-50 đề án tuyển sinh riêng gửi về Bộ GD-ĐT với đa số xây dựng phương án tuyển sinh dựa vào việc xét tuyển, với các tiêu chí là điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập ở 3 năm THPT. Tuy nhiên, cũng có những trường tạo sự khác biệt trong xét tuyển nhằm tuyển được những thí sinh phù hợp nhất.
Ảnh minh họa: Văn Chung |
“Cơ cấu” lại khối thi
Không đi theo các khối A, B, C, D… truyền thống, một số trường đã tổ hợp lại các nhóm môn thi để xét tuyển.
ĐH Đà Nẵng đặt ra khối thi V2 cho ngành Kiến trúc. Với khối thi này, trường đưa môn Văn thay vào môn Lý truyền thống của khối V. Theo đó, trường xét tuyển điểm trung bình môn Văn năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (5 học kỳ) của thí sinh đạt từ 5,5 điểm trở lên. Thi tuyển các môn: Toán (đề thi của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức), Vẽ mỹ thuật (đề thi của ĐH Đà Nẵng). Việc đề án năm nay đưa môn Văn vào ngành Kiến trúc được dư luận đánh giá là hay và sáng tạo, tạo nên sự phong phú hơn cho ngành học này.
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng lựa chọn phương án thay đổi môn thi đối với các ngành thi tuyển khối V và khối H trước đây, nhằm đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh, phù hợp với các ngành đào tạo của trường. Do thay đổi môn thi cho các ngành thi tuyển khối V và H trước đây nên trường đề nghị đặt các khối thi mới là V1 và H1, trong đó: Khối V1 thi các môn: Toán – Vẽ Mỹ thuật – Ngữ văn; Khối H1 thi các môn: Toán – Vẽ Trang trí màu – Ngữ văn.
Với phương án Xét tuyển dựa trên kết quả của 3 năm học ở bậc trung học phổ thông, trường ĐH Đông Á dựa vào kết quả điểm tổng kết ba môn theo từng ngành dự tuyển của thí sinh trong 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) ở 3 năm học trung học phổ thông (học bạ THPT/ BTVH), để đánh giá mặt kiến thức của thí sinh. Ba môn xét tuyển theo từng ngành học được nhà trường quy định có 2 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn trong 3 môn mà trường đề xuất. Ví dụ, ngành Việt Nam học có 2 môn xét tuyển bắt buộc là Văn và Tiếng Anh, 1 môn tự chọn trong 3 môn là Tóan, Lịch sử, Địa lý. Ngành Quản trị kinh doanh hai môn bắt buộc là Toán và Vật lý, chọn 1 trong các môn Hóa, Tiếng Anh, Văn…
Tự chủ “tuyệt đối”
Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội đưa ra phương án thi đề riêng + xét tuyển. Đây là một trong những trường “mạnh dạn” nhất khi đề xuất đối với các ngành văn hóa sẽ thi tuyển theo Đề án tuyển sinh riêng của trường, trong đó đề thi khối C trường sẽ hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực ra đề (sẽ có báo cáo với Bộ GD-ĐT trước khi hợp đồng).
Bắt đầu từ năm 2014, ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai thí điểm tuyển sinh theo đánh giá năng lực nhằm chọn sinh viên vào hệ tài năng, chất lượng cao, nhiệm vụ chiến lược… ở bậc ĐH. Theo ông Nguyễn Quý Thanh - Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục (ĐHQGHN), đây là một phương thức tuyển sinh tiên tiến, đánh giá toàn diện năng lực của ứng viên. Phương thức tuyển sinh mới này sẽ không đánh giá nhiều về năng lực ghi nhớ/ tái hiện, mà về khả năng áp dụng kiến thức. Cho nên, các ứng viên cần lưu ý về khả năng vận dụng, phân tích, tổng hợp, sáng tạo.
