- Độc giả phản ứng gay gắt trước thông tin học sinh quay clip thầy trò đánh nhau bị kiểm điểm. “Nếu không có chiếc điện thoại thì làm sao phát giác những vụ việc như Đồi Ngô?”

{keywords}
Hình ảnh cắt từ clip

Nhà trường giận cá chém thớt?

Trong vụ việc thầy trò đánh nhau trên bục giảng, bà Quách Nguyễn Huyền Trân – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Tây Sơn, Bình Định) cho biết đã có hình thức phê bình, kiểm điểm học sinh quay clip vì vi phạm nội quy mang điện thoại vào lớp học. Bà Trân giải thích rằng quy định này là để tránh tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để chơi game.

Anh Ngô Kiên đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải hành động dằn mặt, trả thù những người tố giác, phanh phui sự việc? Nếu cứ áp dụng quy định máy móc như vậy thì chỉ là cách răn đe những người phát hiện và phanh phui việc xấu”.

“Tai sao lại kiểm điểm, không có clip đó làm sao ai biết được hành vi phản sư phạm của thầy giáo kia?” – chị Vân Anh nói.

Hay “liệu không có clip này, nhà trường có xử lý nghiêm thầy giáo không hay sẽ ỉm đi vụ việc? Giận cá chém thớt lôi học sinh quay clip ra kỷ luật, vi phạm lại nhân thêm sai phạm”.

Độc giả Đàm Hồng Chuyên cho rằng người bị kiểm điểm trước tiên lẽ ra phải là thầy giáo. “Nhà trường làm như vậy còn ai dám tố cáo, chống tiêu cực?”. “Kiểm điểm học trò mang điện thoại một thì phải kiểm điểm ông thầy giáo mười” – anh Nguyễn Hồng Phong nói.

Một số bạn đọc thì cho rằng nếu điểm kiểm học sinh mang điện thoại vào lớp thì cũng phải tuyên dương em vì đã có công phanh phui sai phạm trong ngành giáo dục, như thế mới công bằng. “Nếu không có clip này gia đình và nhà trường sẽ không biết được chất lượng dạy và học. Nếu sự việc xảy ra ngoài nhà trường, rất có thể xảy ra án mạng” – ý kiến của anh Nguyễn Cảnh Toàn.

Chị Vân Phương phản đối mạnh mẽ quyết định kỷ luật học sinh quay clip: “Mọi việc làm khác với đạo đức bình thương cần phải được ghi lại để xã hội lên án, muốn vậy cần có bằng chứng. Đừng dùng quy chế này nọ để che đậy những việc không bình thường”.

“Cách xử lý của trường này không thuyết phục. Họ ngầm cảnh báo với học sinh rằng: lần sau nếu có trường hợp học sinh nào quay clip sẽ bị xử lý như thế. Giáo dục nên nhìn vào sự thực vì hiện tại con sâu nhiều quá rồi!”

Thời nào còn cấm mang điện thoại vào lớp

Bàn về quy định mang điện thoại vào lớp học, anh Nguyễn Hưng nói: “Không có luật nào cấm học sinh được mang điện thoại đến trường, và chẳng có thước đo nào để nói lên học sinh mang điện thoại đến trường làm ảnh hưởng tới việc học tập. Phải chăng ban giám hiệu nói như vậy là vì mục đích khác. Nếu không có clip của các em đó thì liệu các cô các thầy có xử sự nghiêm túc đúng với chức danh nhà giáo hay không?”

“Thời buổi này mà nói cấm mang điện thoại vào lớp nghe không phù hợp, cấm sử dụng điện thoại, cấm để chuông reo thì nghe được. Phải quy định chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp... Nếu cấm mang điện thoại vào lớp ư? Thử lục lọi cặp của các em chắc 99% viết kiểm điểm suốt ngày vì việc này” – anh Xuân Quang nói.

Đồng tình với ý kiến này, anh Công Lý cho rằng kiểm điểm người quay clip đồng nghĩa với việc sẽ còn tiếp diễn cảnh thày giáo thành côn đồ. Phải hiểu đây là tình tiết không áp dụng quy định cấm mang điện thoại vào lớp học.

“Sao mỗi lần phát hiện tiêu cực đều xử người phát hiện trước vậy? Phóng viên phát hiện nạn mãi lộ thì đi tù, điều dưỡng phát hiện vụ nhân bản thì bị trù dập, mất việc. Người tố cáo tham nhũng, phát hiện tham nhũng bị trù dập...” – độc giả Võ Quyên đặt câu hỏi.

Một giáo viên thẳng thắn nhận xét: Sự việc đã xảy ra từ trước Tết, đến bây giờ vẫn chưa xử lý. Sự việc đã đến mức báo động về đạo đức thầy trò mà vẫn còn che giấu, kỷ luật học sinh quay clip. “Tôi cũng là nhà giáo, tôi không phục cách làm của bà hiệu trưởng”.

“Nếu thầy giáo đánh học trò trong giờ học thì giờ đó không còn là giờ học chính nữa, và việc sử dụng điện thoại cũng phải được xem như không vi phạm qui định cấm sử dụng điện thoại trong giờ học. Nên khuyến khích học sinh sử dụng công nghệ để ghi lại những hành vi trái pháp luật của cả thầy và trò để giúp những người quản lý làm tốt hơn công việc quản lý của mình” – anh Trần Sung bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, anh Trần Minh Phương thì phân tích: “Chúng ta đừng nhầm lẫn việc chơi game và ghi lại thông tin. Trong trường hợp này em học sinh chỉ kịp ghi lại hình ảnh ở phần sau của sự việc chứ không cố tình ghi lại từ đầu, và nếu không có những hình ảnh này thì bạo lực học đường không bị phanh phui mổ xẻ thì môi trường giáo dục còn đi đến đâu và hậu quả của sự ức chế nhiều khi không tưởng tượng nổi. Nếu muốn tránh việc này thì mỗi lớp nên có camera để ban giám hiệu nhà trường có thể theo dõi việc dạy và học như ở các trường mẫu giáo hiện đang có”.

Anh Hoàng Chiến đề nghị hiệu trưởng nhìn nhận lại vấn đề và xác định trách nhiệm của người đứng đầu phải làm gì trong trường hợp này.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)