- Nhiều ý kiến đồng tình với Hiệu trưởng ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội về vấn đề các ngành nghệ thuật không nhất thiết phải có giảng viên là Thạc sĩ, Tiến sĩ, mà cần người làm nghề giỏi.
|
Bài thi tốt nghiệp của SV khoa múa, ĐH sân khấu điện ảnh Hà Nội. (Ảnh: Trần Quyền) |
Trước cảnh báo "đình chỉ tuyển sinh 15 trong số 16 ngành đào tạo" năm 2014 do thiếu điều kiện về giảng viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội Trần Thanh Hiệp cho biết:
“Thầy của những đạo diễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh… có phải là thạc sĩ, tiến sĩ đâu... Bao nhiêu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân của Việt Nam hiện nay đều do cử nhân dạy. Thậm chí, đối với các nghệ sĩ tuồng, chèo là do nghệ nhân dạy, họ có khi mới chỉ học hết cấp 3, thậm chí cấp 2”.
“Tôi từng chứng kiến tiến sĩ dạy quay phim cho sinh viên mà mướt mồ hôi. Đối với nghệ thuật, dạy kiến thức sách vở là không được.”
Độc giả Mai Hương đồng tình với ý kiến của ông Hiệp: “Ông hiệu trưởng nói quá đúng, nhất là khi toàn bộ hệ thống đào tạo sau đại học của Việt Nam đã xưa nay nổi tiếng về việc cho ra các sản phẩm ít giá trị thực tiễn”.
Anh Thiều Hà Quang Nghĩa chia sẻ quan điểm rằng, với những trường đào tạo về nghệ thuật như Học viện Âm nhạc Quốc gia, cao đẳng Nghệ thuật các tỉnh, Cao đẳng Múa, Điện ảnh… thì Bộ GD-ĐT không nên áp đặt một cách máy móc các quy định như những trường khác.
Anh Nghĩa cho biết bản thân mình cũng từng được đào tạo về điện ảnh ở Hàn Quốc và các giảng viên của anh đa phần không có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ. “Họ chỉ là những người làm nghề, không qua trường lớp đào tạo về giảng dạy. Nhưng họ là người làm nên những bộ phim lừng lẫy”.
Trong khi đó độc giả Phạm Khắc Lập cũng cho rằng Bộ cần xem xét đến tính đặc thù của các ngành nghệ thuật.
“Dạy nghệ thuật phải là những người làm nghệ thuật đã được công chúng công nhận. Nghệ thuật là sáng tạo. Là luôn phải tìm cái mới. Mà nghệ nhân có mấy khi học đến cấp tiến sĩ hay phó tiến sĩ. Nếu ta nặng về lí luận, giáo pháp cho sinh viên nghệ thuật thì họ mất đi cái nghệ thuật, họ làm chỉ như cái máy mà đâu còn là nghệ sĩ”.
“Dạy những môn lý luận thì không thiếu Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhưng dạy những môn sáng tác mà đòi bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ thì kiếm đâu ra. Làm gì có Thạc sĩ, Tiến sĩ quay phim, đạo diễn, diễn viên và diễn xuất nghệ thuật dân gian?” – anh Nguyễn Phước nhận định.
"Không phải đào tạo đại học mà đào tạo nghề"
Nhìn ở một khía cạnh khác, anh Đỗ Nhật cho rằng nếu như những gì mà Hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh nói thì trường này không phải đang đào tạo đại học mà là đào tạo nghề: nghễ diễn viên, nghề đạo diễn, nghề ca hát tuồng chèo.
“Vấn đề là ở chỗ: chúng ta đã đẩy từ chỗ đào tạo nghề thành giáo dục đại học. Với đào tạo nghề thì người giỏi nghề dạy người học nghề; nhưng đã là giáo dục đại học thì phải cần có người dạy là tiến sĩ, thạc sĩ. Cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT là đúng”.
Ủng hộ cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT, anh Lê Minh cho rằng quyết định đình chỉ của Bộ là có lý:
“Hãy xem lại những ngành đào tạo vừa bị đình chỉ của ĐH Sân khấu điện ảnh. “Bộ làm như vậy là để trường ra trường, lớp ra lớp, trò ra trò, thầy ra thầy. Thầy trò không ngừng cập nhật kiến thức, phương pháp hiện đại, chứ đừng mượn danh mấy nghệ sĩ già đem ra lòe sinh viên. Nghệ thuật là phải biết sáng tạo và không ngừng đổi mới”.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trần Thanh Hiệp khẳng định: “Tôi có thể nói luôn là ở trường này 30 năm qua không có, và 3 năm nữa chắc chắn cũng không có tiến sĩ đạo diễn điện ảnh”.
Ông cho biết trường sẽ trao đổi lại với Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có ý kiến với Bộ GD-ĐT.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)