Hai ngày qua, cộng đồng mạng rộ lên, tán thưởng câu nói của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Chỉ có bằng giả mới vào được cơ quan nhà nước”.

{keywords}

Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Minh Thăng

Câu nói của ông (tại phiên họp ngày 25/2 của hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2015, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì) ngay lập tức được dư luận thừa nhận mà hầu như không yêu cầu phải chứng minh.

Bởi lâu nay, người ta đều biết, bằng cấp là một tấm vé để vào làm các cơ quan nhà nước, nhất thiết phải có theo quy định. Nhưng chính vì thế, lại xuất hiện bằng cấp, chứng chỉ giả để bán cho những người yếu kém về trình độ, năng lực nhưng có tiền, có quan hệ… để luồn lọt, chạy chỗ vào cơ quan nhà nước, hòng tìm một công việc yên thân.

Nhưng câu nói của ông Phạm Vũ Luận cũng có thể mở rộng ra một chút.Bằng cấp giả không chỉ vào được cơ quan nhà nước mà còn có thể vào được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Câu nói đầy đủ của ông tại cuộc họp: “Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân” cũng cho thấy điều đó. Người ta cũng có thể hiểu ngay ý ông nói: ở các doanh nghiệp, cơ sở làm việc của tư nhân, vì lợi ích sát sườn của họ, không đời nào các ông chủ doanh nghiệp tư lại chỉ coi trọng bằng cấp để tuyển dụng nhân sự.

Thông thường, ở các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân, khi tuyển người, vẫn có yêu cầu sao, lưu bằng cấp để xem người đó được đào tạo chuyên ngành gì nhưng mặt khác, chủ các doanh nghiệp tư nhân sẽ kiểm tra, thử việc rất kỹ ứng viên xem họ có làm được theo trình độ đó không.

Thậm chí, bằng thật, chứng chỉ thật nhưng làm kém vẫn không tuyển dụng. Bằng cấp, chứng chỉ ghi trình độ trung bình, hay yếu nhưng thực tế làm tốt thì vẫn tuyển dụng.

Thậm chí, có những nơi, không coi trọng bằng cấp, nếu thực tế anh là bằng trung cấp nhưng làm tốt hơn người có bằng đại học thì người ta vẫn trọng dụng người có bằng cấp thấp hơn, thậm chí không phải không có cơ sở tư nhân, có những người không có bằng cấp mà làm tốt vẫn được tuyển.

Ai cũng hiểu câu chuyện thực tế này nhưng điều bất ngờ là nó được nói ra từ chính miệng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.

Với câu nói này, người ta chờ đợi xem ông cùng với những người có trách nhiệm ở các bộ, ngành khác, đặc biệt là Bộ Nội vụ, nơi soạn thảo, ban hành các chính sách, quy định về thi tuyển, tuyển dụng cán bộ, công chức nhà nước sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng quá coi trọng về hình thức bằng cấp, chứng chỉ mà thiếu kiểm tra thực tế thực học, trình độ của người được tuyển dụng như hiện nay. Bằng giả, chứng chỉ giả tràn lan đã là một chuyện, bằng thật, chứng chỉ thật nhưng học giả (kiểu như thuê người đi học, học qua loa, trốn học nhiều…) cũng không phải là hiếm.

Đã có một số bộ trưởng nói những điều mà dư luận gọi là “nói thẳng”. Cũng không phải bộ trưởng nào nhận ra, nói ra được sự thật cũng làm được những việc để thay đổi thực trạng, thay đổi những sự thật màu xám trong ngành mình, lĩnh vực mình và cả những lĩnh vực khác.

Không phải ai cũng nói ra được như Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, làm được điều gì đó để thay đổi hiện trạng, bất chấp nguy cơ chính mình sẽ “không còn gì để mất”. Nhưng dù sao, người dân vẫn đang chờ đợi, sẽ có nhiều hơn những lời nói thật, nói thẳng của các bộ trưởng và có nhiều việc làm thiết thực hơn để thay đổi, làm biến chuyển những thực tế không mấy tốt đẹp trong từng ngành, từng lĩnh vực: y tế, giáo dục, đầu tư công, giao thông… hiện nay.

(Theo Mạnh Quân - Sài Gòn Tiếp Thị)