- Sau khi Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) công bố kết quả chọn môn thi tốt nghiệp THPT, độc giả đã gửi email về VietNamNet bày tỏ cảm nghĩ của mình. Có hai “phe” rõ rệt.

{keywords}

Năm 2013, sau sự việc nhiều học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền (Q11, TP.HCM) xé giấy tung khắp sân trường khi biết tin kỳ thi tốt nghiệp không có môn Lịch sử, nhiều người cho rằng cần cảm thông với các em hơn là chỉ chê trách.

Thất vọng tột cùng

“Sai lầm trầm trọng đầu tiên của chính sách thi cử” – đây là nhận xét của độc giả Mai Hoa.

Độc giả Lê Văn Minh (Levanminh@...) bày tỏ suy nghĩ:

“0% học sinh đăng ký môn sử giống như những đứa trẻ không hề biết người sinh ra mình là ai, ông bà mình tên là gì. Không hiểu tại sao môn sử có gì khó đâu mà các thầy cô không truyền được cảm hứng cho học sinh. Các quốc gia phát triển đều là những quốc gia mà dân chúng có lòng tự tôn dân tộc rất cao (Đức, Nhật, Hàn..). Suốt mấy chục năm cải cách thành quả ngày càng xấu, đột phá từ thi 6 môn lại quay về 4 môn như cũ. Thất vọng lắm thay”.     

Đặt câu hỏi với Bộ GD-ĐT, độc giả Trịnh Văn Nam (namtrinhvan@...) băn khoăn:

“Bộ GD-ĐT biết học sinh không thi sử là rất nhiều, đồng nghĩa với học sinh học sử sẽ giảm sút mà vẫn quyết định sử là môn tự chọn, thì theo tôi Bộ GD-ĐT bỏ dạy học sử đi?”.

Độc giả Nguyễn Sự nêu ra một câu hỏi khác cũng đáng để suy ngẫm: Còn môn văn nếu không bắt buộc thì điều gì sẽ xảy ra?

Còn độc giả Vũ Ngọc Hà (vungocnha36@...) phẫn nộ:

“Để xem kì này Bộ GD-ĐT xử lí tình huống môn Sử sao đây? Hoặc là dẹp luôn môn Sử và cho giáo viên Sử chúng tôi về hưu non cuốc đất trồng rau, bán vé số nuôi thân hay nâng tầm bộ môn Sử, hoặc vờ như không có gì sau đó ghép chung với 1 môn khác thành 1 môn lai tạp để dư luận bớt soi mói và có điều kiện loại bớt giáo viên Sử chúng tôi”.

Không thi cũng chẳng lạ

Bình thản hơn, nhiều độc giả cho rằng họ không hề bất ngờ trước thống kê này.

Độc giả Ngô Viết Tân bày tỏ suy nghĩ: “Tôi nghĩ 99,9% học sinh sẽ không chọn môn sử để thi tốt nghiệp, bởi vì cách học và thi môn lịch sử của ta quá giáo điều và lạc hậu. Thời đại công nghệ thông tin mà bắt học sinh học thuộc lòng từng giai đoạn từng trận đánh , quận địch chết bao nhiêu còn quân ta chết bao nhiêu thật là vớ vẩn. Nếu chọn cách ra đề mở để học sinh tự tìm tòi tài liệu lịch sử để thể hiện thì việc học sử sẽ rất hay và sáng tạo.  Cho nên giáo dục Việt Nam phải sửa từ gốc chứ không thể vá víu được”.     

Độc giả Tuandn (tuandn1953@...) chia sẻ “Lúc còn đi học thi môn sử tôi chắc 9/10 điểm. Bây giờ Bạn Thù không rõ, Công tội lẫn lộn ...nên sợ không thi là chọn lựa khôn ngoan”.     

Độc giả Nguyễn Hoài Nam (hoainam571@...) nhận xét: “Không có ai thi khối C thì đương nhiên các em không đăng ký thi môn sử rồi.Có điều gì lạ đâu. Các em chỉ đăng ký thi môn nào mà các em thi đại học thôi”.

Độc giả Nguyễn Viết Hòa (viethoa69@...) cho rằng “Các em không đăng kí thi sử không phải vì chán ghét môn sử. Chẳng qua là các em ngại học thuộc nhiều thứ quá và đặc biệt ngại làm bài thi tự luận, rất mệt so với thi trắc nghiệm. Hơn nữa học các môn Lý, Hóa, Anh…để thi đại học nữa. Các thầy cô giáo dạy sử cũng chẳng buồn làm gì! Dạy cho hấp dẫn là học sinh hứng thú thôi. Mê sử không nhất thiết phải thi sử. Cứ dạy cho các em biết lịch sử là tốt rồi”.     

Những câu hỏi cho Bộ GD-ĐT

Độc giả Đức Minh (minhha63@...) nhận xét “Điều này chứng tỏ môn sử không hấp dẫn học sinh. Hãy cải cách cả về chương trình lẫn nội dung giảng dạy Sử, nếu không thì thật là tai họa”. 

Cùng quan điểm, độc giả Lê Mau (quynhthudan234@...) nhìn nhận “Nếu học sinh các trường đều không chọn thi môn sử thì giáo trình môn lịch sử có vấn đề, ngành giáo dục cần phải xem lại”.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương (maihuongpt286@...) đề xuất: “Tôi nghĩ chúng ta nên làm bài thi tổng hợp thay vì thi theo môn. Mỗi bài thi sẽ có câu hỏi của nhiều bộ môn theo hình thức trắc nghiệm hoặc trả lời ngắn. Như thế học sinh sẽ học đều, chứ nếu cứ tình trạng này thì có thể sẽ chẳng học sinh nào học các môn xã hội. Hình thức thi 4 môn cộng cả điểm của lớp 12 nhưng chúng ta thừa biết các em học sinh có rất nhiều cách để đạt điểm cao trên lớp: học vẹt, quay cóp hay thậm chí têu cực hơn là xin điểm. Và như thế, sẽ có cả một thế hệ người Việt Nam không mù mờ về lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước”.      

  • Ngân Anh tổng hợp

Còn trường nào 0%?

Một độc giả cung cấp thông tin: “Trường THPT Nam Trực tỉnh Nam Định chúng tôi 0% thi Sử và 0% thi Địa luôn”.

"Các em lắc đầu ngay"

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, cô Võ Tân Vân (tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Phú Hòa, TP.HCM) cho biết: Khi giảng dạy, tôi biết rất nhiều học sinh thích môn sử. Nhưng nếu bảo thi thì các em lắc đầu ngay. Học sinh ngán ngại môn sử bởi những lý do sau: chương trình quá chi tiết, bắt các em phải nhớ quá nhiều. Thêm nữa, mặc dù Bộ GD-ĐT đã cải tiến cách ra đề thi nhưng với môn sử thì vẫn như cũ: vẫn những câu hỏi chỉ nhằm kiểm tra việc học thuộc lòng của học sinh, vẫn đi vào những chi tiết rất nhỏ chứ không khơi gợi sự sáng tạo, tư duy của học sinh.

Do đó, dù giáo viên chúng tôi đã đổi mới phương pháp giảng dạy: đưa nhiều phim, ảnh vào giảng dạy nhưng vẫn yêu cầu học sinh phải học tất cả chi tiết trong sách giáo khoa. Nếu không, các em sẽ khó đạt được số điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.