- Nhiều ý kiến đối lập nhau của các nhà giáo dục sau khi Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến tìm phương án thay thế cho tiêu chí điểm sàn. Có ý kiến cho rằng đã thi “ba chung” phải giữ điểm sàn.

{keywords}

Tuyển sinh ĐH năm 2013

Không điểm sàn, 7 điểm cũng trúng tuyển…

Ông Ngô Đức Tuấn, trưởng phòng đào tạo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, nếu đã thi “ba chung” nhất quyết phải giữ điểm sàn.

Trước đây khi bắt đầu thi “ba chung” Bộ GD-ĐT cho rằng điểm sàn là điểm tốt nhất để nâng cao chất lượng đào tạo, hơn nữa các trường được phép tuyển nguyện vọng bổ sung từ 5- 10% để lấy những em điểm cao so với điểm sàn. Bây giờ lại bỏ điểm sàn - quan điểm bất nhất của khiến các trường bối rối.

Theo ông Tuấn, việc Bộ cho rằng lập ra một hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng sẽ khiến bộ máy "đẻ" ra nhiều chuyện. Việc tư vấn có thể năm nay thế này, năm sau khác. Làm gì cũng phải có luật và cần ổn định, phải có nghiên cứu trước - đây là cam kết đối với xã hội.

Tuy nhiên, từ quan sát thực tế ông Tuấn nói, từ lâu điểm sàn đã không ảnh hưởng đối với trường top đầu vì điểm chuẩn vào những trường này luôn ở mức điểm cao hơn sàn 4-5 điểm. Vấn đề là các trường ngoài công lập và top dưới - nếu không có điểm sàn sẽ được tuyển sinh ồ ạt.

“Tôi nghĩ mục đích Bộ đưa ra phương án điểm sàn, nhằm cứu nguy cho các trường ngoài công lập. Trước đây, điểm sàn 13 điểm họ đã không tuyển được giờ chỉ 7 điểm cũng tuyển được thí sinh. Như vậy chất lượng đào tạo sẽ như thế nào?”- lời ông Tuấn.

Đồng tình với ý kiến này, ông Huỳnh Thanh Hùng, phó chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM khẳng định, trường nào thi “ba chung” nhất định phải có ngưỡng - ngưỡng đó là điểm sàn, không thể thả nổi.

“Đã thống nhất thi “ba chung” là chung kết quả, phải có chuẩn để xét nguyện vọng bổ sung, không có chuẩn, không thể có nguyện vọng bổ sung được. Hơn nữa không có ngưỡng chẳng lẽ trường nào muốn lấy mức điểm bao nhiêu thì lấy. Viễn cảnh đi cấp một tấm giấy chứng nhận cho thí sinh chỉ được 1- 2 điểm thi có lẽ sắp xảy ra” - ông Hùng cảnh báo.

Cần tiêu chí đầu vào để đảm bảo chất lượng

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nêu quan điểm, điểm sàn chỉ có tác dụng khi trình độ phát triển các trường ĐH chưa đồng đều. Cho tới gần đây các trường đã có nền tảng để có thể loại bỏ được điểm sàn. Như vậy điểm sàn đã hoàn thành mục tiêu. Nếu Bộ bỏ điểm sàn thì nên đưa các tiêu chí tối thiểu giúp các trường tự chủ tuyển sinh, không bị vướng vào điểm sàn....

Ông Dũng nói thêm, các trường ngoài công lập kêu không tuyển được thí sinh là do điểm sàn nhưng đây không phải vấn đề mấu chốt mà là sự lựa chọn của thị trường. Các trường ngoài công lập nên xem xét lại mình tại sao thí sinh không lựa chọn trong khi thí sinh dư thừa rất nhiều. Có lẽ các trường nghĩ, Bộ kiểm soát đào tạo và kiểm soát đầu ra thì kiểm soát luôn cả đầu vào nhưng thật ra Bộ không làm vậy.

Theo TS Nguyễn Kim Quang, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trường ủng hộ việc thay đổi này và đồng tình với đề xuất phải có những tiêu chí để đảm bảo chất lượng đầu vào để hướng đến một kì thi quốc gia chung.

Tiêu chí cần xác định hiện nay có nhiều trường ĐH phát triển theo mô hình nghiên cứu, có trường theo định hướng nghề nghiệp. Mỗi trường sẽ có tiêu chí khác nhau, và luôn có tiêu chí cần thiết để thí sinh vào học của trường.

“Cần tin tưởng rằng bất kì trường ĐH nào dù công hay tư đều muốn có chất lượng đầu vào tốt, các trường luôn có tiêu chí riêng để tuyển được những sinh viên đủ chất để đào tạo" - TS Quang nhìn nhận. Hơn nữa, dù trường có tiêu chí nào cũng phải minh bạch với xã hội, không có trường ngoài công lập nào dám công bố những tiêu chí quá thấp. Đừng bi quan nếu thả nổi họ sẽ lấy thí sinh chất lượng kém.

  • Lê Huyền