Theo ông Thanh, do đây là phương thức đánh giá toàn diện, những nội dung kiến thức là cơ bản, nhưng độ bao phủ rất rộng, cho nên việc ôn thi, luyện thi về nội dung cũng không cần thiết và cũng không khả thi. Tuy vậy, việc ứng viên được hướng dẫn phương pháp làm bài thi chuẩn hóa là hữu ích. Khi bắt đầu triển khai thí điểm, ĐHQGHN sẽ công bố các hướng dẫn cần thiết trên internet để ứng viên tham khảo.
Ông Thanh cũng khuyến nghị các ứng viên cũng nên rèn luyện phẩm chất, năng lực một cách toàn diện như tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, nghiên cứu khoa học, hoạt động nhóm, đồng thời rèn luyện tính tự chủ, lựa chọn lĩnh vực mình đam mê để theo đuổi chứ không theo phong trào…
Chưa hẳn là một trường có tiếng tăm, nhưng ĐH Thành Đông mong muốn tuyển sinh theo phương thức xét tuyển dựa vào hệ thống tiêu chuẩn đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh trong suốt quá trình học tập và rèn luyện trong 3 năm học THPT. Hệ thống tiêu chuẩn xem xét đến ba yếu tố: Kết quả điểm trong ba năm học THPT; Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; Kết quả phỏng vấn trực tiếp nhằm phát hiện năng lực thực tiễn, khả năng tư duy, sở trường, năng khiếu và các kỹ năng khác của thí sinh. Mỗi tiêu chí trên chiếm một tỉ trọng nhất định trong tiêu chuẩn xét tuyển.. Trong đó tiêu chí 1 chiếm tỉ trọng 50%, tiêu chí 2: 40% và tiêu chí 3: 10%. Tổng 03 tiêu chí: 100 điểm.
Trường ĐH Phan Chu Trinh dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả thi tuyển sinh theo kỳ thi “3 chung”, 70% chỉ tiêu áp dụng phương thức xét tuyển theo quy chế tuyển sinh riêng của trường. Nhà trường xét tuyển trên cơ sở kiến thức và đạo đức của thí sinh trong suốt 3 năm học trung học phổ thông (THPT), đồng thời đánh giá năng lực và kiến thức xã hội/ kiến thức ngành của thí sinh thông qua bài kiểm tra kỹ năng viết và năng lực tư duy, gồm 3 tiêu chí: Tiêu chí 1 về kiến thức; Tiêu chí 2 về đạo đức; Tiêu chí 3 về năng lực.
Trong đó nổi bật là Tiêu chí 3 – Về năng lực. Tiêu chí này dựa vào kết quả kiểm tra kỹ năng viết, năng lực tư duy và vận dụng kiến thức, sẽ được kiểm tra tại trường gồm 2 phần.
Thứ nhất là Đơn dự tuyển. Thí sinh sẽ viết 1 đơn dự tuyển nêu rõ lý do chọn trường, chọn ngành và kế hoạch, mục tiêu học tập.Thực hiện trong 30 phút. Đơn được viết tự do không theo bất kỳ mẫu nào, thể hiện kỹ năng viết và trình bày của thí sinh.
Thứ hai là Bài luận. Thí sinh vận dụng kiến thức xã hội/ kiến thức ngành và các kiến thức đã học, đồng thời vận dụng năng lực tư duy để trình bày ý kiến của mình trong khoảng 300 - 600 từ (từ 1 đến 2 trang) về một vấn đề cụ thể trong thực tiễn xã hội đương đại hoặc thực tiễn ngành nghề. Thực hiện trong 90 phút, ngay khi thí sinh đến trường nộp hồ sơ hoặc một thời điểm khác do thí sinh đăng ký trong 1 khoảng thời gian do nhà trường quy định.
Thí sinh có kết quả đạt ở tiêu chí 2 và tiêu chí 3 sẽ được xét tuyển theo thứ tự từ cao đến thấp theo tiêu chí 1 cho đến khi đạt chỉ tiêu. Đối với những thí sinh có điểm của tiêu chí 1 bằng nhau thì tham dự thêm 1 vòng phỏng vấn (10-15 phút) để xác định trúng tuyển. Thực hiện phỏng vấn qua điện thoại hoặc tập trung tại nhà trường theo sự lựa chọn của thí sinh.
- Chi Mai