- Đến "hạn chót" 10/2,  Bộ GD-ĐT đã nhận được 31 đề án tuyển sinh riêng từ hơn 400 trường ĐH, CĐ.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga động viên thí sinh trước kỳ thi ĐH 2013 (Ảnh: Văn Chung)

Theo lộ trình "đổi mới thi cử", từ nay đến 2016, các trường phải hoàn thành đề án tự chủ tuyển sinh để đến năm 2017 không còn kỳ thi tuyển sinh "3 chung" như hiện nay.

Sáng 10/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong các đề án tuyển sinh, các trường nêu ra nhiều phương án, có phương án vừa thi, vừa xét tuyển, sử dụng kết quả học tập phổ thông. Đáng chú ý, các trường đều xác định "ngưỡng tối thiểu" về kiến thức đối với thí sinh.

Bên cạnh những trường "ngoài công lập", các trường công lập như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm  Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Đà Nẵng...cũng có phương án lựa chọn thí sinh riêng cho mình.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, trong số 31 đề án, có15 đề án tương đối hoàn thiện. Bộ đã công bố các dự thảo này.

"Với những đề án tuyển sinh của các trường, Bộ chỉ có chức năng xác nhận có phù hợp hay không, chứ không cấp phép, không phê duyệt", ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết thêm.

Theo ông Trinh, những nội dung quy định trong dự thảo quy định tự chủ tuyển sinh các trường ĐH, CĐ giúp thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn trước.

Bởi tuyển sinh riêng sẽ không thi theo khối, không quy định bắt buộc các môn, mà các trường sẽ có những phương án tuyển sinh đa dạng khác nhau, có thể là thi một môn kết hợp phỏng vấn… Cơ hội của thí sinh còn được thể hiện ở chỗ, đề thi phong phú, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp.

Trong dự thảo quy định về tuyển sinh, Bộ đề ra lộ trình 3 năm để học sinh vào lớp 10 năm nay vẫn có thể thi “3 chung” sau 3 năm nữa. Học sinh học theo chương trình với cách dạy, học mới sẽ thích nghi với cách thi mới. Việc thay đổi như vậy sẽ tránh gây sốc cho thí sinh cũng như cho các trường có thời gian chuẩn bị.

Từ nay đến trước 10/3, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến phản hồi về các đề án tự chủ tuyển sinh trước khi công bố chính thức các cơ sở đạt yêu cầu của dự thảo .

Hiện các đề án đang trong quá trình tham khảo ý kiến phản biện của xã hội sẽ xem xét để quyết định.

 Danh sách các trường

1. Trường Đại học Lạc Hồng

2. Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng

3. Trường Đại học Việt Bắc

4. Trường Cao đẳng Đại Việt

5. Trường ĐH Phan Chu Trinh

6. Trường ĐH Đại Nam

7. Đại học Thái Nguyên

8. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM

9. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

10. Đại học Đà Nẵng

11. Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

12. Trường ĐH Đồng Tháp

13. Trường Đại học Thành Đông

14. Trường ĐH Vinh

15. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn

16. Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh

17. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình.

18.. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An

19. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

20. Học viện Âm nhạc Huế

21. Học viện Âm nhạc TP HCM

22. Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam

23. Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM

24. Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

25. Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai

26. Trường CĐ Múa Việt Nam

27. Trường CĐ Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc

28. Trường CĐ Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc

 29-31: Ba đề án đang tiếp tục được hoàn thiện

 

  • Văn Chung - Song Nguyên