- Hơn 50 năm, trọn nửa cuộc đời người mẹ ấy gắn bó và bảo vệ những cánh cò. Nghèo khó và cả hiểm nguy đã có khi bà tưởng mình sẽ gục ngã. Nhưng tình yêu lớn đã chiến thắng tất cả. Để bây giờ hạnh phúc lại nở hoa.
Tình yêu lớn của người mẹ “cò”
Bà tên Vũ Thị Khiêm sinh năm 1941, quê gốc ở Quảng Ninh. Năm bà lên 8 tuổi vì chiến tranh, gia đình bà đã tìm về đến Dừa Lẽ, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc để lập nghiệp. Còn tôi, vẫn thích gọi bà với cái tên trìu mến là "bà cò". Dáng bà gầy gầy tựa như dáng cò vậy. Nhỏ bé, nghiêng nghiêng.
Vườn cò cách đây 4 năm. (Ảnh: Quan Thị Dung) |
Vườn cò nay đã có hàng rào thép bảo vệ (Ảnh: Văn Chung) |
Từ mảnh đất hoang vu, um tùm bàn tay cần cù của con người đã gầy dựng lên đồi cây tươi tốt. Đàn cò đến với ngọn đồi phía sau nhà bà cũng thật tự nhiên.
Xung quanh vườn chim là cánh đồng ngập nước mênh mông. Gần đó là hồ Khuân với diện tích 40 ha có thả cá do xã quản lí. Cách vườn chim khoảng 2km là dòng sông Lô. Đây chính là những nơi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài chim nước, là yếu tố góp phần vào sự tồn tại và phát triển của vườn chim.
Bà yêu lắm tiếng chúng lúc í ới, lúc chí chóe trên những ngọn tre, ngọn vầu. Thấy trong lòng nhẹ nhõm, thanh thản biết bao.
Chim cốc rắn - loài chim quý hiếm vẫn còn ở vườn chim Hải Lựu (Ảnh: Quan Thị Dung) |
Suốt hơn 50 năm qua, biết bao biến cố, sóng gió cuộc đời ập đến nhưng bà vẫn thường nhắc nhở các con cháu, nhắc nhở với chính lòng mình phải kiên quyết giữ gìn cho được vườn cò.
Cốc đen, 1 trong 2 loài chim quý có ở vườn chim Hải Lựu (Ảnh: Quan Thị Dung) |
Chồng mất rồi con trai cũng ra đi. Những cô con dâu sinh cho bà được những đứa cháu kháu khỉnh rồi cũng cũng “dứt áo” về với “người ta”. Một mình bà thân cò còm cõi, già nua, vất vả nuôi năm đứa cháu.
Quên sao được những đêm bà cháu thức trắng bảo vệ đàn cò khỏi kẻ xấu vào bắt trộm hay những lần bà cáu gắt vì có người đòi "ngã giá" mua cò về cho cửa hàng của họ. Nước mắt bà đau đớn khi nghe tiếng cò kêu thất thanh hay những có con mất mẹ, ủ rũ chết dưới những gốc tre, gốc vầu.
Trong hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch nữa (2008) bà lại đưa ra mong muốn được nhà nước giúp đỡ bà bảo vệ đàn cò. Bà mong lắm một hàng rào bao quanh khu đồi để ngăn kẻ xấu vào trong bắt cò. Giá trị bảo tồn, du lịch sinh thái của vườn cò là điều ai cũng có thể nhận ra. Nhưng 3-4 năm sau bà vẫn cứ khắc khoải chờ.
Bà Vũ Thị Khiêm nay vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn lắm. (Ảnh: Văn Chung) |
Đổi thay
4 năm sau ngày về thăm bà, nay nhiều thứ đã đổi thay. Đường vào nhà bà nay đã đổ bê tông, không còn những sỏi đá, ổ gà ổ voi và lầy lội như trước.
Một tấm biển lớn chỉ vào Vườn chim Hải Lựu ngay lối rẽ trên đường lớn. Tấm biển nội quy vườn chim do UBND xã Hải Lựu lập với dòng chữ lớn: "Vườn chim Hải Lự tồn tại từ hơn 50 năm nay trong sự bảo vệ chăm sóc của gia đình bà Vũ Thị Khiêm. Đề nghị tất cả du khách tham quan và người dân nghiêm túc thực hiện quy định trên".
Về thăm bà, tôi vui mừng khi bà vẫn khỏe mạnh, giọng nói vẫn trầm ấm, thân thương lắm. 5 người cháu của bà đã trưởng thành. Ba có gia đình, 1 đang ở với mẹ. Giờ bà chỉ phải nuôi cô cháu gái đang học đại học năm 2 nữa thôi.
Biển chỉ dẫn và nội quy vườn chim Hải Lựu (Ảnh: Văn Chung) |
Năm rồi Nhà nước quan tâm đã xây cho bà hàng rào thép bảo vệ vườn chim. Bà mừng rơi nước mắt. Gần một năm nay bà cũng được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng để bảo vệ vườn chim. Trước đó, tiền hỗ trợ mỗi tháng bà chỉ nhận hơn 200.000 đồng/tháng
Đến nay vườn chim đã xác định có 40 loài chim hiện diện thuộc 21 họ và 6 bộ. Trong số đó, có 29 loài định cư, 4 loài di cư và 7 loài vừa di cư, vừa định cư. Bộ Sẻ Passeriformes là bộ đa dạng nhất với 11 họ, 24 loài. Họ Diệc Ardeidae và họ Quạ Corvidae đa dạng nhất về loài với 5 loài” với những loài rất quý hiếm như Cổ rắn Anhinga melanogaster và loài bồ câu nâu Columba punicea. (Trích khóa luận Tốt nghiệp "Nghiên cứu thành phần loài chim và một số đặc điểm sinh học, sinh thái của loài cốc đen Phalacrocorax niger Vieillot, 1817 ở vườn chim Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh phúc” của Quan Thị Dung, K54B khoa Sinh, Trường ĐHSP Hà Nội.)
Bà ít nói về mình nhưng rộn ràng khi khoe với tôi mấy tháng nay vườn chim có thêm gần 200 cá thể hạc đến làm tổ, sinh sống.
Bà lại cười. Nụ cười của người hạnh phúc.
- Văn Chung