sai lầm. Chịu sự chi phối, sai lầm còn to hơn.

Là người thường xuyên đóng góp ý kiến về những vấn đề giáo dục, trong thời gian qua, có khi nào ông cảm thấy giảm sút sự nhiệt tình?

- Nói chính xác, trong khoảng hai năm gần đây, tôi ít viết, ít nói về giáo dục, có thể giải thích bằng một chữ “chán”.

Lần này có Nghị quyết của TƯ, qua phát biểu của người này, người khác… tôi thấy rằng lại có gì để hy vọng chăng?

Trước mắt, tôi thực sự mong muốn Bộ GD-ĐT sớm công bố Đề án đổi mới theo thiết kế tổng thể, dù… có sai sót chăng nữa, cũng là căn cứ để mọi người góp ý, cùng nhau xây dựng.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Chi Mai thực hiện